Tiết lộ sự thật về video binh lính Nga – Ukraine nhảy múa với nhau đang dậy sóng
Trên mạng xã hội đang lan truyền đoạn video có nội dung “các binh sĩ Nga và Ukraine nhảy múa cùng nhau”. Đáng chú ý hơn chính là thông tin được tiết lộ cùng với đoạn video này.
Thông tin ban đầu
Sau khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bắt đầu, một số thông tin sai lệch đã được tung ra để tuyên truyền về “những mục đích khác” của chiến dịch này. Ví dụ, một số người dùng mạng xã hội truyền tay nhau tuyên bố chưa được xác nhận rằng: Nga tấn công Ukraine nhằm phá hủy các phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ tại đây.
Đổ dồn sự chú ý trong những ngày qua đang là một đoạn clip được chia sẻ vào ngày 25/2 trên mạng xã hội, với nội dung đi kèm củng cố quan điểm cho rằng Nga có “mục đích bí mật” khác khi tấn công Ukraine.
Đoạn video được đăng trên Telegram cho thấy một nhóm người đang nhảy múa vui vẻ cùng nhau, kèm chú thích gây sửng sốt như sau: Những người lính Nga và Ukraine đang nhảy múa cùng nhau. Đây không phải là một quân đội tấn công một quân đội khác. Đây là các lực lượng Nga hạ gục “những kẻ cùng phe cánh”.
Tuy nhiên, trong bài viết đăng trên website kiểm chứng thông tin uy tín do tổ chức tư vấn RAND đề cử, nhà báo Sarah Thompson cho biết, hiện chưa có bằng chứng cho thấy có người lính nào trong đoạn video này là binh sĩ Ukraine. Điều quan trọng hơn cả là, đoạn video đã có từ trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào quốc gia Đông Âu này.
Xác minh
Nga chính thức tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine hôm 24/2 (theo giờ địa phương). Thế nhưng, video đề cập ở trên đã xuất hiện trên MXH ít nhất từ ngày 18/2 (không chắc đây là thời điểm ban đầu nó được đăng tải).
Đoạn video được chia sẻ sau khi cuộc tấn công của Nga bắt đầu, như là một bằng chứng cho thấy chiến dịch quân sự này không nghiêm trọng như vẻ ngoài. Song, thực tế không phải như vậy bởi nó được quay trước chiến dịch tấn công.
Kết quả truy vết đoạn video này cho thấy nó đã xuất hiện ở một bài đăng trên Instagram vào ngày 18/2, từ tài khoản chp.crimea, một kênh tinh tức về Crimea.
Theo đó, đoạn video được ghi hình vào cuối một trận chiến giả định với sự tham gia của binh lính Nga và Belarus tại khu vực gần biên giới Ukraine. Chú thích đi kèm đoạn video như sau: Đây là cách mà tất cả các dân tộc ở Nga nên chung sống cùng nhau, như thế kẻ thù không hề đáng sợ! (Podgornoye – quận Bakhchisarai).
Hai trang web tin tức của Crimea, gồm Crimea-news.com và Crimea.kp.ru, cũng đã đăng tải đoạn video này vào ngày 18/2/2022 với một bài viết đi kèm kể về bối cảnh ghi hình.
“Cách đây vài ngày, các cuộc tập trận chiến thuật theo kế hoạch của Quân khu miền Nam đã kết thúc ở Crimea. Tại các bãi tập trên bán đảo, các lực lượng đã thực hành huấn luyện tiêu diệt trực thăng, xe bọc thép, mục tiêu mặt đất và sinh lực của kẻ địch giả định.
Đại diện của các quốc gia khác nhau đã tập trung trên bán đảo. Một phần đội hình vũ trang đến từ Nam Ossetia và Dagestan. Sau khi huấn luyện chuyên sâu các kỹ năng kỹ chiến thuật, các lực lượng quyết định nghỉ ngơi và bắt đầu nhảy múa cùng với nhau. Đầu tiên là một người lính, sau đó là những người khác, họ bắt đầu cùng nhau nhảy điệu nhảy dân tộc lezginka. Theo những người chứng kiến, hoạt động này diễn ra ở làng Podgornoye, vùng Bakhchisarai của Crimea”.
Đáng nói, bài viết ở trên không mô tả việc các đội quân đối lập nhau quây tụ lại với nhau. Thay vào đó, nó đề cập tới sự tập hợp của quân đội Nga và các lực lượng đồng minh của Nga tại Crimea. Cộng hòa Nam Ossetia là vùng lãnh thổ được Nga công nhận độc lập vào năm 2008, Dagestan nằm ở cực nam của Nga trên biển Caspi và là một thực thể của Liên bang Nga.
Lezginka đôi khi được sử dụng như một thuật ngữ chung cho tất cả các điệu múa dân gian của vùng cao nguyên Caucasus.
Sau đó 1 ngày (vào ngày 19/2), tờ New York Times của Mỹ đăng bài viết xác nhận các lực lượng quân sự Nga và Belarus đã tổ chức một trận đánh giả định với máy bay chiến đấu, xe tăng và các hệ thống phóng rocket tại một bãi tập cách biên giới Ukraine khoảng 70 dặm về phía bắc.
“Các cuộc diễn tập, đã được lên kế hoạch từ trước, diễn ra vào ngày áp chót của cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày liên quan đến đợt triển khai lớn nhất của quân đội Nga trên lãnh thổ Belarus – một quốc gia láng giềng và đồng minh thân cận của Moscow kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc” – New York Times viết.
Dựa vào những bằng chứng tìm được, nhà báo Sarah Thompson đi đến kết luận rằng, đoạn video được chia sẻ ở trên không phải quay cảnh các binh sĩ Ukraine và Nga nhảy múa cùng nhau sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine.
Nó không phải là bằng chứng cho thấy cuộc xung đột quân sự diễn ra ít nghiêm trọng hơn so với nhiều người tưởng, và cũng không phải là bằng chứng cho thấy cuộc tấn công của Nga nhằm vào “những kẻ cùng phe cánh” như một số người dùng MXH tuyên bố.
Phạm Hùng