Tiết lộ bảng giá xe tăng, thiết giáp Thế giới: Việt Nam mua xe tăng T-90 hết bao tiền?
Mỗi loại vũ khí thường có giá khác nhau do điều kiện hợp đồng và các lựa chọn về cấu hình của khách hàng. Vậy Việt Nam mua xe tăng T-90 hết bao nhiêu tiên?
Trung tâm Phân tích thị trường vũ khí quốc tế (CAWAT) của Nga đã công bố cơ sở dữ liệu xuất nhập khẩu các loại vũ khí trên thị trường thế giới giai đoạn 2000-2021 (БАЗА ДАННЫХ по экспорту/импорту отдельных категорий вооружений и военной техники 2000-2021).
Trong đó, đáng chú ý là cơ sở dữ liệu về các hợp đồng mua bán xe tăng, xe thiết giáp, bao gồm cả hợp đồng mua xe tăng T-90 từ Nga của Việt Nam.
Thống kê của Trung tâm Phân tích thị trường vũ khí quốc tế (Nga) cho thấy trong những năm qua, giao dịch xe tăng – thiết giáp diễn ra khá sôi động, bất chấp “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” là các loại vũ khí chống tăng đang ngày càng hiện đại, ít có loại xe tăng chiến đấu chủ lực nào trụ được.
Danh sách các hợp đồng mua bán xe tăng chiến đấu chủ lực cả mới lẫn cũ vẫn dài dằng dặc với sự tham gia của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Tất nhiên, các cường quốc như Nga, Mỹ, Đức, Trung Quốc vẫn chiếm phần lớn các giao dịch nhưng cũng đã xuất hiện không ít quốc gia chen chân vào thị trường khi xuất khẩu những loại xe tăng (chủ yếu là secondhand) được bán với giá rẻ như cho.
Thống kê của CAWAT bao gồm nhiều thông tin thú vị như Quốc gia xuất khẩu, quốc gia nhập khẩu, loại vũ khí, số lượng đặt mua, năm ký hợp đồng, số lượng đã chuyển giao theo các năm, giá trị hợp đồng.
Từ những thông tin này, chúng ta có thể tính ra được đơn giá ước tính của các loại xe tăng, xe thiết giáp và tất nhiên giá của một hợp đồng ký năm 2000 sẽ khác với giá của hợp đồng ký năm 2015 do biến động của lạm phát, tỷ giá,… nhưng vẫn có giá trị tham khảo tương đối.
Đơn giá xe tăng secondhand
– Xe tăng T-55 có giá từ 200.000-300.000 USD/chiếc theo hợp đồng Bulgaria bán cho Campuchia (50 chiếc, ký năm 2009, giao hàng năm 2010, tổng trị giá 10 triệu USD) hoặc theo hợp đồng Slovakia bán cho CH Séc (43 chiếc, ký năm 2015, giao hàng năm 2015, tổng trị giá 5 triệu USD).
– Xe tăng T-55M có giá cũng chỉ từ khoảng 200.000USD-300.000/chiếc theo hợp đồng Belarus bán cho Sudan, và Uganda.
– Xe tăng T-72 có giá 400.000-500.000 USD chiếc theo hợp đồng Belarus bán cho Azerbaijan hay Ba Lan bán cho Gruzia.
– Xe tăng T-72M1 có giá khoảng 1 triệu USD/chiếc.
– Xe tăng T-72B có giá khoảng 500.000 USD/chiếc.
– Xe tăng T-80BV có giá 1,5 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Belarus bán cho Yemen (80 chiếc, ký năm 2009, giao hàng 2010-2012, tổng trị giá 120 triệu USD).
– Xe tăng Leopard-1А1 có giá 900.000 USD/chiếc theo hợp đồng Bỉ bán cho Brazil (80 chiếc, ký năm 1995, giao hàng 1997-2001, tổng trị giá 80 triệu USD).
– Xe tăng Leopard-1А5 có giá 1 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Đức bán cho Hy Lạp (170 chiếc, ký năm 1997, giao hàng 1998-2000, tổng trị giá 170 triệu USD).
– Xe tăng Leopard-2А4 có giá 1,83 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Đức bán cho Hy Lạp (183 chiếc, ký năm 2005, giao hàng 2005-2007, tổng trị giá 334 triệu USD) hoặc có thể lên tới 2,6 triệu USD/ chiếc theo hợp đồng Đức bán cho Indonesia (103 chiếc, ký năm 2001, giao hàng 2013-2017, tổng trị giá 270 triệu USD).
– Xe tăng Challenger-1 có giá xấp xỉ 1 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Anh bán cho Jordan (288 chiếc, ký năm 1999, giao hàng 1999-2003, tổng trị giá 300 triệu USD).
– Xe tăng M-60A3 «Patton-2» có giá 500.000 USD/chiếc theo hợp đồng Mỹ bán cho Ai Cập (10 chiếc, ký năm 2000, giao hàng 2001, tổng trị giá 5 triệu USD) hoặc Mỹ bán cho Jordan (100 chiếc, ký năm 2002, giao hàng năm 2004-2005, tổng trị giá 46,6 triệu USD)
– Xe tăng M-60A3 «Patton-2» có giá 500.000 USD/chiếc theo hợp đồng Mỹ bán cho Ai Cập (10 chiếc, ký năm 2000, giao hàng 2001, tổng trị giá 5 triệu USD) hoặc Mỹ bán cho Jordan (100 chiếc, ký năm 2002, giao hàng năm 2004-2005, tổng trị giá 46,6 triệu USD).
Đơn giá xe tăng mới, hiện đại
– Xe tăng T-72B1V có giá 2,17 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Nga bán cho Venezuela (92 chiếc, ký năm 2009, giao hàng 2011-2013, tổng trị giá 200 triệu USD)
– Xe tăng T-90S có giá 6,25 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Nga bán cho Việt Nam (64 chiếc, ký năm 2016, giao hàng 2017-2019, tổng trị giá 400 triệu USD) hoặc 5,4 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Nga bán cho Iraq (73 chiếc, ký năm 2016, giao hàng 2018, tổng trị giá 400 triệu USD).
Mức giá trên của xe tăng T-90S/SK mà Việt Nam và Iraq mua từ Nga nhỉnh hơn so với 5 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Nga bán cho Ai Cập (400 chiếc, ký năm 2017, giao hàng 2019-2026, tổng trị giá 2 tỷ USD), hoặc hợp đồng Nga bán cho Algeria (200 chiếc, ký năm 2014, giao hàng 2015-2016, tổng trị giá 1 tỷ USD).
Nguyên nhân của việc chênh lệch này có thể do Việt Nam mua số lượng ít nên giá cao hơn và/hoặc cấu hình của xe tăng T-90S mà Việt Nam chọn đặc biệt hơn so với các khách hàng khác. Ngoài ra, điều kiện về đảm bảo kỹ thuật, phụ tùng và đạn dược kèm theo xe cũng quyết định quan trọng tới giá trị của hợp đồng.
– Xe tăng M-1A1 «Abrams» có giá 5,9 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Mỹ bán cho Ai Cập (100 chiếc, ký năm 2001, giao hàng 2005-2006, tổng trị giá 590 triệu USD)
– Xe tăng M-1A1M «Abrams» có giá 6,1 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Mỹ bán cho Iraq (140 chiếc, ký năm 2008, giao hàng 2010-2011, tổng trị giá 860 triệu USD) hoặc tới 10 triệu USD/chiếc do các lô sau Iraq mua với số lượng rất nhỏ, hoặc chỉ có 6,03 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Mỹ bán cho Saudi Arabia (315 chiếc, ký năm 2006, giao hàng 2012-2016, tổng trị giá 1,9 tỷ USD).
– Xe tăng M-1A2 «Abrams» có giá 7,8 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Mỹ bán cho Iraq (218 chiếc, ký năm 2018, giao hàng 2020-2023, tổng trị giá 1,7 tỷ USD).
– Xe tăng MBT-2000 (Type-90-II) có giá 2,42 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Trung Quốc bán cho Pakistan (310 chiếc, ký năm 1998, giao hàng 2001-2012, tổng trị giá 750 triệu USD).
– Xe tăng MBT-2000 (VT2) có giá 3,7 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Trung Quốc bán cho Marocco (54 chiếc, ký năm 2009, giao hàng 2010, tổng trị giá 200 triệu USD).
– Xe tăng MBT-2000 (VT4) có giá 5,3 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Trung Quốc bán cho Thái Lan (28 chiếc, ký năm 2016, giao hàng 2017-2018, tổng trị giá 147 triệu USD).
– Xe tăng Leopard-2А6 HEL có giá 11,18 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Đức bán cho Hy Lạp (170 chiếc, ký năm 2002, giao hàng 2007-2011, tổng trị giá 1,9 tỷ USD).
– Xe tăng Leopard-2A7 có giá 24,2 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Đức bán cho Qatar (62 chiếc, ký năm 2012, giao hàng 2005-2018, tổng trị giá 1,5 tỷ USD).
– Xe tăng Challenger-2 có giá 8,6 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Anh bán cho Oman (20 chiếc, ký năm 1997, giao hàng 2000, tổng trị giá 172 triệu USD).
– Xe tăng PT-91M có giá 7,7 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Ba Lan bán cho Malaysia (48 chiếc, ký năm 2003, giao hàng 2008-2011, tổng trị giá 368 triệu USD).
– Xe tăng Т-84 «Оплот-Т» có giá 4,9 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Ukraine bán cho Thái Lan (49 chiếc, ký năm 2011, giao hàng 2014-2018, tổng trị giá 240 triệu USD).
– Xe tăng Leclerc có giá 11,8 triệu USD/chiếc theo hợp đồng Pháp bán cho UAE (388 chiếc, ký năm 1993, giao hàng 1994-2005, tổng trị giá 4,6 tỷ USD).
Minh Trí