+
Aa
-
like
comment

Tiết kiệm khẩu trang y tế để chống dịch

26/03/2020 08:03

Công tác phòng chống dịch Covid-19 đang vào cao điểm và nhu cầu khẩu trang y tế cho y bác sĩ tuyến đầu rất cần được đặc biệt ưu tiên.

Nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch rất cần khẩu trang y tế /// Ảnh: Ngọc Dương
Nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch rất cần khẩu trang y tế

Phải “cân đong” từng ngày

Ngày 25.3, theo khảo sát của PV Thanh Niên tại TP.HCM, hầu hết các bệnh viện (BV) đã chuẩn bị sẵn phương án nếu thiếu hụt khẩu trang y tế. Phương án lựa chọn khả thi nhất đang được các BV thực hiện là cung cấp cho nhân viên y tế không tiếp xúc bệnh nhân mang khẩu trang vải.

Theo một lãnh đạo BV Nhân dân Gia Định, BV đã sử dụng hợp lý nhất để dành khẩu trang y tế cho các y bác sĩ tuyến đầu, khu vực có khả năng lây nhiễm cao, như cấp cứu, hồi sức, phòng khám sàng lọc, phòng mổ…; bởi vì mỗi một y bác sĩ các khu vực này mỗi ngày tiết kiệm nhất, cũng có thể phải sử dụng 2 – 3 cái khẩu trang. Còn các nhân viên hành chính thì được cung cấp khẩu trang vải. Tương tự, BV Nhi đồng 2 trang bị cho mỗi nhân viên y tế làm việc hành chính, văn phòng 6 khẩu trang vải để tiết kiệm khẩu trang y tế.

Tại BV Nhi đồng 1, theo quan sát của PV Thanh Niên, nhiều y bác sĩ phải mang khẩu trang y tế 2 lớp, rất mỏng, một số lao công mang khẩu trang vải. Theo lãnh đạo BV Nhi đồng 1 thì khẩu trang y tế BV cũng đang “căng”, bởi mua nhưng nhà cung cấp chỉ cung cấp nhỏ giọt. Do vậy, khẩu trang y tế 3 – 4 lớp chỉ dành cho y bác sĩ trực có nguy cơ lây nhiễm cao, còn nhân viên y tế khác thì mang khẩu trang 2 lớp, khẩu trang vải.

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết khẩu trang y tế hiện có “ở mức cầm chừng”. Ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Thừa Thiên – Huế, cho biết tình hình khẩu trang của lực lượng phòng chống dịch tại địa phương đang thiếu hụt rất căng, đơn vị phải “cân đong” từng ngày để bảo đảm cho công tác chống dịch. Ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, cho biết thời gian tới, nếu có thêm số lượng người cách ly về tỉnh lớn thì sẽ không đủ khẩu trang y tế…

Tiết kiệm khẩu trang y tế để chống dịch - ảnh 1
Nhân viên y tế BV Nhi đồng 1 đang rất tiết kiệm khẩu trang y tế, sử dụng khẩu trang vải, khẩu trang mỏng. Ảnh: Duy Tính

Kêu gọi chung tay hỗ trợ

Khi được hỏi về tình hình khẩu trang ở địa bàn, đặc biệt là tại các khu cách ly, cơ sở y tế, ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, tỏ ra khá dè dặt: “Ngay lúc này thì tôi nói là vẫn đủ, nhưng kéo dài trong 1 tuần, 10 ngày nữa và số người tiếp tục đổ về các khu cách ly thì tôi không dám nói trước”. “Thông qua đây, nếu Báo Thanh Niên có kêu gọi được nguồn nào, hỗ trợ về khẩu trang thì mong có thể hỗ trợ thêm cho y tế Quảng Trị”, ông Hùng nói.

Bác sĩ Lê Công Lĩnh, Giám đốc Trung tâm y tế H.Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết riêng về khẩu trang y tế, hiện tại có thể “gói ghém” dùng trong hơn 10 ngày nữa. “Một vấn đề khó hiện nay là mua khẩu trang với giá của nhà nước niêm yết là rất khó, trong khi đó cơ quan nhà nước lại khó có thể mua khẩu trang ngoài thị trường vì còn liên quan đến hóa đơn chứng từ”, bác sĩ Lĩnh nói và bày tỏ mong muốn mọi người trên huyện đảo Phú Quốc chung tay hỗ trợ khẩu trang cho ngành y tế phục vụ công tác phòng chống Covid-19.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh BV Nhi đồng 1, tình hình thiếu khẩu trang y tế không chỉ riêng ở VN mà nhiều nước cũng thiếu. Có thể hiện nay người dân trữ một số lượng nhất định khẩu trang y tế thì kêu gọi đóng góp lại cho ngành y tế. Bởi nếu sử dụng khẩu trang y tế mà đeo sai thì còn nguy hiểm hơn không đeo hoặc đeo khẩu trang vải.

Tiết kiệm khẩu trang y tế để chống dịch - ảnh 2
Đoàn thanh niên BV Nhi đồng 1 tự làm nón có tấm che chắn giọt bắn cung cấp cho các y bác sĩ tiếp xúc bệnh nhân. Ảnh: Duy Tính

Ước cần khoảng 30 triệu khẩu trang y tế

Chiều 25.3, thông tin từ Bộ Y tế cho biết liên tục những ngày qua, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Y tế và bộ, ngành liên quan đã có các cuộc họp bàn về giải pháp đảm bảo cung ứng đủ khẩu trang y tế chống dịch Covid-19, bao gồm các vấn đề về nguồn nguyên liệu sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng như hỗ trợ về thuế cho đơn vị sản xuất khẩu trang. Theo dự trù của Bộ Y tế, ước cần khoảng 30 triệu khẩu trang y tế trong tháng 3.

Bộ Y tế cho biết về nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế, đã có giải pháp sử dụng nguyên liệu thay thế, do đơn vị trong nước cung ứng, đảm bảo cho các công ty trong nước sản xuất khẩu trang y tế, trước mắt là 30 triệu chiếc. Nguồn nguyên liệu này được đại diện Bộ Công thương cho biết sẽ duy trì cung ứng lâu dài, phục vụ sản xuất khẩu trang với số lượng lớn chống dịch.

Ngoài ra, các bộ liên quan cũng bàn và đề xuất tháo gỡ về cơ chế tài chính cho việc mua sắm, cung ứng khẩu trang y tế phù hợp trong tình huống phục vụ chống dịch khi giá khẩu trang thay đổi do nhu cầu tăng cao và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Việc mua sắm khẩu trang y tế đang xem xét giao cho 2 BV lớn (BV Bạch Mai và BV Chợ Rẫy) là đầu mối đứng ra mua và điều phối cho các đơn vị, phục vụ chống dịch. Ngoài ra, các công ty sản xuất khẩu trang y tế cũng được yêu cầu chỉ bán cho đơn vị y tế, không cung cấp ra thị trường.

TP.HCM không thiếu khẩu trang

Liên quan vấn đề khẩu trang, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, khẳng định TP.HCM không thiếu khẩu trang, người dân khó tìm mua là do khâu phân phối chưa đồng bộ. Theo ông Liêm, ngoài khẩu trang y tế thì TP.HCM đã nhập về 17 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, có thể sử dụng nhiều lần và giá cả phù hợp. TP.HCM đã cung ứng cho thị trường hơn 8 triệu khẩu trang, số còn lại dành 4 triệu cái dự trữ cho học sinh, sinh viên khi đi học trở lại, hơn 4 triệu cái tiếp tục bán ra thị trường.

Chiều 25.3, đại diện Tập đoàn dệt may VN (Vinatex) cho hay tổng sản lượng khẩu trang vải phòng dịch trong cộng đồng được các đơn vị thành viên thuộc tập đoàn sản xuất từ đầu tháng 2 tới nay đã đạt hơn 38 triệu chiếc. Trong các tháng tiếp theo, sản lượng khẩu trang vải phòng dịch toàn tập đoàn dự kiến đạt từ 28 – 30 triệu chiếc/tháng. Đồng thời, nếu thị trường có nhu cầu sử dụng nhiều khẩu trang hơn, toàn hệ thống sẽ sắp xếp tổ chức sản xuất để có thể cung ứng lên tới 50 triệu chiếc khẩu trang/tháng.

Trước nhu cầu khẩu trang y tế tăng cao cho các nhân viên y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kêu gọi người dân sử dụng khẩu trang vải, nhường khẩu trang y tế cho các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trong BV; bởi y bác sĩ trong quá trình làm việc thường xuyên tiếp xúc, điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19, cũng như thực hiện các thao tác thủ thuật gần với đường thở của bệnh nhân rất dễ bị lây nhiễm bệnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, nhân viên y tế cần được chủ động ngăn chặn nhiễm bệnh bằng cách sử dụng đồ bảo hộ, khẩu trang. Khẩu trang y tế sẽ giúp bảo vệ an toàn hơn cho các y bác sĩ. Nếu nhân viên y tế bị lây nhiễm sẽ ảnh hưởng tới công tác chăm sóc người bệnh. Sự an toàn của nhân viên y tế sẽ giúp bảo đảm cho sự an toàn của cộng đồng. Hiện, VN cũng đã sản xuất được khẩu trang vải 3 lớp, 4 lớp ngăn ngừa giọt bắn, ngăn ngừa dịch bệnh, do đó người dân có thể yên tâm sử dụng khẩu trang vải đạt tiêu chuẩn.

Sáng 24.3, thông qua PV Thanh Niên, nhóm thiện nguyện của anh Thanh Phạm (một doanh nhân ở Đà Nẵng) cũng đã trao 100 khẩu trang chuyên dụng 3M R95 cho đội ngũ y bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 tại BV T.Ư Huế . Đồng thời, nhóm cũng tặng 100 khẩu trang chuyên dụng cho lực lượng phòng chống dịch Covid-19 tại Thừa Thiên – Huế.

Bùi Ngọc Long/TN

Bài mới
Đọc nhiều