+
Aa
-
like
comment

Tìm nước cứu lúa

20/07/2020 10:16

11h trưa, trời nắng 40 độ C, chị Trần Thị Đào, xóm Hưng Thịnh, xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) vẫn ngồi bệt ở đầu ruộng lúa hơn 3 sào của gia đình sắp chết khô.

Đây là phần diện tích thuộc dạng bất khả kháng không còn nước để cứu. “Tiếc lắm, tiếc công sức và kinh phí đã bỏ ra, bây giờ phải nhìn lúa chết dần. Mong trời thương, có mưa sớm”, chị Đào, 46 tuổi, mắt đượm buồn nói.

Một đám ruộng khác của gia đình chị Đào đang được máy bơm dẫn nước vào. Nhưng mặt ruộng nứt toác, vết nứt lọt cả lòng bàn chân khiến nước vào không ướt gốc lúa đã ngấm hết. Loại này thuộc diện đang có thể cứu, song chưa biết cầm cự được bao nhiêu ngày nữa.

Chị Đào bên ruộng lúa gia đình không còn khả năng cứu vãn vì hết nước. Ảnh: Nguyễn Hải.
Chị Đào bên ruộng lúa gia đình không còn khả năng cứu vãn vì hết nước. Ảnh: Nguyễn Hải.

Chị kể, gần hai tháng trước, chị thuê máy đập, mua giống, phân, thuốc cỏ… để gieo cấy gần 6 sào ruộng. Chi phí mỗi sào (loại 500 m2) tốn hơn nửa triệu đồng. Khi lúa được 10 ngày tuổi thì một cơn mưa giông trút xuống, rồi sau đó là 30 ngày trời nắng chang chang.

Gắn bó với cây lúa hàng chục năm, chuyện lúa gặp hạn vụ hè thu với chị không có gì lạ, nhưng điều khiến chị bất ngờ là năm nay “mức độ hạn gắt hơn so với các năm trước nhiều quá”.

Xóm trưởng Hưng Thịnh, ông Nguyễn Văn Thi, 50 tuổi, chung nhận định, “từ khi lớn lên tới giờ chưa năm nào thấy hạn khốc liệt như năm nay”. 10 ngày qua, ông cùng những người trong ban bệ của xóm dùng 7 máy bơm dẫn nước từ hố nước đọng ở lò gạch về cánh đồng lúa 100 ha loại gần hai tháng tuổi đang ngắc ngoải. Từ khi nước ra khỏi hố cho tới lúc về ruộng phải mất 3 lượt bơm chuyền, quãng đường hơn 4 km.

Nhằm tận dụng triệt để nguồn nước, nhóm của ông Thi mang cả chõng tre ra vệ đường tá túc, thay phiên nhau điều tiết nước cả ngày lẫn đêm. Ở làng quê những ngày này, câu chuyện được quan tâm nhất là “tìm nước cứu lúa”.

Anh Đặng Bá Trung (xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc) dùng máy bơm mini bơm nước cứu 3 sào lúa. Ảnh: Nguyễn Hải
Anh Đặng Bá Trung (xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc) dùng máy bơm mini bơm nước cứu 3 sào lúa. Ảnh: Nguyễn Hải.

“Có thể vài tháng nữa thì mưa, phải chạy lụt, nhưng giờ đây đến nước ao còn quý”, ông Thi nói. Cuộc chiến cứu lúa của người dân ở Hưng Thịnh rôm rả như vậy nhưng để cứu vãn được mùa màng tới đâu thì không ai dám chắc. Chỉ biết những giọt nước cuối cùng bơm hết vào ruộng chỉ đủ láng qua bề mặt khoảng 60% diện tích.

“Vất vả thì không ngại nhưng muốn bơm cũng đâu còn nước”, vị trưởng thôn giọng buồn bã. Ông nhẩm tính, chi phí xăng dầu, điện phục vụ máy bơm ròng rã những ngày qua đã tiêu tốn hơn 10 triệu đồng. Kinh phí này, thôn đã ứng một phần từ nguồn chi thường xuyên của UBND xã, thời gian tới nếu còn thiếu sẽ huy động hộ dân đóng góp.

Xóm Hưng Thịnh mới sáp nhập từ ba xóm nhỏ với trên 400 hộ và 1.600 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo của xóm rất thấp. Từ nhiều năm nay, lúa là cây độc canh vùng này. Đối mặt với một vụ lúa mất mùa, nhiều người dân nơi đây đã chuẩn bị tâm lý bỏ làng, bỏ ruộng tìm kế khác sinh nhai.

Nông dân xóm Hưng Thịnh đưa những giọt nước cuối cùng ở vũng đọng lò gạch cách đồng 4 km về cứu lúa. Ảnh: Nguyễn Hải.
Nông dân xóm Hưng Thịnh mở bờ bao đưa những giọt nước cuối cùng ở vũng đọng lò gạch cách đồng 4 km về cứu lúa. Ảnh: Nguyễn Hải.

Hưng Tây là vựa lúa lớn nhất huyện với 500 ha, khoảng nửa trong số này thuộc diện không còn nước để cứu, số còn lại chỉ cầm cự thêm được ít ngày tới. Chính quyền xã đã lập tổ công tác về từng xóm để kiểm đếm thiệt hại từng hộ cũng như chi phí xăng dầu, điện mà người dân đã bỏ ra để cứu lúa.

“Hưng Tây nói riêng và Hưng Nguyên nói chung là vùng sâu trũng, nằm cuối sông Lam. Mùa nắng thì thiếu nước, song mùa mưa thì ngập lụt nên việc tính chuyện chuyển đổi từ trồng lúa sang cây khác cũng rất khó khả thi”, ông Hoàng Đức Ân – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên nói.

Phó giám đốc đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ Nguyễn Xuân Tiến cho hay, những năm gần đây biến đổi khí hậu rất khốc liệt, hiện tượng thời tiết cực đoan – nguy hiểm ngày càng gia tăng. Từ đầu năm, khu vực Bắc Trung Bộ chịu 7 đợt nắng nóng, trong đó chỉ riêng tháng 5 có 5 đợt, nhiều nơi ghi nhận đỉnh nhiệt đạt 42,2 độ C.

“So với đỉnh nhiệt năm 2019 thì năm 2020 thấp hơn, tuy nhiên năm nay nắng nóng kéo dài nhiều ngày hơn, khốc liệt hơn. Năm sau nhiệt độ thấp hơn hoặc cao hơn thì khó dự đoán, nhưng xu thế chung là nhiệt độ đang đi lên”, ông Tiến nói.

Ông Tiến nhận định, nắng nóng liên tiếp nhiều ngày làm tăng lượng bốc hơi, tổn thất các dòng chảy, kết hợp với mưa ít hơn các năm là những nguyên nhân trực tiếp gây ra hạn hán.

Ngoài ra, một trong những lý do mà xứ Nghệ luôn có mức nhiệt cao và khó chịu hơn so với các nơi khác là “đặc sản” gió phơn Tây Nam (gió Lào). Theo tính toán, khi gió này vượt qua dãy Trường Sơn, cứ hạ độ cao 100 m sẽ làm nhiệt tăng 0,6 độ C, kết hợp với độ ẩm thấp sẽ khiến người dân cảm thấy bức bối, cây cối cũng nhanh bị khô héo.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 3.500 ha lúa thuộc diện không còn nước để cứu và diện tích đang tăng lên từng ngày do trời vẫn chưa mưa; hơn 10.000 ha khác trong diện nguy cơ. Các giải pháp như nạo vét kênh mương, tận dụng tối đa nguồn nước đọng đã được chính quyền các cấp triển khai nhiều ngày qua. Hơn 960 hồ đập do địa phương quản lý chỉ còn 20 đến 30% dung tích…

Hố nước đọng ở lò gạch tại xã Hưng Tây kiệt sau 10 ngày bơm liên tục. Ảnh: Nguyễn Hải.
Hố nước đọng ở lò gạch tại xã Hưng Tây kiệt sau 10 ngày bơm liên tục. Ảnh: Nguyễn Hải.

Trước nắng hạn gay gắt, ngày 13/7, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu đã “công bố thiên tai về loại hình này”. Nghệ An cho rằng việc công bố này là cần thiết; là cơ sở để trích ngân sách hỗ trợ người dân nhằm cứu vãn cây trồng, trọng tâm là cây lúa.

Nghệ An có 1.061 hồ thủy lợi với tổng dung tích trên 537 triệu m3, cùng một số hệ thống sông lớn. Hệ thống thủy lợi chỉ đủ tưới khoảng 55% diện tích đất nông nghiệp. Hồi đầu tháng 7 vừa qua, trong chuyến công tác tại Nghệ An, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, tỉnh có 80% dân số sống bằng nông nghiệp, an toàn hồ đập và an ninh nguồn nước càng phải được quan tâm. Toàn tỉnh mới chủ động tưới được khoảng 55% diện tích, còn lại 45% phụ thuộc vào tự nhiên – đây là hạn chế của địa phương. Đặc điểm địa hình phức tạp, bị chia cắt, lượng hồ chứa lớn đang đặt ra vấn đề về an toàn hồ đập và an ninh nguồn nước.

Ông đề nghị, tỉnh phải đặt ra vấn đề quy hoạch hồ chứa thủy lợi để chủ động tưới cho sản xuất nông nghiệp chống hạn, phòng chống thiên tai. Về lâu dài, tỉnh phải tính toán để các hệ thống hồ đập liên thông, kết nối nhằm tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguyễn Hải/VNE

Bài mới
Đọc nhiều