+
Aa
-
like
comment

Tiền Trung Quốc tháo chạy khỏi thế giới phương Tây

Bảo Trâm - 30/07/2023 13:36

Cách đây vài năm, dòng tiền đầu tư của Trung Quốc gây chấn động ở các nước giàu phương Tây. Nhưng hiện tại, kỷ nguyên đó đã kết thúc, khi các nhà đầu tư Trung Quốc rút khỏi thế giới phương Tây do thái độ bất an với nguồn vốn Trung Quốc ngày càng dâng cao. Thay vào đó, các công ty Trung Quốc đổ tiền vào các nhà máy ở Đông Nam Á, các dự án năng lượng và khai khoáng ở châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ khi Bắc tìm cách tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng.

Tập đoàn bảo hiểm Anbang của Trung Quốc gây tiếng vang khi chi 1,95 tỉ đô la để mua khách sạn 5 sao Waldorf Astoria ở thành phố New York vào năm 2015. Ảnh: CBC

Sự thay đổi trong dòng chảy tiền đầu tư cho thấy Trung Quốc đang phản ứng với mối quan hệ xấu đi với phương Tây, đồng thời tăng cường liên kết thương mại và đầu tư với các khu vực khác trên thế giới, theo cách có thể tạo ra những đường đứt gãy mới trong nền kinh tế toàn cầu.

Sự tháo chạy của dòng tiền Trung Quốc khỏi các nước phương Tây có thể làm giảm nguồn vốn mà các doanh nhân ở những nơi như Thung lũng Silicon có thể khai thác. Nói rộng hơn, sự thay đổi này là dấu hiệu của một thế giới trong đó toàn cầu hóa đang suy giảm và căng thẳng địa chính trị có nhiều khả năng gay gắt hơn.

Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc suy giảm

Dữ liệu của Liên hợp quốc cho thấy, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc giảm xuống còn khoảng 147 tỉ đô la vào năm 2022, thấp hơn 18% so với một năm trước đó. Điều này là do hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài giảm mạnh và Bắc Kinh thắt chặt các quy định để hạn chế dòng vốn chảy ra bên ngoài.

Bất chấp việc Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 vào cuối năm ngoái, các thương vụ M&A của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài khó có thể quay trở lại thời kỳ hoàng kim Lý do lớn nhất là căng thẳng địa chính trị đang gia tăng giữa Bắc Kinh với Mỹ và các đồng minh, những nước đang ngăn chặn nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc hơn vì lý do an ninh quốc gia.

Ở Trung Quốc, đồng nhân dân tế đang suy yếu đi, khu vực tư nhân đang gặp khó khăn và việc Bắc Kinh tập trung xây dựng nền kinh tế trong nước để tăng cường khả năng tự cung tự cấp cũng sẽ làm giảm dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, các nhà phân tích nhận định

“Nói chung, khả năng Trung Quốc hướng dòng tiền đầu tư sang các nền kinh tế phát triển đang bị thu hẹp”, Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng châu Á-Thái Bình của tại S&P Global Ratings, nói và dự báo dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc sẽ không tăng đáng kể trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng châu Á-Thái Bình của tại S&P Global Ratings

Thay vào đó, Trung Quốc có thể sẽ sắp xếp lại các khoản đầu tư để củng cố sự thống trị trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và xe điện. Điều đó có thể thúc đẩy Trung Quốc tăng gấp đôi đầu tư vào các thị trường mới nổi từ Đông Nam Á đến Trung Đông và Châu Phi, khi các chủ nhà máy Trung Quốc tìm kiếm địa điểm sản xuất để mở rộng hoạt động và tiếp cận khách hàng mới, còn Bắc Kinh tập trung vào các thị trường giàu tài nguyên.

Trong tháng này, BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, công bố kế hoạch đầu tư hơn 600 triệu đô la vào một số nhà máy ở Brazil.

Derek Scissors, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), cho biết, dù Mỹ không thấy “tiếc nhớ” nhiều khi dòng vốn của Trung Quốc tháo chạy, nhưng sự rút lui đó có thể gây tổn thương lớn hơn cho các nền kinh tế phương Tây quy mô nhỏ như Úc, Canada hoặc Hungary.

Sự suy giảm của dòng tiền đầu tư Trung Quốc cũng mang lại một số mặt tích cực cho các  nền kinh tế phương Tây. Chằng hạn, điều này có thể làm giảm hành vi đầu cơ làm tăng giá bất động sản, như đã xảy ra ở Canada, Mỹ và Úc trước đại dịch Covid-19.

“Khi nhà đầu tư Trung Quốc đổ tiền vào, thị trường bị chấn động. “Họ khiến mọi người tham gia vào trò chơi của họ và trả giá cao hơn cho các tài sản”, Jim Costello, nhà kinh tế trưởng của MSCI Real Assets, một công ty nghiên cứu bất động sản, nói.

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã châm ngòi cơn sốt đầu cơ tại các thị trường bất động sản bao gồm thành phố New York vào giữa thập niên trước. Tập đoàn bảo hiểm Anbang của Trung Quốc đã chi 1,95 tỉ đô la để mua khách sạn 5 sao Waldorf Astoria ở thành phố này vào năm 2015. Đó là thương vụ đầu tư khách sạn có giá trị cao kỷ lục ở Mỹ vào thời điểm đó

Năm 2018, chính phủ Trung Quốc tiếp quản ngay trước khi người sáng lập của tập đoàn này bị kết án 18 năm tù vì các tội danh về gian lận và lạm dụng quyền lực. Kế hoạch chuyển đổi Waldorf Astoria thành căn hộ cao cấp vẫn chưa được hoàn thành.

Chuyển hướng sang châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) gần đây suy giảm trên toàn thế giới, không chỉ từ Trung Quốc. Năm 2022, FDI toàn cầu giảm 14% so với một năm trước đó khi lạm phát, lo ngại suy thoái kinh tế và bất ổn thị trường tài chính khiến các khoản đầu tư bị đình trệ.

Một cơ sở sản xuất nickel tại Indonesia. Ảnh: WSJ

Nhưng mức suy giảm đầu tư ra nước ngoài củaTrung Quốc diễn ra mạnh mẽ hơn và  trong một thời gian dài hơn, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển, một dấu hiệu cho thấy sự tách rời kinh tế khỏi phương Tây.

Trước năm 2016, Bắc Kinh tích cực khuyến khích các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài để giúp mở rộng ảnh hưởng kinh tế. Các tập đoàn như HNA và Dalian Wanda đã rót tiền vào các ngân hàng toàn cầu, chuỗi khách sạn và rạp chiếu phim.

Tuy nhiên, đến năm 2016, những lo ngại về dòng vốn chảy ra bên ngoài và căng thẳng tài chính tại các tập đoàn Trung Quốc khiến Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát vốn và tăng cường giám sát các giao dịch M&A của các công ty.

Gần đây ,Trung Quốc càng siết chặt giám sát các thương vụ M&A ở nước ngoài khi quan hệ với phương Tây xấu đi. Washington và các đồng minh đang xung đột với Bắc Kinh về các vấn đề bao gồm an ninh quốc gia, thương mại và Đài Loan.

Trong năm 2016, các công ty và tổ chức nhà nước Trung Quốc đã thực hiện 120 khoản đầu tư vào nhóm G7, trong đó, 63 khoản đầu tư diễn ra ở Mỹ. Chúng bao gồm thương vụ thâu tóm nhà sản xuất máy in Lexmark (Mỹ) và nhà sản xuất robot Kuka (Đức).

Năm ngoái, chỉ có 13 khoản đầu tư của Trung Quốc vào các nước G7. Năm 2016, 84 tỉ đô la mà các công ty Trung Quốc chi cho các khoản đầu tư vào G7 chiếm khoảng một nửa tổng số tiền Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài.

Theo dữ liệu của AEI, năm 2022, đầu tư của các công ty Trung Quốc vào G7 đạt tổng cộng 7,4 tỉ đô la, tương đương 18% tổng đầu tư ra nước ngoài của nước này trong năm đó.

Bloomberg và Reuters đưa tin hãng xe điện Trung Quốc BYD đang có kế hoạch sản xuất ô tô điện ở Việt Nam.

Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu Rhodium Group và Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, trong năm 2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào châu Âu giảm xuống mức thấp nhất trong một thập niên, 8,8 tỉ đô la.

Ngành công nghiệp xe điện là điểm sáng hiếm hoi thu hút đầu tư của Trung Quốc, dù quy mô không đủ lớn để bù đắp cho các giao dịch đầu tư suy giảm ở những lĩnh vực khác.

Theo dữ liệu của AEI, các công ty và tổ chức nhà nước Trung Quốc đầu tư tổng cộng 24,5 tỉ đô la vào châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông trong năm 2022, tăng 13% so với năm 2021. Các giao dịch bao gồm khoản đầu tư 1,9 tỉ đô la của Tổng Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) ở Brazil, và các khoản đầu tư của các nhà sản xuất ô tô Great Wall Motor và BYD ở Thái Lan.

Trong nửa đầu năm nay, đầu tư ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc đạt tổng cộng 29,5 tỉ đô la, theo ước tính sơ bộ của AEI. Indonesia là nước nhận nhiều vốn đầu tư của Trung Quốc nhất, khoảng 17% con số đó, nhờ nắm giữ nhiều trữ lượng khoáng sản chiến lược bao gồm nickel, cần thiết để sản xuất pin xe điện.

Bảo Trâm (Theo WSJ)

Bài mới
Đọc nhiều