+
Aa
-
like
comment

Tìm thấy dấu hiệu sự sống một tháng sau vụ nổ Beirut, trong một tòa nhà đổ nát

Thành Nhân - 04/09/2020 07:40

Lực lượng cứu hộ phát hiện dấu hiệu sự sống dưới đống đổ nát của một tòa nhà bị sập ở thủ đô Beirut trong vụ nổ đầu tháng 8.

Hãng thông tấn nhà nước Lebanon NNA đêm 3/9 cho biết một nhóm cứu hộ cùng chó nghiệp vụ đã phát hiện chuyển động dưới một tòa nhà bị sập ở khu vực Gemmayze, một trong những địa điểm chịu ảnh hưởng nặng nhất ở thủ đô Beirut trong vụ nổ hóa chất làm 190 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương hôm 4/8.

“Chúng tôi phát hiện nhịp thở và mạch đập, cùng dấu hiệu trên cảm biến nhiệt, điều đó nghĩa là có khả năng vẫn còn sự sống dưới đống đổ nát”, nhân viên cứu hộ Eddy Bitar nói với các phóng viên tại hiện trường.

Lực lượng cứu hộ đào bới đống đổ nát của một tòa nhà ở Beirut hôm 3/9. Ảnh: AFP.
Lực lượng cứu hộ đào bới đống đổ nát của một tòa nhà ở Beirut hôm 3/9. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, chiến dịch đào bới phải chấm dứt sau vài giờ do nguy cơ mất an toàn. Lực lượng cứu hộ cần phương tiện cơ giới hạng nặng để nhấc các đống đổ nát, nhưng chúng chỉ có thể triển khai khi trời sáng. “Có rất nhiều hiểm nguy với nhân viên cứu hộ. Có 10 người ở đó và chúng tôi không thể mạo hiểm”, Bitar nói thêm.

Nhóm tìm kiếm cứu hộ bao gồm nhân viên phòng thủ dân sự và tình nguyện viên Lebanon, cùng nhiều tình nguyện viên Chile.

Thông tin về dấu hiệu sự sống đã thu hút nhiều người dân địa phương, họ tỏ ra giận dữ khi nỗ lực cứu nạn bị hoãn. “Đáng xấu hổ! Có một người bị kẹt trong đó”, một phụ nữ hét về phía các binh sĩ đang canh gác khu vực.

Thủ đô Beirut của Lebanon rung chuyển sau khi kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat, tương đương 240 tấn TNT, phát nổ hôm 4/8. Người dân cáo buộc chính quyền quản lý yếu kém và lơ là trách nhiệm khi để kho amoni nitrat tồn tại ở cảng Beirut mà không có biện pháp an toàn trong 6 năm qua. Các nhà phê bình cũng đổ lỗi cho nạn tham nhũng và sự lãnh đạo kém cỏi của chính phủ Lebanon.

Ngay sau vụ nổ, nhiều quan chức chính phủ Lebanon đã nộp đơn từ chức như Thủ tướng Hassan Diab, Bộ trưởng Môi trường Lebanon Damianos Kattar và Bộ trưởng Thông tin Lebanon Manal Abdel Samad. Tuy nhiên, động thái này không thể xoa dịu lòng dân, khi nhiều người lên tiếng đòi Tổng thống Michel Aoun từ chức.

Thảm họa được coi là đòn giáng chí mạng vào Lebanon, đất nước đang chìm trong nhiều cuộc khủng hoảng chồng chất, từ kinh tế, xã hội cho tới Covid-19.

Thành Nhân/Reuters

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều