Tiến sĩ Lê Thẩm Dương bị “ném đá” khi phát ngôn: Ăn Tết nhà chồng là cổ hủ
Cộng đồng mạng đang tranh cãi vô cùng kịch liệt xung quanh quan điểm này của TS Lê Thẩm Dương.
Vốn là một diễn giả có tiếng, TS Lê Thẩm Dương thường xuyên đưa ra những câu nói thể hiện quan điểm vừa hài hước nhưng cũng rất sâu xa. Mới đây nhất, trong một talk show về chủ đề “Ăn Tết”, TS Dương lại tiếp tục có một phát ngôn để đời nhưng cũng rất gây tranh cãi: Ăn Tết theo nhà chồng là cổ hủ.
TS Dương nói: “Ăn Tết theo nhà chồng là cổ hủ. Theo quan niệm cũ, mang tính kinh thiên động địa, con gái lấy chồng là phải về nhà chồng. Con gái là cái giống đi ngủ lang. Nhưng đây là quan niệm của thế kỷ X. Con người ta khi sinh ra phải được quyền tự do, không ai ngăn cản. Về nội hay về ngoại là bình đẳng hai bên.
Nhưng hiện nay mọi người toàn về nội ăn Tết, điều này chưa phù hợp. Vì thế phong trào về ngoại ăn Tết là để cân bằng lại cái đang bị lệch. Tôi nghĩ rằng các chị em cần phải nhận thức lại. Quyền của mình là quyền con người, không thể vớ vẩn được.
Tiếp đó, cần phải tìm kiếm hạnh phúc cho ông bà già, cho đứa con của mình. Những người đàn ông không cho vợ mình về ngoại ăn Tết đang bị các giá trị cổ hủ đeo bám. Đây là quan niệm hoàn toàn không có cơ sở.
Ăn Tết nhà chồng vừa cổ hủ, vừa dốt nát, vừa trái đạo lý. Khi phụ nữ không được về ngoại ăn Tết họ sẽ già, xấu, cáu kỉnh. Lúc đó người ăn đủ chính là các ông chồng…”
Như vậy, theo ý của TS Dương thì việc về quê ăn Tết không nhất thiết phải một mực về bên nội mà có thể về ngoại cũng được. Tuy nhiên cách nói của TS Dương đang có phần hơi gay gắt nên đã vấp phải những ý kiến tranh cãi.
Phe thứ nhất thì cho rằng truyền thống, văn hóa của Việt Nam xưa nay vốn đã như vậy rồi, con gái lấy chồng thì thường sẽ ở nhà chồng ăn Tết sau đó sẽ sang ngoại ngày tùy vào điều kiện hoàn cảnh và thời gian. Không tính những ông chồng quá đỗi độc đoán thì hầu như gia đình nào cũng đều làm như vậy.
Như vậy, theo những người thuộc phe này thì cách nói của TS Dương hình như đang hơi quá đáng, ăn Tết nhà chồng chính là phong tục chứ không phải cổ hủ. Chỉ có điều xã hội hiện đại thì mình nên làm mọi thứ một cách hài hòa hơn thôi chứ truyền thống thì vẫn phải tôn trọng.
Phe thứ hai thì hoàn toàn ủng hộ TS Dương, cho rằng nội hay ngoại cũng đều là nhà mình, nếu năm nay ăn Tết bên nội thì sang năm có thể ở nhà ngoại. Có như vậy mới đảm bảo sự công bằng cho hai bên gia đình.
Phe thứ ba, tất nhiên sẽ là phe trung lập, cho rằng tùy vào tính chất công việc cũng như nguyên tắc thỏa thuận được của mỗi gia đình. Từ đó, các cặp vợ chồng có thể làm gì cũng được, miễn sao Tết là phải vui.
“Gần thì chia ngày sang thăm còn xa thì phải tích cách khác. Về khâu chuẩn bị Tết thì nhà nào neo người hơn sẽ ưu tiên bên đó, hai vợ chồng tự mà biết để cân bằng. Còn nếu nhắm không làm được việc này nữa thì thôi đừng cưới”.
“Tôi mà có đứa con dâu một hai đòi ở nhà chồng không về nhà khi cha mẹ đang cần thì trong mắt tui nó cũng chỉ là đứa con gái bất hiếu. Mà đã không có hiếu với bố mẹ đẻ thì lấy đâu ra đạo hiếu với nhà chồng”.
“Mình lấy chồng xa (hơn 200km) nhưng trước khi lấy 2 đứa đã nói rõ quan điểm. 1 năm Tết ngoại 1 năm Tết nội cứ thế mà triển. Vì xa nên cũng không thể nào chia ngày để về được nên ăn ở nhà nào thì cứ ăn hết Tết đến khi đi làm thì thôi. Còn trước Tết sẽ sắp xếp về nhà còn lại chơi trước vài ngày. Nhà nội có Tết thì nhà ngoại cũng có Tết”.
“Tết Nguyên Đán là cổ truyền của người Việt còn có nhiều phong tục, nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thần thánh nữa, mà đây cũng là cái riêng của từng dòng họ, từng dân tộc. Bởi vậy tôi thấy ông tiến sĩ này nói hơi tào lao quá trớn rồi, không hợp thuần phong mỹ tục dân mình chút nào cả”.
“Mùng 1 nhà nội, mùng 2 nhà ngoại thế thôi, ông này đòi chuyển về nhà ngoại ăn thì vẫn mất cân bằng. Rồi đến lúc đấy sẽ lại có 1 ông tiến sĩ nào đó nhoi lên đòi ăn nhà nội thôi, tiên tiến chứ không phải là thiên vị”.
Hiện cư dân mạng vẫn tiếp tục tranh cãi quan điểm này của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương.
Minh Ngọc