+
Aa
-
like
comment

Tiếng Việt, chữ Việt và vấn đề chính tả

15/06/2020 08:14

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về cuốn ‘Từ điển chính tả tiếng Việt’ (Nhà xuất bản Ðại học Quốc gia Hà Nội) của PGS, TS Hà Quang Năng (chủ biên) và thạc sĩ Hà Thị Quế Hương, có nhiều sai sót, nhầm lẫn khó chấp nhận. Ngày 12-6, Nhà xuất bản (NXB) Ðại học Quốc gia Hà Nội đã ra quyết định thu hồi cuốn sách nêu trên. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, người Việt Nam chỉ thật sự có văn tự của riêng mình từ khi xuất hiện chữ Quốc ngữ. Và cũng từ đó, cùng với công cuộc chuẩn hóa tiếng Việt là việc chuẩn hóa chữ viết, trong đó chuẩn chính tả liên quan ngôn ngữ và văn hóa của một đất nước. Vì vậy, xuất bản một cuốn từ điển chính tả thiếu chuẩn, nhiều sai sót là điều đáng tiếc mà các tác giả và NXB cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Ðể tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, Báo Nhân Dân đăng tải bài viết của PGS, TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.

“Từ điển chính tả” bị sai chính tả.

Tên gọi chữ Quốc ngữ – chữ của quốc gia – được dùng lần đầu để chỉ chữ Quốc ngữ (mà chúng ta đang gọi như hiện nay) vào năm 1867 trên tờ Gia Ðịnh báo (tờ báo viết bằng chữ Việt mới xuất hiện lần đầu tại Sài Gòn, ngày 15-4-1865). Thực ra, sau khi cuốn Từ điển Việt – Latin của Jean-Louis Taberd (xuất bản năm 1838) thì chữ Quốc ngữ cơ bản được định hình và nó đã tồn tại trong xã hội Việt Nam ở trạng thái tam ngữ bất bình đẳng (chữ Hán của tầng lớp Nho học, chữ Pháp dùng trong hệ thống hành chính nhà nước (do Pháp bảo hộ), chữ Quốc ngữ của tầng lớp bình dân, dùng để sáng tác thơ văn và bày tỏ cảm xúc…). Nhưng càng ngày, chữ Quốc ngữ càng phát huy ưu thế của mình. Do đây là lối viết chữ ghi âm (nói thế nào viết thế ấy) dùng hệ chữ Latin để thể hiện. Ðó là lối chữ giản tiện, dễ học, dễ đọc, dễ nhớ (chứ học chữ Hán và đặc biệt chữ Nôm thì vô cùng nhiêu khê, phiền phức). Chỉ trong một thời gian không dài, số lượng tác phẩm văn thơ do quần chúng nhân dân sáng tác đã tăng lên chóng mặt. Sự ra đời của các tờ báo Quốc ngữ cùng các cơ quan xuất bản vào cuộc làm cho sự quảng bá tri thức văn hóa cũng mở rộng không ngừng. Như vậy, chữ Quốc ngữ ra đời đã có một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội Việt Nam và sứ mệnh lịch sử của nó là điều không thể phủ nhận.

Nhưng, do nhiều vấn đề mà chữ Quốc ngữ trong quá trình sử dụng đã bộc lộ một số bất hợp lý. Hệ thống âm vị tiếng Việt có 22 phụ âm đầu, 13 nguyên âm đơn, 3 nguyên âm đôi, 6 phụ âm cuối và 6 thanh điệu (âm vị siêu đoạn tính). Người ta phải dùng hệ thống chữ cái Latin để thể hiện các âm vị này. Chịu ảnh hưởng của cách viết của ngôn ngữ dòng Roman và trình độ ngữ âm học của các tác giả chữ Quốc ngữ (người châu Âu) lúc đó còn hạn chế, vì thế, chữ Quốc ngữ có âm vị được thể hiện bằng nhiều chữ cái (k = c, k, q; d = r, d, gi), nhiều vần ghép không hợp lý (ng = ng, ngh; g = g, gh…),… Chữ Quốc ngữ cũng là lối viết có nhiều dấu phụ nhất (dấu râu, dấu mũ, dấu giọng…). Ðiều này cũng gây phiền hà cho việc viết, in ấn, phổ cập… Tiếng Việt lại là ngôn ngữ có nhiều phương ngữ. Hiện tại, các nhà Việt ngữ chia thành ba vùng phương ngữ chính (Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ), nhưng thực tế, mỗi vùng này lại tồn tại nhiều phương ngữ, thổ ngữ nhỏ khác. Ðiều này tạo nên sự khác biệt vùng miền, trong đó sự khác biệt về ngữ âm là rõ nhất.

Ngoài ra, trong phạm vi một vùng phương ngữ, cũng tồn tại nhiều cách viết khác nhau. Ngay trong giới báo chí và truyền thông cũng có sự phân hóa, không thống nhất. Ðiều này phụ thuộc vào quan điểm, thái độ và tri thức hiểu biết…

Ðể hạn chế sự khác biệt và để cho việc giao tiếp (cả bằng chữ viết và lời nói) không bị cản trở, một trong những công việc phải làm là thực hiện tốt việc chuẩn hóa chính tả.

GS Hoàng Phê (trong Hoàng Phê – Tuyển tập Ngôn ngữ học, NXB Ðà Nẵng, 2008) có viết: “Một ngôn ngữ văn hóa dân tộc không thể không có chính tả thống nhất. Chính tả có thống nhất thì việc giao tiếp, bằng ngôn ngữ viết, mới không bị trở ngại giữa các địa phương trong cả nước, cũng như giữa các thời đại, đời trước và đời sau” (tr. 840). Từ điển chính tả chính là một công cụ quan trọng phục vụ sự nghiệp chuẩn hóa chính tả.

Nhưng chữ viết là một vấn đề phức tạp. Bản thân ngôn ngữ tự nhiên cũng có cái phức tạp nhưng nhiều khi hoặc không để ý (vì vẫn giao tiếp bình thường), hoặc là “lời nói gió bay”, nên không quá trầm trọng. Song, chữ viết “giấy trắng mực đen” lại có những tiêu chuẩn khắt khe riêng. Vì thế, việc viết sai chính tả sẽ rầy rà, dẫn đến hiệu ứng tiêu cực. Chẳng hạn, ta sẽ không chấp nhận cách viết, như: chời chong chẻo (trời trong trẻo), da đi ô (radio, ra-đi-ô), diệu thuốc (rượu thuốc)… mặc dù nếu nghe phát âm thì chẳng ai nói sai (vì không nhất thiết phải cong lưỡi),…

Có thể nói, về cơ bản, chính tả tiếng Việt hiện nay không có vấn đề gì quá nghiêm trọng. Nhưng, đây đó vẫn đang tồn tại nhiều cách viết tùy tiện, không có sự cân nhắc trong lựa chọn. Bởi cốt lõi của chuẩn ngôn ngữ chính là sự lựa chọn trong những biến thể đang tồn tại để chọn một biến thể hợp lý nhất. Các nhà soạn từ điển làm ngữ liệu, dĩ nhiên phải thống kê mọi trường hợp đang sử dụng trong cộng đồng. Nhưng dứt khoát phải xem xét và loại bỏ không thương tiếc những biến thể chắc chắn là sai, cá biệt, không phổ biến.

Vấn đề này không khó, nếu chúng ta nắm được các nguyên tắc cơ bản của chính tả tiếng Việt.

Trước hết, đó là nguyên tắc Ngữ âm học. Chữ Quốc ngữ của ta là chữ ghi âm (nói sao viết vậy). Chính tả phải đi theo chính âm. Phát âm là căn cứ để ghi chép. Thí dụ, câu Hôm qua em tới trường gồm 5 âm tiết và người nghe sẽ chép lại bằng cách lần lượt ghép vần các âm tiết và viết cho đúng. Nguyên tắc này là “mẫu số chung” giúp cho mọi người ở mọi vùng miền quy về một mối, dù biến thể ngữ âm là điều khó tránh. Chẳng hạn, các từ như Việt Nam, dưa chuột, ve vãn, người miền nam nói là Giệc Nam, dưa chuộc, ve vãng; Quảng Nam, tiểu đoàn, đi làm, người miền trung nói là Quẩng Nôm, tỉu đoòng, đi lờm/lồm; con bò vàng người Thạch Thất (Hà Tây cũ) nói là con bo vang… Nói có khác nhưng chính tả chỉ có một cách viết duy nhất. Dù trong một chừng mực nào đó, nguyên tắc ngữ âm học chưa thật sự được áp dụng một cách tuyệt đối, song chuẩn chính tả sẽ giúp cho tình hình đó bớt lộn xộn.

Thứ hai, đó là nguyên tắc Từ nguyên học. Xuất xứ, cội nguồn là cái gốc. Ðiều này giúp người viết có căn cứ “loại trừ” cái không chuẩn mà không cần phải băn khoăn gì cả. Chẳng hạn, sa trường không thể viết là xa trường (sa, từ Hán Việt = cát; xa, từ thuần Việt = 1. dụng cụ kéo sợi, 2. ở một khoảng cách nào đó). Trường (nơi xảy ra) chỉ có thể kết hợp với sa để thành sa trường (chiến trường). Dây dưa (dây: vật dụng hay thân cây có dạng hình sợi) không thể viết là giây dưa, rây rưa (giây: đơn vị đo thời gian hay đo góc, rây: đồ dùng để phân loại bột hay chất lỏng có cặn). Trăm thứ bà Giằn, cần phải viết đúng là “Giằn” vì đó là tên thật của một phụ nữ…

Thứ ba, phải theo nguyên tắc quy ước ngôn ngữ, được cộng đồng chấp nhận và tuân thủ. Như trên đã nói, khi sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, các nhà truyền giáo Bồ Ðào Nha và Pháp đã đưa ra những quy định chưa thật chính xác theo tinh thần âm vị học. Nhưng quy định đó đã ăn sâu vào cộng đồng như một thói quen khó bỏ. Chẳng hạn, nếu ta viết ngề ngiệp thay cho nghề nghiệp, gi nhớ thay cho ghi nhớ, za ziết thay cho da diết, iêu cính thay cho yêu kính… thì vẫn đọc đúng nhưng không ổn. Tất nhiên, có nhiều trường hợp chính tả lưỡng khả (có hơn hai biến thể) song song tồn tại, như trau dồi/ trau giồi; râm bụt/ dâm bụt/ giâm bụt; sếp/ xếp (phiên từ chef, tiếng Pháp)… thì xu hướng người viết sẽ chọn biến thể có tần số cao hơn, hợp lý hơn (râm bụt được lựa chọn nhiều hơn là một thí dụ). Chưa kể, nhiều trường hợp chính tả tên riêng nước ngoài trên báo chí cũng là vấn đề tranh cãi. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta phải chấp nhận tính hợp lý tương đối của các biến thể đang dùng.

Thứ tư, theo nguyên tắc Cú pháp học. Ðó là chính tả theo dấu câu. Chữ cái của âm tiết bắt đầu câu thì phải viết hoa. Sau các dấu phân chia thành phần câu (phẩy, chấm phẩy) thì không.

Thứ năm, theo quy định tên riêng và phong cách tu từ học. Tên riêng (tên người, địa danh, tên cơ quan, tổ chức…) viết hoa theo quy định. Những trường hợp cần trang trọng, tôn vinh cũng viết hoa (như Bác Hồ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Hát mãi về Anh…),…

Có thể nói, chuẩn chính tả là một vấn đề có tính bắt buộc đối với mọi thành viên trong cộng đồng ngôn ngữ. Chữ viết là một vấn đề ngôn ngữ và văn hóa. Mỗi thành viên trong cộng đồng phải tự tìm hiểu, học tập, trau dồi những kỹ năng, trong đó có kỹ năng viết đúng. Thực hiện tốt công cuộc chuẩn chính tả chính là chúng ta hướng tới một tiếng Việt văn hóa. Vì vậy, xây dựng và xuất bản những cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt chuẩn mực là điều vô cùng cần thiết hiện nay.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH – Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều