+
Aa
-
like
comment

Tiết lộ nguyên nhân gây vỡ đê trên sông Dương Tử, khiến 9.000 người phải tháo chạy

10/07/2020 09:23

Ngày 9.7, Tân Hoa Xã đưa tin đoạn đê dài khoảng 50 mét trên sông Dương Tử ở huyện Phiên Dương, Giang Tây bất ngờ bị vỡ, khiến 9.000 người dân xung quanh phải sơ tán khẩn cấp trong đêm.

Vụ vỡ đê khiến nước lũ tràn ra ngoài, ảnh hưởng tới 1.000 ha đất nông nghiệp. Đến tối ngày 9.7 theo giờ địa phương, không có trường hợp thiệt hại về người nào được ghi nhận, theo Tân Hoa Xã.

Mưa lũ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người ở Trung Quốc (ảnh: Xinhua)

Theo quan chức thuộc Phòng bảo tồn nước Phiên Dương, mưa lớn kéo dài liên tục đã khiến mực nước sông Dương Tử tăng lên nhanh chóng dẫn đến ngập lụt và vỡ đê. Rất may là công tác sơ tán người dân đến nơi tránh trú an toàn đã được làm tốt.

Tân Hoa Xã cho rằng, nguyên nhân chính gây vỡ đoạn đê ở huyện Phiên Dương chỉ có một phần là do nước lũ lớn, còn lại là bởi việc ứng phó, chuẩn bị của chính quyền địa phương chưa được làm tốt.

Vài năm trở lại đây, việc đầu tư, quản lý đê điều ở Phiên Dương chưa được chú ý cao. Đoạn đê vừa vỡ có tiêu chuẩn kiểm soát lũ thấp.

Phòng bảo tồn nước Phiên Dương nói với Tân Hoa Xã rằng, những năm gần đây, địa phương chưa quan tâm đầu tư đúng mức vào việc gia cố một số đoạn đê ngắn, nhỏ. Thêm vào đó, Phiên Dương lại là khu vực có địa hình tương đối dốc, sức ép nước lũ dồn về là lớn.

Phần lớn các đoạn đê ở Phiên Dương chỉ có thể chống lũ trong vòng 10 – 20 năm.

Tân Hoa Xã cũng chỉ ra thiếu sót của chính quyền Phiên Dương trong việc theo dõi, giám sát thủy văn và dự báo lũ. Có rất ít trạm quan sát thủy văn ở địa phương này. Nhiều trạm hoạt động với độ chính xác thấp.

Ngoài ra, việc phòng chống dịch Covid-19 năm nay cũng có tác động đến thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lũ của Phiên Dương. Gia cố, sửa chữa một số đoạn đê trên địa bàn vào mùa đông năm ngoái và mùa xuân năm nay đã không được hoàn thành đúng dự kiến.

Để đối phó với tình trạng mưa lũ, chính quyền Phiên Dương cho biết, sẽ tăng cường tuần tra, nhanh chóng phát hiện những rủi ro tiềm ẩn. Để xảy ra vỡ đê trên sông Dương Tử khi mới bắt đầu mùa mưa lũ được đánh giá là sự cố nghiêm trọng ở Phiên Dương.

Trung Quốc đẩy mạnh phòng chống mưa lũ, gia cố đê điều (ảnh: Xinhua)

Cao Changjin – Bí thư chi bộ làng Daocao, gần hiện trường vụ vỡ đê – cho biết, những cán bộ trong làng đã phải gõ chiêng, đánh trống và hò hét để thúc giục người dân sơ tán cho mau.

Theo ghi nhận của Tân Hoa Xã, làng Daocao gần như bị nhấn chìm hoàn toàn sau sự cố vỡ đê.

Nằm dọc Dương Tử – con sông dài nhất Trung Quốc – tỉnh Giang Tây đã nhiều lần hứng chịu những trận lụt lớn.

Ông Cheng Hainan, 59 tuổi, sống ở Cửu Giang, Giang Tây là người có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống mưa lũ hằng năm.

“Ngay khi mực nước sông Dương Tử bắt đầu dâng cao, chúng ta đã phải cảnh giác”, ông Cheng nói.

Trước mùa mưa lũ, ông Cheng thường cùng những người khác đi dọc những con đê để loại bỏ cỏ dại, tìm kiếm kỹ lưỡng nhằm phát hiện xem có vết nứt nào không.

“Đây là biện pháp giúp chúng tôi phát hiện những rủi ro tiềm ẩn ở các con đê. Tôi xem việc này như trách nhiệm của mình, không được phép cẩu thả, chủ quan. Sự cố vỡ đê khi nước lũ đổ về có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, ông Cheng nói.

Quân đội Trung Quốc được huy động chống lũ (ảnh: Tân Hoa Xã)

Hôm 9.7, Trung Quốc cũng nâng cảnh báo mưa lũ lên mức màu cam – cao thứ 2 trong thang cảnh báo.

Trung Quốc có hệ thống cảnh báo 4 mức, màu đỏ là nghiêm trọng nhất, tiếp theo là màu cam, vàng và xanh.

Dự báo từ ngày 9.7 – 10.7, mưa lớn sẽ tiếp tục xảy ra ở Giang Tây và nhiều địa phương khác thuộc hạ nguồn sông Dương Tử. Lượng mưa có thể lên tới 280 mm/ngày.

Tình hình mưa lũ cũng đang diễn biến phức tạp ở Hồ Bắc – nơi có đập Tam Hiệp. Hồ Bắc có khoảng 6.500 hồ chứa nước nước. Tuy nhiên, hơn 90% trong số này là các hồ chứa nhỏ.

Ngày 8.7, 1.496 hồ chứa ở Hồ Bắc đã vượt quá mức cảnh báo lũ.

Cheng Xiaotao – chuyên gia thuộc Ủy ban phòng chống thiên tai Trung Quốc – cho rằng, đập Tam Hiệp sẽ hoàn thành sứ mệnh kiểm soát lũ trên sông Dương Tử trong mùa mưa lũ năm nay.

Tuy nhiên, ông Cheng cũng bày tỏ lo ngại rằng áp lực đối với con đập lớn nhất hành tinh đang ngày càng lớn, khi Trung Quốc mới chỉ bước vào giai đoạn đầu của mùa mưa lũ. Ông Cheng nhận định, Hồ Bắc là khu vực có rủi ro cao trong mùa lũ.

Vương Nam/DV

Bài mới
Đọc nhiều