Tiếp tục đề nghị truy tố cựu lãnh đạo Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đề nghị truy tố ông Trần Phương Bình cùng 11 bị can khác gây thiệt hại hơn 9.642 tỉ đồng trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đông Á.
Cơ quan CSĐT Bộ công an vừa hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang VKSND tối cao đề nghị truy tố ông Trần Phương Bình cùng 11 bị can khác tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại hơn 9.642 tỉ đồng cho Ngân hàng Đông Á (DAB).
Cho vay gây thiệt hại hàng ngàn tỉ
Kết luận điều tra nêu rõ với vai trò là tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, ông Trần Phương Bình là đối tượng chính, tổ chức, chỉ đạo các hoạt động tín dụng, ngân quỹ và đầu tư tại DAB. Ông Bình đã lạm dụng chức vụ và quyền hạn chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định luật kế toán, Luật Các tổ chức tín dụng và điều lệ của DAB gây thiệt hại cho chính ngân hàng này.
Theo đó, hành vi của ông Bình và 11 bị can khác thể hiện ở việc cho nhóm khách hàng thuộc Công ty TNHH Hiệp Phú Gia vay gây thiệt hại hơn 3.326 tỉ đồng, nhóm khách hàng Công ty TNHH Đồng Tiến vay gây thiệt hại 393 tỉ đồng, nhóm khách hàng Công ty cổ phần M&C vay và gây thiệt hại 3.949 tỉ đồng, Công ty TNHH Tân Vạn Hưng vay và gây thiệt hại 1.010 tỉ đồng.
Ngoài ra, ông Bình còn chỉ đạo cho cấp dưới xuất quỹ sai nguyên tắc 75 tỉ đồng để trả nợ cho các khoản vay của 3 cá nhân là Nguyễn Huy Trường Hồng, Phạm An, Phạm Văn Tâm và sử dụng cá nhân gây thiệt hại cho DAB 75 tỉ.
Ông Bình cũng chỉ đạo cấp dưới cho nhiều tổ chức, cá nhân vay, xuất quỹ sai nguyên tắc để mua tài sản của nhóm Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh sau đó lập chứng từ thu khống 1.349 tỉ đồng gây thiệt hại cho DAB số tiền là 886 tỉ đồng.
Theo kết luận điều tra, các hành vi vi phạm pháp luật của các bị can là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thực trạng DAB lỗ luỹ kế hơn 31.076 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỉ đồng và tài sản thực của DAB chỉ còn 47.011 tỉ đồng.
Dư nợ 1.207 tỉ đồng chưa đánh giá thiệt hại
Kết luận điều tra nêu ông Trần Phương Bình và đồng phạm trong vụ án này chủ yếu là cho vay và không thu hồi được tiền gốc, lãi và lãi quá hạn. Ngoài các hành vi trên, ông Bình còn là người chỉ đạo cho các cá nhân vay tiền để mua cổ phần của chính DAB.
Theo kết luận điều tra, nhóm khách hàng cá nhân là ông Lê Anh Tuấn và bà Nguyễn Thị Ngọ là vợ chồng. Bà Ngọ có quan hệ với ông Trần Phương Bình nên khi thành lập DAB ông Bình mời bà Ngọ góp vốn. Bà Ngọ góp vốn nhưng để bố chồng đứng tên người sáng lập.
Cũng từ năm 1992, bà Ngọ và ông Tuấn phát sinh vốn vay tại DAB. Tiền vay này được sử dụng vào mục đích kinh doanh của các công ty của bà Ngọ và mua bán bất động sản, mua bán cổ phần của PNJ. Tổng số tiền dư nợ của ông Tuấn và bà Ngọ tại DAB đến nay là hơn 269.000 chỉ vàng và 334 tỉ đồng (tổng cộng tương đương 1.207 tỉ đồng).
Năm 2007, DAB phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ từ 880 đến 1.600 tỉ đồng, bà Ngọ và ông Tuấn mua 26.500 cổ phần trị giá 339 tỉ đồng, nguồn tiền để mua là khoản vay từ DAB 211 tỉ đồng còn lại vay từ nhiều ngân hàng khác.
Sau khi mua thì cổ phần của DAB xuống giá nên bà Ngọ không có tiền để trả nợ cho các khoản vay, ông Trần Phương Bình đã cho bà Ngọ vay khoản vay mới và cán bộ ngân hàng không thẩm định điều kiện vay vốn kể cả các khoản vay tín chấp.
Theo lời khai của ông Trần Phương Bình, do bà Ngọ có quan hệ hàm ơn với vợ mình nên khi bà Ngọ vay tiền ông Bình chỉ đạo các nhân viên cho vay mà không cần thẩm định. Khi DAB bán cổ phần thì ông Bình động viên bà Ngọ mua và hứa cho vay tiền nếu thiếu.
Đến nay, bà Ngọ hứa sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền hơn 1.207 tỉ đồng nên cơ quan điều tra cho rằng cần chờ kết quả định giá tài sản thế chấp của bà Ngọ cũng như phương án trả nợ thì mới có căn cứ đánh giá thiệt hại đối với nhóm khách hàng này.
Đồng phạm là cấp dưới
Ngoài ông Trần Phương Bình bị đề nghị truy tố 2 tội danh vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, 11 bị can khác là cấp dưới của ông Bình cũng bị đề nghị truy tố gồm
– Nguyễn Thị Ngọc Vân (nguyên phó tổng giám đốc, phó chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB): bị cáo buộc đồng phạm với ông Trần Phương Bình gây thiệt hại số tiền là 3.704 tỉ đồng
– Nguyễn Đức Tài (nguyên giám đốc ADB Sở giao dịch): bịcáo buộc gây thiệt hại số tiền 1.955 tỉ đồng
– Nguyễn Tăng Ngọc Linh (nguyên phó giám đốc DAB chi nhánh quận 10): bị cáo buộc gây thiệt hại 527 tỉ đồng
– Nguyễn Chí Thiện (nguyên cán bộ tín dụng DAB): gây thiệt hại 915 tỉ
– Nguyễn Chí Công (nguyên phó phòng khách hàng doanh nghiệp): gây thiệt hại 551 tỉ đồng
– Phạm Huy Luận (nguyên giám đốc DAB chi nhánh quận 4): gây thiệt hại 2.362 tỉ đồng
– Vũ Đức Dũng (nguyên phó giám đốc chi nhánh quận 4): gây thiệt hại 2.362 tỉ đồng)
– Nguyễn Văn Bảo (Chi nhánh DAB quận 4): gây thiệt hại 2.362 tỉ đồng
– Nguyễn Quang Thọ (nguyên phó giám đốc DAB chi nhánh quận 9): gây thiệt hại 1.036 tỉ đồng
– Phạm Chiến Quốc (DAB chi nhánh quận 9): gây thiệt hại 1.036 tỉ đồng
– Phùng Ngọc Khánh (cChủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần M&C): gây thiệt hại 3.949 tỉ đồng.
Tháng 6-2019 TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên phạt ông Trần Phương Bình mức án chung thân cho 2 tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng cho DAB.
(Theo Tuổi Trẻ)