+
Aa
-
like
comment

Tìm người ở Trà Leng, hàng trăm người dùng tay lật tung đống hoang tàn

30/10/2020 08:56

Sau vụ tai nạn khủng khiếp nhấn chìm thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) dưới đống hoang tàn, hàng trăm đôi tay của đồng bào người Kinh, Ca Dong, Mơ Nông… ở các đồi núi gần đó xúm vào lật tung mọi thứ để tìm người bị nạn.

Người dân lao vào giúp đỡ lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích- Ảnh: MINH HÒA

Sạc điện thoại đầy đủ để bà con dùng

Trước cổng xã Trà Leng là cây cầu vượt qua sông Leng. Khi cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền, toàn bộ Nam Trà My sau đó gần như bị chia cắt vì tắc đường, mất sóng điện thoại. Chính điểm giữa cây cầu trên sông Leng này là nơi còn ít sóng điện thoại mà người dân có thể bắt được để đưa thông tin vụ sạt lở kinh hoàng ra bên ngoài.

Nhưng chỉ có điện thoại đời cũ như của anh Nguyễn Văn Vương là dễ dàng bắt được sóng để gọi, nên người thanh niên Ca Dong 26 tuổi này trước đó đã tự tìm cách sạc đầy pin điện thoại bằng ăcquy điện, đi mua card nạp thêm tiền điện thoại, đứng đó chờ cho người ta… mượn.

“Thấy người ta cần quá, mình đi hỗ trợ mà”, Vương nói. Hoàn lưu bão số 9 đã gây ra mưa to gió lớn cho toàn vùng Nam Trà My, ở thôn Tà Ủ mà Vương sống cũng rất nhiều nhà bị núi vùi lấp.

Khi đang giúp dựng lại một căn nhà bị sập trong xóm, Vương hay tin về vụ sạt lở kinh hoàng. Ngay lập tức Vương tạm dừng công việc, đi qua xã Trà Leng. Một trong những người bị thương nặng đầu tiên trong đống đổ nát được đưa lên võng để khiêng ra, có sức vai của Vương ghé vào.

Còn ai không?

Hành trình 6 cây số từ cổng xã Trà Leng vào hiện trường không dễ dàng khi có hàng chục điểm sạt núi vùi lấp, suối phá cắt tan hoang con đường độc đạo vào xã sau cơn mưa lớn như trút nước vào sáng 28-10. Nhưng chúng tôi không phải tự đi vào một mình. Xung quanh chúng tôi là rất nhiều người cùng hướng đến thôn 1.

Điều lạ, những người đi cùng chúng tôi không ai ở Trà Leng. Họ là những người như Vương, những anh em Ca Dong, Xơ Đăng từ các vùng đồi núi lân cận vừa mới sang tới. Họ là những giáo viên từ khắp nơi đang bị mắc kẹt vì hoàn lưu bão gây chia cắt hoàn toàn Nam Trà My. Hay là những cụ ông tóc bạc trắng nhưng thân thể rắn rỏi, đi núi như đi đường bằng.

Những bà cô không biết tận đẩu tận đâu, miệng nhai trầu, tay xắn ống quần vượt dễ hết vũng bùn lầy này đến con suối khác. Những cô giáo từ miền thành thị đã quen vùng sơn cước, khi chúng tôi hỏi trường cô dạy thì họ chỉ xa về phía một chấm mờ đỏ bên ngọn núi trước mặt, mà hẳn chúng tôi muốn ghé thăm phải đi bộ cả ngày trời mới tới.

Là những cán bộ công an, viên chức nhà nước từ nhiều xã tại Nam Trà My tìm mọi cách để đến đây. Rất nhiều người đã lần thứ hai đi vào lại hiện trường, với hi vọng duy nhất là để đưa giúp được một ai đó ra ngoài.

Đoàn chúng tôi đi, thỉnh thoảng gặp những người trở ra. “Còn ai không?” là câu hỏi mà người vào hiện trường dành cho người trở ra. Đôi khi nghe người trở ra thở dài lắc đầu, khuôn mặt những người đi vào lại trở nên đầy căng thẳng. Thỉnh thoảng gặp một đoàn gánh võng đưa người bị thương vừa tìm được trong đống đổ nát ra, khuôn mặt những người đi vào mới giãn ra đôi chút như có thêm hi vọng.

Khi chúng tôi vào, trên đống đổ nát hoang tàn là hàng trăm người dùng tay xới tung mọi thứ để tìm đồng bào của mình. Lúc này, đội quân hậu phương vẫn chưa thể tiếp cận hiện trường. Chính những đồng bào Nam Trà My đã giúp thảm kịch bên dòng sông Leng bớt nỗi thương tâm.

SƠN LÂM – MINH HÒA/TTO

Bài mới
Đọc nhiều