+
Aa
-
like
comment

Tiêu chuẩn cho xe đưa đón học sinh: Cần sớm triển khai

Hạnh Văn - 03/05/2024 08:02

Trong thời gian này, Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo “Tiêu chuẩn quốc gia phương tiện giao thông đường bộ – ô tô, phân loại theo mục đích sử dụng”. Bên cạnh những quy định cụ thể hơn về mục đích sử dụng của các phương tiện, điểm đáng chú ý nhất là những tiêu chuẩn đặc thù dành cho xe đưa đón học sinh.

Dự thảo của Bộ GTVT đặt ra các tiêu chuẩn cho xe đưa đón học sinh, bao gồm cả màu sắc và biển hiệu. Ảnh: Xe buýt trường học tại Ontario, Canada.

Theo dự thảo quy định, ô tô chở học sinh là xe chở người chuyên dùng được thiết kế chỉ để đưa, đón học sinh. Xe phải được sơn màu vàng đậm và phải có dòng chữ “ô tô chở học sinh” mặt trước và mặt sau xe. Ngoài ghế của học sinh và ghế của người lái, trên xe phải có tối thiểu 1 chỗ ngồi dành cho người quản lý học sinh (là người trưởng thành).

Tổng số người cho phép chở kể cả người lái không vượt quá 45 người. Trường hợp xe được thiết kế chỉ dành cho học sinh tiểu học, mẫu giáo thì số người cho phép chở kể cả người lái không vượt quá 56 người.

Xe chở học sinh phải được trang bị bộ sơ cứu phù hợp để sơ cấp cứu trẻ em; Thiết bị cắt dây đai ở khu vực người lái đối với các xe có trang bị dây đai an toàn cho hành khách; Đèn cảnh báo nguy hiểm tự động được bật khi mở cửa lên xuống; Thiết bị cảnh báo nếu cửa lên xuống hoặc cửa thoát hiểm (nếu có) chưa đóng khi xe bắt đầu di chuyển.

Dự thảo này đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các chuyên gia trong ngành giáo dục. TS Hà Thị Kim Sa, chủ tịch hội đồng trường, Trường THCS-THPT Hồng Hà (TP.HCM), ủng hộ những quy định siết chặt nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Các yêu cầu về camera giám sát trong và ngoài xe, còi báo động hay hệ thống ghi nhớ và xử lý thông tin lái xe… đều giúp hạn chế những rủi ro khi vận hành.

Về quy định màu xe vàng đậm, theo bà Sa, nhiều nước đã triển khai từ rất lâu. Màu sắc vàng đậm đặc trưng của xe nhằm giúp những người tham gia giao thông ngay lập tức biết đây là xe chở học sinh và sẽ có ý thức nhường đường hơn. Điều này cũng tương tự như với xe cứu thương hay xe cứu hỏa, màu sắc đặc trưng giúp người đi đường nhận ra ngay và chủ động giảm tốc độ, chú ý quan sát.

“Tôi từng chứng kiến ở Nhật khi các xe đưa đón này dừng lại đưa rước học sinh, các xe xung quanh đều dừng lại. Hoặc học sinh sang đường thường có một đèn tín hiệu để các xe nhường đường. Khi sang đường, các em đều gật đầu chào cảm ơn những người đã nhường đường cho mình”, bà Sa nói.

Quả thực, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các quy định riêng cho xe đưa đón học sinh từ rất lâu. Tại Mỹ và Canada, xe đưa đón học sinh là loại xe được ưu tiên, có những đặc quyền riêng và tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Giống như dự thảo của Bộ GTVT, xe buýt trường học được sơn vàng để phân biệt với xe buýt thông thường. Ngoài màu sơn riêng biệt, một số bang ở Mỹ còn yêu cầu xe buýt trường học còn được trang bị đèn ưu tiên và nhiều thiết bị an toàn.

Đặc biệt hơn, dù đã sơn màu vàng, xe buýt trường học vẫn phải được dán băng phản chiếu theo chiều dài, rộng, cao của xe. Do xe thường đưa/rước học sinh lúc sáng sớm, điều kiện ánh sáng yếu nên băng phản chiếu là công cụ đảm bảo an toàn cho xe. Ngoài ra, nếu xe buýt gặp nạn thì băng phản chiếu sẽ giúp đội cứu hộ phát hiện ra xe sớm nhất có thể.

Xe đưa đón học sinh ở Mỹ cũng bắt buộc dán băng phản chiếu theo chiều dài, rộng, cao của xe.

Ngoài ra, quy định của liên bang còn yêu cầu xe buýt trường học phải có những trang bị an toàn riêng. Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi xung quanh xe cũng như người đi bộ, toàn bộ xe buýt trường học phải trang bị hệ thống gương quan sát xung quanh xe.

Việc đặt ra những tiêu chuẩn riêng cho xe đưa đón học sinh còn là biện pháp nâng cao ý thức tham gia giao thông của chính các tài xế. Các phương tiện có màu xe riêng biệt, nổi bật này sẽ chịu sự giám sát, theo dõi của những người đi đường, tức là các hành vi phóng nhanh, vượt ẩu, gây nguy hiểm sẽ nhanh chóng bị nhận diện. Áp lực từ xã hội đối với người lái xe đua đón học sinh theo đó cũng sẽ lớn hơn, khiến họ sẽ phải ý thức hơn trong việc tham gia giao thông.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn rõ ràng không chỉ làm tăng tính chuyên nghiệp của người lái xe, mà còn thúc đẩy họ phát triển ý thức và trách nhiệm đối với việc vận chuyển học sinh. Màu sắc và biểu hiện nổi bật của xe chở học sinh sẽ làm cho tài xế phải hạn chế hành vi vi phạm luật giao thông và tăng cường sự cảnh giác khi tham gia vào giao thông. Điều này gián tiếp làm cho người điều khiển xe đưa đón học sinh phải ý thức hơn trong công việc của mình.

Bằng cách yêu cầu các tiêu chuẩn cụ thể cho xe đưa đón học sinh, các cơ quan quản lý có thể dễ dàng theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động của các dịch vụ vận chuyển học sinh. Điều này giúp họ có khả năng can thiệp kịp thời để giảm thiểu rủi ro và cải thiện chất lượng dịch vụ. Tất nhiên, quy luật thị trường cũng sẽ xảy ra, đào thải những đơn vị vận tải kém chất lượng, thiếu uy tín, nhưng đó cũng là cốt lõi để xây dựng văn hóa giao thông và giáo dục được hoàn thiện.

Bên cạnh đó, những quy định này còn mang lại lợi ích hình thành nên một vẻ đẹp giao thông mới, góp phần làm cho hoạt động giao thông đô thị mang thêm một màu sắc mới, phù hợp mới văn hóa đô thị ngày càng phát triển của Việt Nam. Như ở các nước, hình ảnh những chiếc xe buýt học sinh đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hóa, phản ánh sự tiến bộ của xã hội.

Trong xu thế đó, việc hiện thực hóa các tiêu chuẩn này là điều cần thiết, vừa giảm thiểu rủi ro và giúp tăng cường quản lý. Các cơ quan quản lý có thể dễ dàng theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động của các dịch vụ vận chuyển học sinh. Điều này giúp họ có khả năng can thiệp kịp thời để giảm thiểu rủi ro và cải thiện chất lượng dịch vụ.

Áp dụng một chuẩn mực quốc tế là điều hoàn toàn phù hợp xu thế và đặc tình văn hóa – xã hội Việt Nam, cũng như khẳng định sự quan tâm của chúng ta đối với thế hệ tương lai.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều