Tiết lộ thủ đoạn tàn bạo của băng đảng buôn người ‘Xà thủ’ khét tiếng Trung Quốc
39 người được xác định là công dân Trung Quốc chết trên xe tải từ Bỉ đến Anh gióng lên hồi chuông báo động về sự tinh vi của nạn buôn bán người.
39 nạn nhân, không phải từ châu Phi, Trung Đông hay Đông Âu như dự đoán ban đầu, mà từ Trung Quốc , nơi cách nước Anh đến hơn 8.000 km, được phát hiện chết cóng trong xe tải ở Essex, Anh ngày 23/10. Băng nhóm tội phạm Trung Quốc “Xà thủ” (Snakeheads – Đầu rắn), chuyên buôn bán người được cho là có liên quan đến vụ việc.
Thủ đoạn của băng ‘Xà thủ’ khét tiếng
Năm 2000, thi thể 58 người Trung Quốc được tìm thấy trong một container kín, không có không khí tại cảng Dover. Lái xe Perry Wacker quốc tịch Hà Lan, người đóng lỗ thông khí vì lo bị phát hiện, nhận án 14 năm tội ngộ sát.
Bốn năm sau, năm 2004, 23 người Trung Quốc chết đuối sau khi một băng đảng tàn nhẫn bỏ rơi họ trên bãi cát nguy hiểm ở vịnh Morecambe. Người môi giới Lin Liang Ren, bị bỏ tù 14 năm vì tội ngộ sát.
Cả hai vụ việc xảy ra Dover và Morecambe Bay đều có ít nhất một điểm chung: các nạn nhân đến từ tỉnh Phúc Kiến.
Vùng Đông Nam Trung Quốc, nằm đối diện đảo Đài Loan, Phúc Kiến là “nhà” của băng Xà thủ (Snakeheads) khét tiếng. Chuyên buôn lậu người, cái tên của băng nhóm này xuất phát từ sự tinh vi để thoát khỏi kiểm soát biên giới với những người muốn ra khỏi Trung Quốc bất hợp pháp.
Trở lại những năm 1990, các hoạt động của băng đảng này tập trung ở Hong Kong, cung cấp lao động chợ đen chủ yếu cho các nhà bếp. Trong những năm qua, Snakeheads phân nhánh cung cấp phụ nữ trẻ, thường là bị bắt cóc và ép buộc vào đường dây bán dâm ở Anh. Một số, trẻ nhất ở độ tuổi 11, đến Anh mà không có hộ chiếu hoặc thị thực và xin tị nạn. Khi ở đây, họ biến mất khỏi ký túc xá hoặc nơi chăm sóc nuôi dưỡng được cơ quan di trú quản lý.
Snakeheads cũng nhắm đến người di cư vì kinh tế. Băng đảng này có liên quan đến thảm kịch Dover, với nhiều điểm tương đồng với vụ mới phát hiện tại khu công nghiệp Essex. Các xe tải trong cả hai trường hợp vào Anh từ Zeebrugge ở Bỉ.
Luật sư London Tan Wah Piow, từng làm việc cho khoảng 6.000 người xin tị nạn từ Trung Quốc kể từ những năm 1990, phần lớn đến từ tỉnh Phúc Kiến, cho biết, đó là nơi “khi một người ra nước ngoài, cả gia đình kiếm được tiền”.
“Ở Phúc Kiến, có một tiền lệ là, để cải thiện cuộc sống, người dân tìm cách ra nước ngoài và gửi tiền về. Trong đó, Vương quốc Anh vẫn là điểm đến thu hút người dân từ tỉnh này”, Tan Wah Piow cho biết.
Bernie Gravett, cựu cảnh sát và là chuyên gia quốc tế về tội phạm buôn người nói rằng nhiều khả năng nạn nhân không chủ động yêu cầu di cư. “Ban đầu, họ được tiếp cận bởi những tên tội phạm ở miền Nam Trung Quốc, nơi hàng triệu người sống trong cảnh nghèo khó nhất. Những tên này hứa có công việc thu nhập cao đang chờ đợi ở phương Tây và người di cư có thể gửi tiền về nhà cho gia đình cũng như có thể quay về Trung Quốc khi họ muốn.
Mức giá trung bình 50.000 bảng/người. Nhưng họ được hứa hẹn trả góp bằng tiền lương. Cứ như vậy các nạn nhân bị lừa, chứ ban đầu họ đâu biết mình sẽ bị bán làm nô lệ.”
Một khi cuộc hành trình bắt đầu, sự tàn bạo cũng vậy. Khi nạn nhân phàn nàn vì điều kiện xung quanh, hoặc yêu cầu thức ăn, họ sẽ bị đánh. Có người bị đánh đến tàn phế hoặc bị giết để khiến những người khác phải sợ.
Sự tàn bạo và tuyệt vọng mà các nạn nhân phải đối mặt từng được tổ chức từ thiện “Diễn đàn người Trung Quốc ở Anh” phản ánh.
Năm 2009, họ phỏng vấn 177 người di cư Trung Quốc sống ở London, nhiều người trong số họ không có giấy tờ. Những người này tiết lộ những câu chuyện đau lòng về việc bị bán vào Anh để thoát khỏi bị truy tố hoặc vì khát vọng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Một cư dân Trung Quốc, được gọi là Wang Wei, vào Vương quốc Anh trái phép thông qua Dover, giải thích mơ hồ về hành trình của mình. “Họ đưa tôi vào trong một container và nói rằng sẽ đưa chúng tôi đến nơi an toàn. Hành trình mất hơn một tháng, khoảng hơn 40 ngày. Tất cả bên trong container. Tôi không biết tôi đang ở đâu. Tôi đoán tôi ở trên biển. Tôi chỉ nhận thấy container được chất lên và bốc dỡ. Họ có cho thức ăni. Đi vệ sinh cũng trong đó luôn… trong container hơn 40 ngày. Tôi đã trả cho họ hơn 15.000 bảng.”
Ba con đường buôn người
Theo Daily Mail, có 3 con đường buôn người từ Trung Quốc sang Anh được phát hiện, hành trình di chuyển có thể mất một tháng.
Thứ nhất là đường qua Serbia. Tháng 6/2000, 58 thi thể được tìm thấy bên trong thùng xe tải ở cảng Dover. Họ rời Trung Quốc nhiều tuần trước thảm họa, mỗi người trả 20.000 bảng Anh cho một băng đảng tội phạm.
Sử dụng giấy tờ Trung Quốc, họ bay đến Belgrade (Serbia), được đưa vào một ngôi nhà trú ẩn và cấp hộ chiếu giả. Sau đó họ được đưa trái phép qua Áo và Pháp đến nhà trú ẩn ở Hà Lan, rồi nhồi nhét lên xe tải ở Rotterdam, Hà Lan để đến Anh.
Đường dây ác quỷ: 600 triệu VNĐ/1 vé – Tại sao người TQ vẫn cắn răng chịu đựng nguy hiểm, bóc lột? Mánh khóe giấu người tinh vi trong ‘quan tài đông lạnh’ của băng đảng buôn người Khoảnh khắc tài xế mở thùng container, phát hiện 39 thi thể bên trong
Thứ hai là đường qua Nga. Các nạn nhân sẽ từ Trung Quốc đến Nga qua biên giới trên bộ bằng xe buýt hoặc ô tô. Khi vào Nga, họ được vận chuyển bằng xe buýt hoặc tàu đến biên giới với Ukraine.
Từ Ukraine có nhiều đường để đi tiếp, đường phổ biến nhất là đi qua Ba Lan, Cộng hòa Czech và Đức đến Bỉ. Hoặc một đường thay thế là đi đến Romania và vào Serbia, sau đó tiếp tục đi theo đường Serbia.
Thứ ba là đường qua Tây Ban Nha. Năm 2018, cảnh sát Tây Ban Nha chặn một số lượng lớn người Trung Quốc mang theo giấy tờ tùy thân giả tại sân bay Barcelona. Nhóm bị bắt sau khi 5 người di cư đồng ý cho lời khai để gia nhập chương trình bảo vệ nhân chứng.
Với 18.000 bảng Anh mỗi người, họ được cung cấp hộ chiếu giả từ Hong Kong, Macau, Đài Loan (Trung Quốc) hoặc Nhật Bản những nơi không cần thị thực để vào EU. Họ bay đến các thành phố Tây Ban Nha, có thể là Barcelona hay Madrid, và được đưa đến nhà trú ẩn.
Khi các giấy tờ giả khác được làm xong, nhóm tội phạm mua vé cho các nhóm nhỏ bay đến Heathrow, Gatwick và Dublin. Tuyến đường này được sử dụng để vận chuyển ít nhất 150 người di cư Trung Quốc năm 2018 và cũng là đường để băng nhóm tội phạm đưa người Iran vào Anh trái phép năm 2017.
(Theo VTC News)