Tiếp tục tranh cãi về việc tiêm mũi 3 vaccine Covid-19
Lo ngại sự xuất hiện của biến chủng Delta có thể đảo ngược thành quả phòng chống đại dịch Covid-19 nên đã có thêm ít nhất 20 quốc gia xác nhận sẽ triển khai chương trình tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường (mũi thứ 3). Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về sự cần thiết của hoạt động này.
Cần nghiên cứu thực tế
Ngày 27-8, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, giới chức y tế liên bang đang thảo luận về khung thời gian để tiêm mũi tăng cường vaccine Covid-19 và dự kiến sẽ thông qua kế hoạch tiêm phòng tăng cường cho những người đã hoàn thành các mũi tiêm được 8 tháng (có thể là 1 hoặc 2 mũi tùy theo từng loại vaccine).
Còn ở châu Âu, Đức và Pháp cũng đã ấn định ngày khởi động chiến dịch tiêm mũi thứ 3. Anh đang lên kế hoạch nhưng nhiều khả năng sẽ chỉ tiêm mũi 3 cho những người dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng.
Sau Mỹ, hiện đã có thêm ít nhất 20 quốc gia khác xác nhận sẽ triển khai chương trình tiêm mũi thứ 3 vaccine Covid-19. Động thái này đi ngược lại với lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng các nước nên ngừng kế hoạch tiêm tăng cường để chia sẻ lượng vaccine dự phòng cho các quốc gia còn đang thiếu. Ngoài ra, hiệu quả thực sự của mũi vaccine tăng cường vẫn còn là một dấu hỏi và điều này chỉ thực sự cần với những người có hệ miễn dịch suy giảm mà thôi.
Mặc dù các nhà sản xuất vaccine đang thực hiện nhiều thử nghiệm lâm sàng để xác định thời gian thực hiện tiêm mũi bổ sung nhưng vẫn cho rằng tất cả phải được xác nhận qua nghiên cứu thực tế, trong đó các biến chủng virus sẽ đóng vai trò quan trọng. Theo Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla, có khả năng người dân sẽ cần đến liều vaccine thứ 3 trong vòng từ 6-12 tháng kể từ khi được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi. Sau đó, vaccine sẽ được tiêm chủng hàng năm.
Còn theo ông Andrew Pollard, Giám đốc Oxford Vaccine Group, Hãng sản xuất vaccine Oxford/AstraZeneca, việc các nước vội vã tiêm mũi thứ 3 là do mong muốn giảm thiểu rủi ro trong tương lai nhưng điều này là không cần thiết nếu “không có bằng chứng rõ ràng” rằng những người đã tiêm đủ 2 mũi bị suy giảm khả năng miễn dịch.
Cũng theo ông Pollard, tiêm mũi vaccine thứ 3 cho một người đồng nghĩa với việc từ chối cơ hội tiêm phòng cho một người khác. Chưa kể, lợi ích của việc tiêm mũi thứ 3 là rất nhỏ so với việc triển khai tiêm phòng ở những nước chưa được tiêm chủng.
Nguy cơ biến chủng mới xuất hiện
Trong một tuyên bố chung, nhóm các nhà lãnh đạo đa phương, bao gồm người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), WHO và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã kêu gọi các quốc gia có nguồn dự trữ vaccine lớn chia sẻ “vũ khí hữu hiệu” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 với các chương trình phân phối tới các nước có thu nhập thấp hơn.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng được kêu gọi khẩn trương thực hiện các cam kết chia sẻ vaccine bởi hiện mới có chưa đầy 10% số liều vaccine được cam kết chia sẻ được chuyển đi. Loại bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với vaccine Covid-19 cũng là điều cần thiết trong lúc này.
Hiện mới có chưa đầy 2% số người trưởng thành ở hầu hết các nước thu nhập thấp được tiêm vaccine Covid-19, quá thấp so với mức gần 50% ở các nước có thu nhập cao. Đặc biệt, mới có khoảng 2% dân số châu Phi được tiêm đủ 2 mũi vaccine, tỷ lệ thấp nhất trong các châu lục trên thế giới.
Việc các nước tiêm phòng tăng cường thay vì chia sẻ vaccine với các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp và tỷ lệ ca mắc cao là “một tính toán sai lầm nghiêm trọng”, bởi điều này sẽ tạo cơ hội cho các biến chủng mới xuất hiện và thách thức chính các quốc gia đã được tiêm chủng đầy đủ. Châu Phi có thể sẽ trở thành lục địa của Covid-19 như cảnh báo của ông John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi.
Còn theo Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah, để có thể kiềm chế sự lây lan của biến chủng Delta cần phải để những người chưa tiêm chủng được tiêm chủng thay vì cho những người tiêm mũi tăng cường. Bởi, trước khi tất cả mọi người an toàn thì không có ai an toàn.
Hạnh Chi