Tiêu diệt thủ lĩnh IS chỉ là vỏ bọc cho ý đồ của Tổng thống Donald Trump?
Chiến dịch tiêu diệt Baghdadi gợi nhớ đến thành công của chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hơn 1 năm trước khi ông Obama tái đắc cử.
Cái chết của thủ lĩnh IS trong chiến dịch đột kích ngày 26/10 chứng minh giá trị 3 điểm mạnh truyền thống của Mỹ là: các liên minh mạnh mẽ, độ tin cậy của các cơ quan tình báo và việc triển khai sức mạnh quân sự trên khắp thế giới.
Tổng thống Trump thường chỉ trích 2 yếu tố đầu tiên. Thậm chí khi ông tuyên bố về thành công của chiến dịch vào sáng 27/10, thì điều đó vẫn không ngăn được những nghi ngờ về sự khôn ngoan khi ông muốn giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria trong bối cảnh những mối đe dọa khủng bố vấn tiếp tục phát triển trong khu vực.
Ông Trump lâu nay thường nghi ngờ các cơ quan tình báo Mỹ và thậm chí có các nhân viên tình báo như thành viên của “thế giới ngầm”. Ông cũng có quan điểm hoài nghi về các liên minh của Mỹ – trong trường hợp này là mối quan hệ hợp tác với người Kurd ở Syria mà chính ông vừa mới phản bội.
“Điều trớ trêu về sự thành công của chiến dịch đột kích al-Baghdadi là nó không thể diễn ra mà không có lực lượng Mỹ trên mặt đất – lực lượng mà Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi Syria; sự trợ giúp của người Kurd ở Syria mà Mỹ đã phản bội mới đây; và sự hỗ trợ của cộng đồng tình báo vốn bị những lời chỉ trích của Tổng thống làm cho ‘mất mặt’”, ông Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đòng Quan hệ đối ngoại cho biết ngày 27/10.
“Trong khi cuộc đột kích là một thành công được chào đón, thì các điều kiện làm nên chiến dịch này có thể sẽ không tồn tại trong tương lai”, ông nói.
“Làm màu” chiến dịch tái tranh cử hay cứu vãn nguy cơ luận tội
Khi Nhà Trắng đăng tải bức ảnh kèm ghi chú Tổng thống Trump cùng các quan chức cấp cao đang theo dõi chiến dịch đột kích thủ lĩnh IS al-Baghdadi, nó gợi nhớ tới một bức ảnh khác tương tự năm 2011, khi Tổng thống Barack Obama cùng các quan chức theo dõi chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.
Có một sự trùng hợp đến ngạc nhiên: Chiến dịch đột kích thủ lĩnh IS al-Baghdadi diễn ra trong bối cảnh chỉ còn 1 năm trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 mà ông Trump muốn tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
Chiến dịch không kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, thủ lĩnh al-Qaeda năm 2011 đã trở thành một trong những bước ngoặt cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Obama vào năm sau đó.
Ông Trump dường như muốn đặt ra một “dấu ấn” cho chiến dịch tái tranh cử của mình khi kể lại chi tiết việc ông đã chỉ đạo các lực lượng Mỹ rằng “Tôi muốn al-Baghdadi” hơn là một loạt thủ lĩnh khủng bố đang suy tàn mà tôi “chưa từng nghe nhắc tới tên”.
Rõ ràng là ông hy vọng rằng thành công của chiến dịch sẽ tạo được tiếng vang như chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden trước đây. Một số cựu cố vấn của ông Trump thậm chí còn cho rằng, sự thành công của chiến dịch đột kích al-Baghdadi có thể trở thành đối trọng với yêu cầu luận tội – điều dựa trên những cáo buộc cho rằng ông định hình chính sách đối ngoại theo lợi ích chính trị của mình.
Cái cớ hợp lý để chuyển trọng tâm sang dầu mỏ?
Phát biểu với phóng viên ngày 27/10 tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng, với việc al-Baghdadi đã chết giờ đây thế giới đã trở nên an toàn hơn rất nhiều.
Đối với ông Trump, cái chết của al-Baghdadi là minh chứng cho sự khôn ngoan của chiến lược bảo vệ nước Mỹ từ nội địa mà không cần phải đưa lính Mỹ tham gia vào những “cuộc chiến không hồi kết” ở nước ngoài.
Dẫu vậy, có một thực tế là bất chấp việc rút gần như toàn bộ 1.000 binh sỹ khỏi Syria, Lầu Năm Góc lại có kế hoạch điều xe tăng và lực lượng chiến đấu tới đông bắc Syria, viện dẫn lý do cần bảo vệ các giếng dầu mà người Kurd đang kiểm soát khỏi nguy cơ rơi vào tay IS. Điều này là một ngoại lệ đối với quy tắc “không binh sỹ” của Trump.
Trong khi đó, truyền thông Mỹ mấy ngày qua đã có nhiều bài bình luận rằng đã đến lúc nên thừa nhận tất cả những gì Washington muốn ở Syria là dầu mỏ ‘đáng giá”.
Benjamin Hart, tác giả một bài viết trên Tạp chí New York hôm 25/10 nói rằng, ưu tiên số 1 của chính quyền Trump trong chính sách Syria là thâu tóm các nguồn dầu mỏ của nước này.
Ý niệm rằng mục tiêu trọng tâm của Mỹ ở Trung Đông là khai thác các nguồn tài nguyên đã gợi lại thuyết âm mưu xung quanh cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq. Năm 2013, chính ông Trump đã bày tỏ khó hiểu về việc vì sao Mỹ “rời Iraq mà không nắm lấy dầu mỏ”.
Mỹ lâu nay chưa từng có ý định “trả” các vùng lãnh thổ nhiều dầu mỏ ở Syria này cho chính quyền Damascus. Ý định càng được thể hiện rõ khi Tổng thống Trump hôm 27/10 cũng đã bày tỏ muốn “thỏa thuận với Exxon Mobil hoặc 1 trong những công ty lớn của Mỹ vào cuộc” và khai thác các giếng dầu [ở Syria] một cách phù hợp.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/10 đăng tải các dữ liệu vệ tinh cho thấy người Kurd đang khai thác và buôn lậu dầu mỏ ở Syria ra ngoài quốc gia này “với sự bảo hộ của lính Mỹ và nhà thầu quốc phòng tư nhân Mỹ”. Một người phát ngôn Bộ này cho biết, các hoạt động buôn bán dầu mỏ phi pháp mà Mỹ giám sát này đem lại doanh thu hơn 30 triệu USD mỗi tháng, đồng thời gọi đây là “trò ăn cắp”.
(Theo Washington Post)