+
Aa
-
like
comment

Tiểu sử đặc biệt, ít ai biết về 3 ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư

01/02/2021 09:21

Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã bầu Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương. Theo dõi danh sách và tiểu sử của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới, 3 Ủy viên có hoàn cảnh khá đặc biệt khi họ đều trưởng thành từ những trẻ mồ côi, là con của các liệt sỹ đã hy sinh trong chiến tranh.

1. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sinh ra ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam trong một gia đình giàu truyền thống Cách mạng. Bố của Thủ tướng tập kết ra Bắc, mẹ và các con ở lại quê hương trong cảnh bom đạn khốc liệt.

Thủ tướng đã từng thoát chết trong gang tấc khi một quả rocket nổ trên đường đi học về chỉ cách một sải tay. Căn nhà nhỏ của gia đình đã 3 lần chịu cảnh bị đốt phá. Tháng 4/1965, chị đầu đi du kích bị địch bắn chết. Chưa đầy năm sau, mẹ anh dũng hi sinh trước những đòn tra khảo của kẻ thù. Bố tập kết không thể về nhà chịu tang. Năm 1967, Thủ tướng Phúc nằm trong số các học sinh miền Nam được đưa ra Bắc học tập, học cấp 3, sau đó học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng và để lại những dấu ấn lớn. Trong đó, trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông được coi là kiến trúc sư trưởng, định hình cho quá trình phát triển đi lên của tỉnh Quảng Nam, nhất là trong việc hình thành khu kinh tế Chu Lai. Sau này, trên cương vị Thủ tướng, ông đã để lại dấu ấn và niềm tin trong lòng nhân dân với những thành tựu mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xã hội cũng như phòng chống dịch COVID-19.

2. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ

Bí thư Vương Đình Huệ sinh năm 1957 tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An là con trai của ông Vương Đình Sâm và bà Võ Thị Cầm. Cha mẹ ông sinh được 8 người con cả gái và trai. Cha ông bị thương nặng ở tay do trúng bom của quân đội Mỹ, và sau đó qua đời vì lâm bệnh nặng.

Mồ côi cha, gia đình lại đông con nên gặp nhiều khó khăn, ngay từ nhỏ ông đã phải đi cào nghêu, bắt ốc, nhặt cá rơi, đi chăn trâu cho người ta để kiếm gạo. Mặc dù khó khăn nhưng ông học rất giỏi, nổi tiếng không chỉ ở Nghi Lộc mà cả tỉnh Nghệ An. Năm 1974, ông đã được tỉnh tặng một chiếc xe đạp về thành tích học tập. Đặc biệt, ông còn có tài đánh cờ tướng rất giỏi, thắng được mọi cao thủ ở quê.

Về sau, chàng học trò giỏi xứ Nghệ đã tiếp tục phát huy tài năng, là sinh viên xuất sắc ở cả trong và ngoài nước, sau đó được cử đi học ở nước ngoài. Về nước, ông là Giảng viên rồi làm lãnh đạo tại Học viện Tài chính. Trên các cương vị đã qua, ông đã thể hiện được trình độ, năng lực, nhất là trong thời gian làm Phó Thủ tướng Chính phủ đóng góp to lớn cho sự phát triển, đảm bảo tăng trưởng và giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Mới chỉ hơn 1 năm trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông cũng để lại dấu ấn với thành tích trong chỉ đạo kiềm chế dịch COVID-19 và kêu gọi, thu hút đầu tư, xác định một số định hướng phát triển quan trọng cho Thủ đô.

3. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa sinh năm 1962 tại Gò Công, Tiền Giang. Ông sinh ra trong một gia đình có bảy người con và là con thứ sáu nên cái tên Sáu Nghĩa gắn bó với ông từ thuở lọt lòng. Nối gót truyền thống ông bà, ba mẹ anh tham gia kháng chiến từ thời chống Pháp đến chống Mỹ, là cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ, tổ chức mạng lưới giao liên hoạt động ngầm trong lòng địch. Gia tộc và gia đình ông là “cách mạng nòi”.

Khi ông mới được 4 tuổi thì cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ của gia đình ông ở trong rừng bị lộ vì bọn chỉ điểm. Trong lúc bị địch bao vây, ba ông đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh để bảo vệ đồng chí của mình. Mẹ ông lúc đó đang mang thai đứa út. 5 năm sau, khi Sáu Nghĩa bắt đầu ý thức được nhiệm vụ mà ba mẹ và chị Hai đang làm thì một lần nữa, cơ sở cách mạng lại bị lộ. Cũng giống như ba ông, người mẹ yêu thương dù đang nuôi con nhỏ, vẫn anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, chấp nhận hy sinh tính mạng để giữ bí mật tuyệt đối cho tổ chức cách mạng.

Sau khi ba mẹ mất, ông sống cùng với cô. Trong ký ức của cậu bé Sáu Nghĩa ngày đó chỉ có một mong ước là lớn nhanh, đi bộ đội để chiến đấu trả thù cho ba má. Khi đã 17 tuổi, có cả ba và má là liệt sĩ, ông được ưu tiên đi học ở nước ngoài nhưng đã nhất quyết nhường lại suất đi học cho người khác và nhập ngũ, lên đường chiến đấu ở biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Cậu bé Sáu Nghĩa năm nào giờ đây đã trở thành một vị tướng, một lãnh đạo cấp cao của Quân đội. Với việc được bầu làm Bí thư Trung ương Đảng ngày hôm nay, ông nhiều khả năng sẽ trở thành Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và sẽ là vị Đại tướng thứ 2 của Nam Bộ.

Đọc những câu chuyện về họ có thể thấy một tinh thần phấn đấu vươn lên hết sức mạnh mẽ, vượt qua những khó khăn để có được thành công trong sự nghiệp. Xin chia sẻ với tất cả mọi người những câu chuyện này, đó có thể sẽ là những tấm gương mà tất cả chúng ta có thể noi theo để vượt qua khó khăn, vươn lên hơn nữa trong cuộc sống.

T.H

Bài mới
Đọc nhiều