+
Aa
-
like
comment

TikTok bị cấm ở Mỹ ảnh hưởng ra sao đến Việt Nam?

Hạnh Văn - 27/04/2024 08:02

Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức ký thông qua luật buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng hoặc phải dừng hoạt động tại Mỹ, một ngày sau khi quốc hội phê duyệt dự luật và chuyển tới Nhà Trắng. Nguy cơ bị “cấm cửa” tại nền kinh tế số 1 sẽ mang đến những tác động nào cho những quốc gia khác, trong đó có Việt Nam?

Đây là lần mà việc TikTok bị cấm ở Mỹ tiến gần đến hiện thực nhất.

Hạn chót để ByteDance thoái vốn là 19/1/2025, một ngày trước khi ông Biden kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, nhưng có thể gia hạn ba tháng nếu đánh giá ByteDance đạt được tiến bộ.

Công ty mẹ ByteDance có hạn chót là 19/1/2025 để thoái vốn khỏi TikTok, tức một ngày trước khi ông Biden kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Tuy nhiên, hãng có thể được gia hạn 3 tháng nếu “đạt được tiến bộ”, theo nội dung của đạo luật. Như vậy, ByteDance vẫn còn gần nửa năm để xoay chuyển tình hình.

Tuy nhiên, bất chấp việc Chính phủ Mỹ ban hành luật, CEO TikTok Chew Shou Zi vẫn tin tưởng rằng công ty ông sẽ thắng kiện chống lại đạo luật cấm được Tổng thống Joe Biden ký thành luật, đạo luật mà ông cho là sẽ cấm ứng dụng video ngắn phổ biến của họ, được 170 triệu người Mỹ sử dụng.

Dù sao, việc cấm một ứng dụng trên toàn quốc là điều chưa từng có tại Mỹ dù một số tiểu bang đã từng làm trong thời gian gần đây. Ví dụ bang Montana đã thông qua dự luật cấm Tiktok vào năm 2023 bằng cách yêu cầu các chợ ứng dụng loại bỏ mạng xã hội này trong khu vực bang. Nhưng dự luật này đã bị phủ quyết bởi tòa án liên bang vào tháng 11/2023 trước khi kịp có hiệu lực vào ngày 1/1/2024.

Tuy nhiên, đặt trong tình huống thực sự bị cấm, ứng dụng TikTok sẽ bị gỡ khỏi các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ của Apple và Google. Những người dùng ở Mỹ đang có TikTok trên máy mình thì vẫn dùng được, nhưng sẽ không thể cập nhật và sửa lỗi.

Khu vực Bắc Mỹ chiếm khoảng 15% (192 triệu) tổng số người dùng TikTok, và một lệnh cấm như vậy sẽ tạo ra “hiệu ứng domino”, theo Phó Giáo sư Brian Lee, người đứng đầu chương trình truyền thông của ĐH Khoa học Xã hội Singapore (SUSS). Điều này cũng có thể tác động đến các quốc gia khác, đặc biệt là những đồng minh của Mỹ, và thúc đẩy họ ban hành những lệnh cấm tương tự.

Trong trường hợp đó, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh cấm sẽ là những người sáng tạo nội dung, kinh doanh trên TikTok vì công việc của họ trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, người sử dụng ở các nước mà TikTok bị cấm có lẽ sẽ tìm các cách khác để dùng được ứng dụng này, chẳng hạn như dùng VPN (mạng riêng ảo), mặc dù việc này thực ra lại có thể vi phạm các điều khoản dịch vụ của TikTok.

Trên thực tế, người dùng Mỹ vẫn có thể lách luật bằng các tài khoản ảo ẩn địa chỉ IP để truy cập vào chợ ứng dụng ở thị trường nước ngoài và tải về Tiktok. Điều trớ trêu hơn là người dùng sẽ không phải nhận bất kỳ chế tài nào về hành vi này.

Điều này khiến lệnh cấm trở nên vô tác dụng khi chẳng khác nào hành vi “bịt tai trộm chuông” bởi chính người dùng mới là đối tượng tự chủ hành vi có tiếp tục dùng Tiktok hay không.

Dẫu vậy, việc cấm Tiktok tại Mỹ được cho là vẫn sẽ có tác động to lớn đến nền tảng này khi chặn thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đang bùng nổ mạnh với ByteDance. Sức mua cực kỳ lớn tại Mỹ cùng những danh tiếng mà thị trường này đem lại sẽ làm suy yếu đáng kể cái tên Tiktok trong ngành TMĐT.

Nhiều nhãn hàng sẽ phải xem xét lại việc quảng cáo trên Tiktok khi chúng khó tiếp cận thị trường Mỹ, trong khi nhiều người bán hàng sẽ từ bỏ Tiktok vì không tiêu thụ được cho khách hàng Mỹ.

Tuy nhiên, liệu các nước châu Á có ban hành một lệnh cấm đối với TikTok hay không vẫn là một bí ẩn. Một vài nước thân cận với Mỹ có thể sẽ xem xét điều này, điển hình như Án Độ đã cấm hoàn toàn TikTok từ năm 2020. Nhưng các quốc gia châu Á không cần phải làm theo Ấn Độ và cũng ít có lo ngại về hậu quả từ phía phương Tây nếu không cấm TikTok.

Hiện tại, một số nguồn tin cho rằng ByteDance có thể sẽ rút hoàn toàn khỏi Mỹ để bảo toàn thuật toán đề xuất video cũng sẽ tạo ra một số kịch bản. Thuật toán đề xuất video được ByteDance xem như công nghệ cốt lõi cho toàn bộ hoạt động của TikTok, nên khó có thể tưởng tượng hãng chấp nhận thoái vốn và để lại “kho báu” này. Tuy nhiên, việc bán TikTok không có thuật toán có thể xem như vô nghĩa và khó xảy ra.

Nếu như vậy, thị phần ở Mỹ của TikTok sẽ bị bỏ ngỏ và là cơ hội nghìn năm có một cho các hãng công nghệ, các công ty công nghệ đưa ra các ứng dụng kiểu như TikTok để “lấp chỗ trống”. Tức là, người dùng khắp thế giới có thể sẽ chứng kiến sự trỗi dậy hoặc xuất hiện mới của những ứng dụng thay thế TikTok.

Về cơ bản, người dùng ở châu Á ít nhất là trong thời gian ngắn sẽ không cảm nhận được tác động của lệnh cấm TikTok ở Mỹ, nhưng rất có thể một sân chơi mới sẽ hình thành và như quy luật của mọi thời đại, nếu nhanh chóng thích nghi, chuyển đổi, những người sử dụng và sáng tạo nội dung hoàn toàn có thể biến khó khăn thành cơ hội.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều