Tiết lộ bất thường trong vụ xe ‘vua’ lộng hành ở Đồng Nai
Đoàn xe ‘vua’ lộng hành ở Đồng Nai không những là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân, mà còn với nhiều doanh nghiệp vận tải vận chuyển than trên địa bàn.
Đoàn xe “vua” của Công ty TNHH thương mại Âu Châu và Công ty TNHH MTV Ngọc Minh Anh hoạt động không chỉ là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân, mà còn với nhiều doanh nghiệp vận tải, đặc biệt trong việc vận chuyển than trên địa bàn Đồng Nai.
Sau khi PV phản ánh tình trạng nhức nhối 2 đoàn xe “vua” Âu Châu và Ngọc Minh Anh như “hung thần” trên đường vận chuyển than từ cảng Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu) về Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Đồng Nai (KCN Nhơn Trạch, H.Nhơn Trạch) trong một thời gian dài nhưng không bị xử lý rốt ráo, ông T.V.T, giám đốc một doanh nghiệp (DN) vận tải tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cung cấp thêm cho PV nhiều chuyện khó tin khác.
Xe của doanh nghiệp khác chở than là bị phạt sát ván!?
Theo ông T., khi mới tham gia vào ngành nghề vận tải (tháng 10.2017), đoàn xe của ông cũng ký được hợp đồng vận chuyển than từ cảng Phú Mỹ đi Đồng Nai. “Mặc dù lấy than cùng chỗ với Âu Châu và Ngọc Minh Anh, nhưng xe của tôi cung cấp cho đơn vị khác, không liên quan đến Formosa. Ngày đầu tiên mọi việc diễn ra suôn sẻ nhưng sau đó thì xe của chúng tôi nhiều lần bị lực lượng CSGT ở Đồng Nai xử phạt với các lỗi vi phạm chở hàng quá khổ, không có hợp đồng vận chuyển, lốp mòn, rơi vãi… Hơn một tháng, DN chúng tôi phải “gồng mình” để chở đúng hợp đồng với khách hàng rồi nghỉ vì lỗ nặng”, ông T. trình bày.
Theo ông T., không chỉ xe của DN ông mà nhiều DN khác đến từ Bình Phước xuống cảng Phú Mỹ chở than khi qua Đồng Nai cũng bị lực lượng CSGT ở đây xử phạt với các lỗi tương tự. “Các xe này chạy được vài chuyến là nghỉ ngay vì không thể tiếp tục chở hàng”, ông T. cho biết thêm.
Theo một nguồn tin có trách nhiệm từ cơ quan chức năng thuộc tỉnh Đồng Nai, Âu Châu và Ngọc Minh Anh “thống lĩnh” vận chuyển than từ cảng Phú Mỹ về Đồng Nai nhiều năm qua.
Trong khi đó, đại diện một DN vận tải khác đóng tại H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) chua chát: “Dù chúng tôi muốn tham gia đấu thầu để vận chuyển cho Formosa, nhưng cũng nói thật hơn 10 năm nay không dám chen vào lĩnh vực than. Vì khi vào được mối hàng này, vận chuyển ra khỏi cảng thì xe của DN cũng bị kiểm tra, bắt giữ, triệt hạ đến phá sản. Thực tế đã có DN bị như vậy nên không ai dám vào nhận mối hàng này”.
Vô tư chạy ẩu vì “chả có công an nào thổi lại kiểm tra”…
Cũng theo nguồn tin từ cơ quan chức năng, Công ty TNHH thương mại Âu Châu tham gia vận chuyển than từ cảng Phú Mỹ về nhà máy nhiệt điện của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Đồng Nai đặt tại KCN Nhơn Trạch với số lượng khoảng 120.000 tấn/tháng.
Với khối lượng vận chuyển “khủng” nên Âu Châu buộc phải huy động nhiều xe tham gia giải phóng hàng hóa mỗi khi tàu than cập cảng Phú Mỹ. Theo tính toán, để giải tỏa một tàu than 60.000 tấn cần phải có 2.000 lượt xe tham gia vận chuyển (bình quân 30 tấn/xe). Chính vì thế, áp lực đè lên tài xế rất lớn, dẫn đến việc tài xế giao cho lơ xe (phụ xe – PV) điều khiển.
Thực tế, qua đợt kiểm tra bất ngờ tối 14 và rạng sáng 15.4 vừa qua, Công an Đồng Nai phát hiện có đến 7 tài xế không có giấy phép lái xe (GPLX); 2 trường hợp sử dụng GPLX giả. Bước đầu, một số tài xế khai mỗi xe chỉ có một tài và một lơ, trong khi phải chạy 24/24 để vận chuyển cho kịp đơn hàng. Ban ngày, do mật độ phương tiện trên đường đông nên việc điều khiển giao cho người có GPLX, còn phụ xe chạy vào ban đêm. Chính vì thế, thời điểm công an kiểm tra mới lộ ra người điều khiển phương tiện không có GPLX hoặc sử dụng GPLX giả.
Tiếp xúc với PV, anh T.V từng là tài xế của Công ty TNHH thương mại Âu Châu kể: “Lúc mới vào Âu Châu, tôi cũng không có bằng lái nên làm lơ xe cho một tài xế chở than từ cảng Phú Mỹ về đổ ở Formosa. Xe chủ yếu chạy ban đêm, trung bình thu nhập từ 8 – 9 triệu/tháng. Sau khi làm lơ xe được khoảng 5 tháng, tôi làm bằng lái xe giả để chạy luôn vì có thu nhập cao hơn do chở than cho Âu Châu chủ yếu ăn theo chuyến (khoảng 7.000 – 8.000 đồng/tấn than). Mỗi khi tàu cập cảng, Công ty Âu Châu ép chạy dữ lắm để kịp giải phóng hàng. Do đó, hầu hết các tài xế đều đua nhau chạy, ra đường là chạy bạt mạng, có khi trên QL51 có 4 làn xe, thì chạy hết cả 4 làn, chạy lấn sang làn xe máy luôn, vượt đèn đỏ là bình thường. CSGT thường thấy xe Âu Châu cũng không thổi phạt. Tôi cũng có lần chạy xe mà ngủ gật va quệt cả vào con lươn, sau đó tỉnh dậy chạy tiếp”.
Cũng theo anh V., nhiều người khi mới vào làm thì chỉ đi phụ xe, nhưng qua một thời gian quen biết với quản lý và bộ phận điều động xe thì mua bằng lái giả để chạy luôn “vì chả có công an nào thổi lại kiểm tra nên không sợ” (!).
Phải làm rõ ai là người chống lưng?
Ông T.V.T, một người dân sinh sống trên địa bàn H.Long Thành (Đồng Nai) thường di chuyển trên QL51 vào buổi tối vì công việc phải làm ca đêm, cho biết: “Do thường xuyên đi trên tuyến QL51 nên tôi chứng kiến đoàn xe của Âu Châu chở than chạy rất ngang ngược với tốc độ cao, bóp còi inh ỏi, nhiều khi chạy lấn hết cả phần đường dành cho xe gắn máy, vượt đèn đỏ là chuyện bình thường. Nói chung đoàn xe này đều là những hung thần khi ra đường. Thế nhưng, đọc báo tôi thấy trong một thời gian dài mà không bị CSGT thổi phạt hay nhắc nhở gì để xử lý cho rốt ráo là điều quá vô lý. Phải có ai chống lưng nó mới dám chạy ngang ngược như vậy? Cơ quan chức năng nói không biết ai chống lưng là điều hết sức vô lý”, ông T. bức xúc.
Trong 2 doanh nghiệp xe “vua” trên, chỉ riêng đoàn xe của Âu Châu đã có khoảng 500 chiếc. Không chỉ ông T., mà như PV phản ánh, rất nhiều người dân bức xúc, nhiều lần tố cáo, kêu cứu về xe “vua” lộng hành nhưng suốt một thời gian dài tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn nhức nhối, thách thức dư luận và kỷ cương pháp luật. Nghi vấn về sự chống lưng càng được bức xúc đặt ra, bởi ngay cả sau khi Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai trực tiếp chỉ huy “dẹp loạn” đoàn xe “vua”, lãnh đạo UBND TT.Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch) và UBND H.Nhơn Trạch (địa phương có liên quan trực tiếp)… vẫn tỏ ra khá dè dặt khi trả lời chất vấn của PV về sự “chống lưng”…
PV/ TNO