Tiết lộ lý do xe tăng ta rách “te tua” khi vào Dinh Độc Lập, T-90 tối tân cũng có hiểm họa
Có điểm dễ nhận thấy, những chiếc xe tăng đầu tiên vào Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975 là hầu hết không có lá chắn bùn hoặc nếu có thì cũng rách nát te tua.
LTS: Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, thắng lợi của Chiến dịch tiến công Huế – Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược. Cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, nó đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản, góp phần giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam một cách nhanh chóng.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt hồi ức của các cựu chiến binh về những ngày tháng hết sức gian khổ nhưng lại rất đỗi hào hùng ấy.
Tầm quan trọng của tấm lá chắn bùn
Trong các chi tiết của chiếc xe tăng, lá chắn bùn khá đơn giản nhưng lại rất quan trọng, đặc biệt là đối với T-54, T-59 hay như trên xe tăng T-72, T-90… sau này.
Lá chắn bùn là một chi tiết thuộc thiết bị hành động của xe tăng. Nó thường được dập bằng tôn lá thành hình dạng thích hợp tùy từng loại xe. Những năm gần đây, chúng có thể được chế tạo bằng nhựa cao su.
Trên mặt chắn bùn cả trước và sau thường dập các gờ nổi để tăng độ cứng và có thể lắp cố định với thành xe hoặc liên kết với thành xe qua bản lề. Đối với xe tăng T-54, T-59, T-72, hay xe tăng T-90 sau này… lá chắn bùn liên kết với thành xe bằng bản lề.
Bình thường, nó được ghim chắc với thành xe nhờ một trục xoắn. Khi cần điều chỉnh xích hoặc sửa chữa, người ta tách trục xoắn khỏi vấu hãm trên lá chắn bùn ra rồi nâng nó lên.
Tác dụng của lá chắn bùn đúng như tên gọi của nó là chắn bùn đất văng lên từ hai dải xích. Như chúng ta đã biết, xe tăng chuyển động được nhờ sự tác động qua lại giữa hai dải xích với mặt đường. Cụ thể như sau:
Động lực từ động cơ qua bánh chủ động được truyền đến hai dải xích. Mặt dưới hai dải xích lại bám chặt lấy mặt đường nhờ lực cản lăn được tạo ra bởi trọng lực và ma sát buộc thân xe phải chuyển động. Trường hợp lực cản lăn nhỏ thì xích sẽ quay trượt và xe nằm tại chỗ.
Bởi bám vào mặt đường như vậy nên nếu mặt đường xấu sẽ có rất nhiều bùn đất bám vào mặt xích và khi xích quay sẽ tung lên theo lực ly tâm. Số bùn đất này sẽ bị lá chắn bùn chắn lại và rơi xuống.
Đối với các loại xe tăng T-54 hoặc có cấu trúc tương tự, do vị trí lái xe ở bên trái và rất thấp, chỉ cách mặt trên băng xích chưa tới 1 mét thì việc bị bùn đất văng lên thật sự là một hiểm họa, nhất là khi lái hành quân (thò đầu ra ngoài). Và lá chắn bùn chính là cứu tinh của các lái xe khỏi các tác động này.
Tương tự như vậy, phía sau xe là buồng truyền động thường chưa những cụm máy, chi tiết, trong đó có các két mát nước, két mát dầu. Trường hợp không có lá chắn bùn sau, bùn đất sẽ văng lên và nhét vào trong các khe hở của các két mát hoặc các chi tiết khác, có thể dẫn đến động cơ quá nhiệt hoặc hư hỏng.
Tóm lại, chỉ là một chi tiết nhỏ, có cấu tạo rất đơn giản và có vẻ rất bình thường song đối với các lái xe tăng thì lá chắn bùn hết sức quan trọng, hết sức quý giá, không hề tầm thường.
Đặc điểm chung của các xe tăng đánh chiếm dinh Độc Lập
Có một đặc điểm dễ nhận thấy về những chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30.4.1975 là hầu hết chúng đều không có lá chắn bùn hoặc nếu có thì cũng rách nát te tua.
Tại sao lại như vậy? Lý do cũng thật đơn giản: Đó là kết quả của chặng đường vô cùng gian khó, hiểm nguy hàng nghìn ki-lô-mét trước khi đến cái đích cuối cùng mà chúng đã cùng các chủ nhân của mình phải vượt qua.
Đó là những cung đường Trường Sơn hiểm trở, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách ta-luy dương cao vút cùng những cái cua tay áo khúc khuỷu khôn lường. Không chỉ vậy, con đường đó còn thường xuyên bị đánh phá ngăn chặn bởi lực lượng không quân hùng hậu cùng những toán thám báo ranh ma của Quân đội VNCH.
Để vượt qua những cung đường đó, xe tăng chủ yếu là đi đêm dưới ánh sáng của ngọn đèn gầm, thậm chí là đi mò trong đêm tối. Trong điều kiện đó, các lái xe đã truyền tai nhau một quy tắc nằm lòng: “Phải bám sát ta-luy dương. Dẫu có đâm vào ta-luy dương còn hơn là lăn xuống vực”.
Thực hành quy tắc đó quả nhiên là an toàn cho xe và cho người. Tuy nhiên, có một hệ lụy để lại là những chiếc lá chắn bùn đã trở nên rách nát, thậm chí là bay mất sau vài lần va chạm.
Và hậu quả nhãn tiền là sau một chặng đường quân sự làm gấp, dưới mi mắt của các lái xe hình thành một “vầng trăng khuyết” được tạo nên bởi bụi đường và nước mắt.
Khắc phục điều đó, trong các chặng nghỉ và nhất là thời gian nằm ở hậu cứ, các lái xe cũng đã rất cố gắng quan tâm chăm sóc đến các lá chắn bùn cho xe của mình.
Với các vỏ thùng phuy cũ hoặc các tấm tôn nhặt được, họ ra công uốn, gò, hàn để tự tạo lá chắn bùn cho xe mình. Tuy nhiên, những lá chắn bùn tự tạo này cũng nhanh chóng ra đi sau một vài chặng hành quân.
Đó chính là nguyên nhân dẫn đến chuyện hầu hết các xe tăng có mặt tại dinh Độc Lập trưa 30.4.1975 có đặc điểm chung: lá chắn bùn bị mất hoặc rách nát te tua.
Cũng vì vậy mà có một sự cố nho nhỏ nhưng vui vui thế này: Khoảng 14 giờ ngày 30.4.1975, một số xe tăng từ Dinh Độc Lập nhận lệnh đi đánh chiếm các mục tiêu khác trong nội đô Sài Gòn. Trong đó, Đại đội 4 xe tăng của Lữ đoàn 203 có nhiệm vụ đánh chiếm cảng Bạch Đằng.
Lúc này, phía bên ngoài Dinh Độc Lập có rất đông bà con nhân dân, học sinh sinh viên… Sau khi thận trọng lách khỏi đám đông trước cổng dinh, đoàn xe rẽ phải và bắt đầu tăng tốc giữa hai hàng người. Đột nhiên, hàng người giãn hết ra bởi những nắm đất từ phía các xe tăng bắn ra tới tấp như có người ném.
Thực ra không ai ném cả! Chỉ là, sau chặng đường dài chạy trên đường nhựa cứng, các mắt xích xe tăng đã được làm tương đối sạch. Khi tràn vào dinh, do đất ở bãi cỏ trước sân dinh quá mềm, quá xốp nên đất bị nhồi nhét vào các vấu, các chỗ lõm trên mắt xích rất nhiều.
Khi xe tăng tốc, vòng quay dải xích tăng nhanh và đất dính trong các vấu xích bị văng ra do lực ly tâm. Nếu có lá chắn bùn, số đất này sẽ bị nó cản lại. Song do lá chắn bùn đã mất hết nên không còn cái gì cản lại và nó văng ra đằng trước một cách “vô tội vạ”. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng chỉ xảy ra trong một chốc lát mà thôi.
Thế mới biết, tấm lá chắn bùn trên mỗi chiếc xe tăng chỉ là chuyện nhỏ nhưng không hề nhỏ chút nào!
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt