Tiết lộ rúng động về thảm kịch tàu ngầm Kursk
Đô đốc Vyacheslav Popov – người chỉ huy Hạm đội phương Bắc tại thời điểm xảy ra thảm kịch tàu ngầm hạt nhân K-141 Kursk – đã tiết lộ một thông tin rúng động khi cho biết con tàu đã bị chìm do va chạm với tàu ngầm NATO.
TIẾT LỘ RÚNG ĐỘNG
Theo vị Đô đốc, tàu ngầm của khối quân sự NATO đã theo dõi tàu ngầm Nga, nhưng mất tín hiệu nên đã tìm cách di chuyển tới gần hơn để khôi phục lại. Tuy nhiên, do sự cơ động của tàu Kursk, một vụ va chạm đã xảy ra. Các quả ngư lôi đã phát nổ, khoang đầu tiên trên tàu bị phá hủy, các khoang còn lại thì hư hại.
Tàu ngầm NATO cũng bị thiệt hại do va chạm với tàu Kursk và vụ nổ ngư lôi, nó phải ở lại hiện trường một lúc, cho tới khi khả năng kiểm soát được khôi phục.
Đô đốc Popov còn nói ông biết tên của chiếc tàu ngầm NATO đó “với độ chắc chắn tới 90%” nhưng ông không thể đưa ra bằng chứng nào cho tuyên bố của mình.
Vào ngày xảy ra vụ va chạm, tín hiệu SOS đã được ghi nhận, nhưng không phải từ tàu ngầm Nga. Ngoài ra, một đèn hiệu vô tuyến của tàu ngầm nước ngoài đã được máy bay chống ngầm của Nga phát hiện ngoài khơi bờ biển Na Uy.
Theo báo chí đưa tin, các tàu ngầm hạt nhân Memphis, Toledo của Mỹ và Splendid của Anh đã có mặt trong khu vực tập trận của tàu ngầm Kursk. Bộ Quốc phòng Nga đã yêu cầu Mỹ và Anh cho phép kiểm tra tàu ngầm nhưng họ từ chối và cam kết rằng các tàu ngầm này vẫn hoạt động bình thường.
Những tiết lộ bất ngờ của cựu chỉ huy Hạm đội phương Bắc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng giữa Nga và NATO đã làm dấy lên nhiều câu hỏi. Mục đích của những lời buộc tội trực tiếp nhằm vào phương Tây là gì và điều này có thể dẫn đến kết cục như thế nào? Bài viết trên trang mạng svpressa đã đi tìm đáp án cho những câu hỏi này.
‘ĐẾN LÚC NGƯỜI TRONG CUỘC NÓI RA SỰ THẬT’
Theo Đại tá dự bị Konstantin Sivkov, những lời thú nhận của cựu chỉ huy Hạm đội phương Bắc cho thấy những người nắm rõ câu chuyện này đã bắt đầu nói ra sự thật. Đó chính xác là một vụ va chạm với tàu ngầm ngước ngoài. Con tàu của Mỹ đã đến cảng Na Uy để sửa chữa.
“Bạn cùng lớp của tôi ở học viện hải quân là chỉ huy một hải đội trong khu vực xảy ra thảm kịch. Anh ta thẳng thừng nói rằng bản thân đã nhìn thấy đèn hiệu vô tuyến của một tàu ngầm Mỹ” – Ông Sivkov cho hay.
“Đó là một tai nạn thương tâm. Ngư lôi đã phát nổ và chúng ta mất đi một con tàu tuyệt đẹp. Từ quan điểm logic của Chiến tranh Lạnh, kiểu sự cố này xảy ra với tàu ngầm là một điều bình thường.
Các vụ va chạm giữa tàu nổi và tàu ngầm sau đó thường xuyên xảy ra. Nhưng vào cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, trường hợp như vậy được coi là điều gì đó khác thường” – Ông Sivkov trả lời phỏng vấn của svpressa.ru.
Cũng theo vị Đại tá, vào thời điểm đó Mỹ được xem là đối tác, bạn bè của Nga. Về lý thuyết, tàu ngầm Mỹ không được phép hoạt động trong vùng biển của chúng tôi. Việc tàu ngầm của họ theo dõi tàu ngầm Nga là một hành động không thân thiện…
“Giờ đây, phải lên tiếng về chủ đề ồn ào này. Mỹ thực chất chưa bao giờ là đồng minh của chúng ta và luôn hành động theo logic của Chiến tranh Lạnh” – Ông Sivkov nhấn mạnh.
‘CHỈ LÀ MỘT MÀN GỘT RỬA TRÁCH NHIỆM’?
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Viktor Litovkin cho rằng việc cựu chỉ huy Hạm đội phương Bắc đột ngột lên tiếng là do mong muốn được miễn trách nhiệm.
“Tôi không loại trừ mọi thứ diễn ra như vậy, mặc dù có những giả thuyết khác nhau. Tôi không thể khẳng định điều gì một cách chắc chắn, nhưng nếu đó là một vụ va chạm với tàu ngầm Mỹ thì con tàu đó giờ ở đâu? Không thể có chuyện một con tàu hư hại, trong khi con tàu còn lại vẫn bình an vô sự” – Ông Litovkin đặt câu hỏi.
“Với việc cuộc đụng độ được công khai 20 năm sau thảm kịch, có vẻ như nhà cầm quân đang cố gắng che chắn cho bản thân mình, để gột rửa vai trò không đẹp đẽ gì của mình trong câu chuyện này. Hãy để ông Popov giải thích lý do tại sao, có quá nhiều điều mù mờ” – Vị chuyên gia nêu quan điểm.
Cùng bình luận về chủ đề này, Konstantin Blokhin – nhà khoa học chính trị người Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đã nói về việc liệu Nga có thể sử dụng những thông tin được tiết lộ cho các mục đích chính trị thực tế hay không.
“Năm 2000, Nga không mấy mặn mà với việc sử dụng sự cố bi thảm này trong quan hệ với Mỹ. Chúng tôi đã yếu thế khi đối đầu với Washington. Sau đó, một lộ trình đã được thực hiện để tương tác với Mỹ.
Về mặt khách quan, chúng tôi đã cố gắng trở thành đồng minh của họ. Còn nhớ, 1 năm sau sự kiện Kursk, vào ngày 11/9, Tổng thống Putin đã người đầu tiên gọi cho cựu Tổng thống Mỹ Bush với những lời ủng hộ” – Ông Blokhin nói.
Khi phóng viên đặt câu hỏi “Bây giờ Nga đã mạnh hơn, liệu có thể ‘nhắc nhở’ đối tác Mỹ về lỗi lầm của họ trong thảm kịch Kursk và từ đó đạt được một số lợi thế hay không?”, ông Blokhin cho rằng khó có thể sử dụng câu chuyện Kursk như một đòn bẩy gây áp lực trong các cuộc đàm phán tương lai với Mỹ.
“Tôi thậm chí không thể tưởng tượng được điều này có thể được thực hiện như thế nào. Nó không có ý nghĩa gì cả. Đây là một sự việc bi thảm trong quá khứ, một thời điểm trong lịch sử hiện đại của nước Nga” – Blokhin đáp.
CHUYỆN ĐÃ QUA, SAO CÒN BỚI LẠI?
Ông Vladimir Mamaikin, Tổng giám đốc Hiệp hội các tổ chức công quốc tế của các cựu chiến binh và tàu ngầm Hải quân cho biết, vào thời điểm đó, phía Nga đã “quyết định không nói đến cùng những gì đã xảy ra”.
“Mặc dù sự thật đó là một vụ va chạm với tàu của nước khác nhưng có đáng để khuấy lại chuyện cũ hay không? Mọi chuyện đã lắng xuống rồi. Một lần nữa, những người thân của họ lại bị đả kích. Điều này mang lại được cái gì? – Ông Mamaikin chỉ trích.
Theo ý kiến riêng của svpressa.ru, có lẽ điều quan trọng nhất trong tuyên bố vô cùng muộn màng này của Đô đốc Vyacheslav Popov về thảm họa lớn nhất lịch sử trong hạm đội tàu ngầm Nga đó là: Tại sao ông Popov, người đứng đầu chiến dịch giải cứu của Hạm đội phương Bắc vào tháng 8/2000 và là người đã đưa ra rất nhiều tuyên bố về vấn đề này trong suốt hai thập kỷ kể từ đó, lại chưa bao giờ phân biệt rạch ròi về những gì ông nói – “chắc chắn 90% là tàu Mỹ”.
Trang này đặt câu hỏi, phải chăng chỉ vì hiện nay, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga-Mỹ đang nhanh chóng rơi vào vực thẳm chính trị, Điện Kremlin dường như thấy mình không còn nghĩa vụ phải tuân thủ một số thỏa thuận “hòa nhã” với Washington về vụ chìm tàu Kursk?
Khai Tâm