+
Aa
-
like
comment

Tiết lộ sốc: Socola Valentine giá bán tiền trăm, giá sỉ 3.000 đồng

Quỳnh Quỳnh - 12/02/2020 15:58

Mỗi dịp Valentine, socola luôn được tung ra thị trường với đủ loại mẫu mã. Nhưng đằng sau những hộp quà tiền triệu được giới trẻ săn lùng, ít ai biết được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm và giá sỉ “rẻ như cho” chỉ từ 3000 đồng/ viên.

Trong nhiều nhóm hàng thực phẩm phục vụ Valentine bị làm giả, nhái đứng đầu bảng, với mức độ ngày càng tinh vi.

Một hộp có giá sỉ chỉ từ 15.000 – 30.000 đồng

Giật mình giá sỉ siêu rẻ

Trưa 12/2, khu vực bán bánh kẹo ở một quận của Hà Nội, chủ quầy bày la liệt hàng hóa chào mời khách. Socola cả nội lẫn ngoại được sắp trên các quầy và đầy các thùng giấy, khách thích loại nào cứ chọn, tất cả có giá 100.000 – 300.000 đồng/kg.

Biết tôi có ý mua làm quà tặng, Tâm – nhân viên quầy T.O mời chào: “Mua tặng thì chị chọn bánh đã đóng sẵn hộp đi, ngon hơn mà giá không chênh lệch mấy”.

Nói rồi Tâm giới thiệu hộp Socola của Đan Mạch giá chỉ 150.000 đồng. Bất ngờ bởi bánh không thể có giá “bèo” đến vậy, Tâm xởi lởi: “Thực ra bánh này có giá cao hơn, muốn làm quen nên em bán giá mềm cho chị. Hàng này được sản xuất ở Thái Lan, nhưng em bảo đảm rất ngon và chất lượng. Nhìn bên ngoài không ai biết hàng của nước nào đâu”.

Khi tôi có ý định mua số lượng lớn, chị đon đả mời chào giá sỉ rất hấp dẫn chỉ 3.000-10.000 đồng/viên mua về đóng hộp bán ra lãi khoảng 100.000 đồng/hộp.

Bà Nga, chủ hàng bánh kẹo nói: “Mua làm quà ở quê, thấy hình ảnh, thương hiệu ‘quen quen’ là được rồi, ai quan tâm viết kiểu gì”.

Bà Nga còn tiếp thị thêm chocolate nhập từ Mỹ 3.000 đồng/kg được đổ chất đống trong rổ nhựa, không tên tuổi, xuất xứ. Bà giải thích, kẹo đóng trong cái bao lớn lắm, đi container từ Mỹ về hẳn hoi, tôi đổ ra để khách dễ lựa chọn.

Khó xử lý

Tại hội nghị “Phòng chống kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại vào bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.HCM” vừa qua, ông Nguyễn Thành Phương- Phòng nghiệp vụ Chi cục QLTT TP.HCM, thừa nhận cơ quan chức năng không thể phân biệt hàng thật – hàng giả, bởi chúng được sản xuất hết sức tinh vi.

“Chỉ có những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa mới có thể nhận diện. Tuy nhiên sự liên kết giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng còn yếu, nên hàng giả vẫn xuất hiện tràn lan”.

Để qua mặt cơ quan nhà nước, kẻ gian dùng nhiều thủ đoạn để đưa hàng giả có yếu tố nước ngoài vào Việt Nam. Cụ thể, chúng đưa hàng giả dưới dạng sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó tiếp tục lắp ráp, đóng gói thành phẩm ở một nơi khác. Khi có đơn hàng, hàng hóa mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ vào giao cho khách. Hàng sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó nên rất khó phát hiện.

Đại diện Công ty Unilever Việt Nam, cho biết nhiều thương hiệu của công ty thường xuyên bị giả mạo, nhưng để xử lý thì “trần ai”, trừ khi bắt tận tay họ đang sản xuất, còn buôn bán ngoài thị trường thì… thua.

Quản lý một công ty sản xuất bột nêm ngậm ngùi: “Nhiều lúc biết chắc nơi đó bán hàng giả mang tên mình cũng không dám làm gì; bởi nếu làm to chuyện, người tiêu dùng tẩy chay, đối thủ cạnh tranh thừa cơ triệt tiêu. Chỉ còn cách là lặng lẽ mua hết rồi đem về tiêu hủy”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chi cục phó Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM, khuyến cáo: “Đến hẹn lại lên, những dịp lễ là cơ hội cho các sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm trôi nổi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không nhãn mác… tràn thị trường.

Trước khi cơ quan chức năng vào cuộc, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình bằng việc “nói không” với hàng hóa giá rẻ, không rõ xuất xứ, trôi nổi, không tiếp tay tiêu thụ các mặt hàng này. Khi nghi ngờ hàng hóa, có thể yêu cầu người bán trưng giấy tờ để đối chứng.

Đồng thời, báo ngay với ban quản lý chợ hoặc các cơ quan chức năng để khiếu nại. Tốt nhất chỉ nên mua hàng tại những cơ sở sản xuất uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, thành phần… rõ ràng”.

Quỳnh Quỳnh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều