+
Aa
-
like
comment

Tìm cơ hội trong nguy cơ để vươn lên

Đỗ Mạnh - 13/04/2020 12:08

Trong khó khăn dân tộc Việt Nam luôn sáng tạo, biết tận dụng cơ vượt khó để vươn lên. Lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước đã chứng minh điều đó một cách hùng hồn, đặc biệt là từ giai đoạn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại  Hội nghị trực tuyến ngày 10/4/2020

Năm 1945 giữa lúc nạn đói hoành hành, hàng triệu người dân chết vì đói kém, chiến tranh thế giới đang đến hồi kết thúc, Nhật Pháp đánh nhau, nhân dân ta rên xiết dưới ách đô hộ của những đế quốc sừng sỏ. Tận dụng cơ hội khi đế quốc suy tàn và thất bại nặng nền trong đại chiến thế giới lần thứ hai.  Hồ Chủ Tịch đã kêu gọi toàn dân đứng lên dành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 2/9/1945 trước sức mạnh như vũ bão của nhân dân cả nước chúng ta đã đã đánh Pháp, đuổi Nhật lập nên nhà nước công nông đầu tiên tại Đông Nam Á. Nhà nước non trẻ của chúng ta trước những sức ép thù trong giặc ngoài gồng mình vượt qua khó khăn gian khổ bước vào cuộc kháng chiến trường kì chín năm chống Pháp và kết thúc chiến tranh bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Khi khói súng đánh Pháp còn chưa hết mùi, nhân dân ta lại bước vào cuộc chiến đấu mới chống lại sự xâm lăng của đế quốc Mỹ. Hai mươi năm trải qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, hàng triệu đồng bào , chiến sĩ đã hi sinh cuối cùng thì chúng ta cũng đã kết thúc chiến tranh giải phóng hoàn toàn Miền nam thống nhất đất nước bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975.

Năm 1979 khi những vết thương sau bao nhiêu năm chiến tranh chưa lành đất nước ta lại cùng một lúc phải bước vào cuộc chiến tranh ở hai tuyến biên giới phía nam và phía bắc vô cùng tàn khốc. Trong lúc chúng ta đang trong hoàn cảnh đói kém vùng vẫy trong vòng vây cấm vận của nhiều nước trên thế giới do chưa hiểu hết tính hòa hiếu và hi sinh của dân tộc Việt Nam. Nhưng một lần nữa chúng ta đã kiên định chứng minh cho thế giới rằng, dân tộc ta là một dân tộc yêu chuộng hòa bình và muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Và Việt Nam lại một lần nữa đại diện cho lương tri thế giới quên thân mình lật đổ chế độ Pol Pot cứu nhân dân Camphuchia khỏi nạn diệt chủng.  Ở biên giới phía bắc, chúng ta đã chứng minh cho thế giới biết rằng dân tộc dù nhỏ nhưng biết đoàn kết, biết kết tinh tinh thần yêu nước sẽ không chịu khuất phục trước bất kì kẻ thù nào.

Mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, chúng ta đều vượt qua muôn vàn khó khăn và dành thắng lợi vẻ vang. Chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù không phải bằng vũ khí hiện đại mà bằng ý chí, tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu quật cường. Chúng ta chiến đấu, chiến thắng kẻ thù bằng trí tuệ, tinh thần sáng tạo và chiến lược tài tình lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều. Trong chiến đấu chúng ta là ngọn cờ đầu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Việt Nam trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia học tập và noi theo.

Nay dịch Covid 19 đang lan tràn và gây rất nhiều thiệt hại trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Cuộc chiến đấu không tiếng súng mới chỉ bắt đầu từ cuối năm 2019 cho đến nay. Tuy mới trải qua gần 4 tháng nó đã mang lại cho Việt Nam rất nhiều tổn thất về kinh tế. Dịch Covid-19 đã và đang làm ảnh hưởng toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta. Để chống dịch nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất; một bộ phận không nhỏ người lao động phải ngừng không làm việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp. Hầu hết các ngành sản xuất đều bị ngưng trệ. Một số ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề như vận tải, da giày, may mặc, tài chính vv… Ước tính tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2020 chỉ tăng 3,82%. Đây được xem là mức tăng thấp nhất trong hơn 10 năm qua và ước chỉ bằng hơn ½ so với kế hoạch đề ra.

Theo tính toán sơ bộ cho đến đầu tháng 4/2020, có đến 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, da giày, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động ngành hàng không tạm nghỉ việc. Tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo… Dự báo trong tháng 4, tháng 5, dịch bệnh nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, ước tính sẽ có khoảng khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.

Dù rất khó khăn nhưng mục tiêu cao nhất của Chính phủ vẫn là sức khỏe của nhân dân. Chúng ta chấp nhận hy sinh những lợi ích kinh tế để tập trung chống dịch và tập trung các nguồn lực lo cho đời sống nhân dân nhất là những đối tượng khó khăn và hưởng trợ cấp xã hội.

Song song với nhiệm vụ chống dịch Covid 19 chúng ta cũng đã tính đến phương án phát triển và phục hồi sản xuất. Ưu tiên thúc đẩy các ngành kinh tế sử dụng đến chất xám và trí tuệ Việt Nam. Tăng cường cải cách, áp dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo và tạo ra các bước đột biến trong áp dụng công nghệ thông tin. Tổ chức và nghiên cứu cho ứng dụng làm việc online làm cơ sở cho những tính toán sau khi dịch kết thúc. Điều quan trọng là xác định nhu cầu nhập khẩu của các nước để có kế hoạch xuất khẩu ngay sau khi dịch kết thúc. Mạnh bạo cho phép một số ngành bảo đảm độ giãn cách chống dịch đi vào sản xuất ngay tại thời điểm hiện tại.

Dịch Covid 19 cũng chỉ cho chúng ta biết dù một số ngành có thế mạnh như nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, may mặc, thủ công mỹ nghệ , hàng không, du lịch  vv… nhưng lại rất dễ bị tổn thương khi gặp sự cố như dịch covid 19. Vì vậy cần có chiến lược ưu tiên đầu tư phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn  có tỷ lệ chất xám cao và ít bị anh hưởng bởi những biến động từ bên ngoài. Ưu tiên phát triển những sản phẩm sử dụng sự khéo léo của người Việt Nam để cạnh tranh với thế giới.

Covid 19 đang là khó khăn và là thách thức rất lớn, nhưng cũng mở ra không ít những cơ hội. Chống dịch như chống giặc, càng khó khăn thì tính sáng tạo càng lớn. Dân tộc ta đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn của các cuộc kháng chiến, những khó khăn đó thậm chí đã phải trả bằng máu của hàng triệu người và cuối cùng chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng. Càng khó khăn thì ý chí và tinh thần dân tộc lại được nhân lên gấp bội, Hy vọng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ nhân dân ta sẽ một lần nữa tìm ra cơ hội trong khó khăn để chiến thắng.

Đỗ Mạnh

Bài mới
Đọc nhiều