+
Aa
-
like
comment

Tiến sĩ John Walsh: Gói hỗ trợ lần 2 của Chính phủ Việt Nam nên dành cho những người “tiêu tiền ngay lập tức”

28/08/2020 09:33

“Điều cần thiết là phải khuyến khích mọi người bắt đầu chi tiền trở lại, đặc biệt là vào lĩnh vực dịch vụ, vì đây là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và có tỷ lệ thất nghiệp tồi tệ nhất” – Chuyên gia đánh giá.

Những thông tin về gói hỗ trợ kinh tế lần 2 của Chính phủ đang được nhắc đến nhiều trong những ngày qua, khi mà làn sóng Covid-19 thứ 2 đang khiến cho doanh nghiệp và người lao động Việt gặp khó khăn hơn nữa vì chưa kịp hồi phục sau lần 1.

Ở giai đoạn trước, Chính phủ đã đề ra gói hỗ trợ với 2 hình thức chính: một về tài khóa như giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất quy mô 180.000 tỷ đồng, và một gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả còn khá hạn chế.

Đề cập về gói hỗ trợ lần 2, Tiến sĩ John Walsh – Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh Quốc tế, Đại học RMIT đã chia sẻ một số ý kiến.

Nhiều nhà kinh tế, chuyên gia đang đề xuất gói hỗ trợ kinh tế lần 2. Theo ông, gói hỗ trợ lần 2 có cần thiết không khi mà gói hỗ trợ lần 1 còn nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp – người dân chưa tiếp cận được?

Câu trả lời là có vì đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế vẫn đang diễn ra. Vì vậy, Chính phủ cần phản ứng theo kịp với hoàn cảnh thay đổi.

Tất nhiên, rất phức tạp và khó khăn để đảm bảo rằng mọi người đều nhận được sự giúp đỡ ngay khi họ cần, nhưng đây không phải là thời điểm để dừng lại. Đây là lúc cần phải quyết tâm hành động để giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển vì mục tiêu ổn định xã hội và đảm bảo mức sống của mọi người dân Việt Nam.

Điều quan trọng là phải học được từ gói cứu trợ lần 1 và những gì các Chính phủ trên thế giới đã và đang làm. Rõ ràng rằng việc giảm thuế cho những cá nhân hoặc tổ chức không cần đến là một cách sử dụng tài nguyên không hiệu quả.

Trong khi đó, hỗ trợ cho những người sẽ tiêu tiền ngay lập tức sẽ giúp tốc độ lưu thông tiền tệ tăng lên và giúp cải thiện niềm tin vào tình hình thực tế – và niềm tin là yếu tố quan trọng để cố thoát khỏi suy thoái kinh tế.

Người dân, doanh nghiệp nên được hỗ trợ như thế nào nếu có gói hỗ trợ lần 2? Theo ông, quy mô của gói hỗ trợ này nên là bao nhiêu?

Tôi không nghĩ rằng thực sự hữu ích khi nghĩ về các con số hoặc mục tiêu khi lên kế hoạch làm thế nào để cung cấp thêm các gói kích thích tài chính.

Như chúng ta đã thấy từ khắp nơi trên thế giới, các Chính phủ đã chi tiêu nhiều tiền hơn mức họ có thể đã tưởng tượng cách đây 6 tháng. Nhưng có một mối nguy còn cao hơn, đó là người dân chi tiêu quá ít trong dịch bệnh. Điều này dẫn đến những gì đã chi không mang lại lợi ích gì về tổng thể hoặc cho bất kỳ lĩnh vực nào.

Điều cần thiết là phải khuyến khích mọi người bắt đầu chi tiền trở lại, đặc biệt là vào lĩnh vực dịch vụ, vì đây là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và có tỷ lệ thất nghiệp tồi tệ nhất.

Nếu mọi người bắt đầu tỏ ra tin tưởng vào lĩnh vực này, thì những người đã rời thành phố trở về các vùng nông thôn để làm nông có thể được khuyến khích quay trở lại thành phố. Việc này sẽ hỗ trợ khơi dòng vốn từ thành phố về nông thôn. Điều này cũng mang lại lợi ích trong việc hỗ trợ lao động nữ và những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương – những người đầu tiên bị thuyên chuyển khi lao động nam bị mất việc.

Ví dụ, Chính phủ có thể phân phát phiếu quà tặng cho người dân dùng bữa tại nhà hàng hoặc sử dụng dịch vụ cắt tóc (trong môi trường an toàn) để khuyến khích các ngành này phát triển trở lại.

Gói hỗ trợ lần 2 cần cải tiến hay rút kinh nghiệm gì từ lần 1?

Mặc dù có thể xảy ra các trường hợp tiêu cực khi đưa ra các gói hỗ trợ (tức là một số người hoặc tổ chức sẽ tìm cách gian lận), tôi nghĩ rằng sự hỗ trợ nên nhằm vào các lĩnh vực và ngành nghề cụ thể hứa hẹn khả năng phục hồi và phát triển nhanh chóng.

Một số doanh nghiệp dựa vào xuất khẩu sẽ nằm trong danh mục này nhưng cần có sự tham vấn nhiều hơn với chính quyền địa phương, đại diện doanh nghiệp và người lao động để xác định nơi nào, trong các cộng đồng địa phương và khu vực, gói hỗ trợ sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất.

Việt Nam không phải là một quốc gia đồng nhất với các tỉnh thành giống nhau, vì thế gói kích cầu mỗi nơi không nên giống nhau. Việc truyền thông hiệu quả sẽ rất quan trọng trong quá trình này để đảm bảo mọi người đều cảm thấy được quan tâm.

Theo ông, Chính phủ có nên giải cứu các doanh nghiệp lớn để làm động lực kéo các doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi cùng hồi phục hay không?

Tại Diễn đàn Kinh doanh Quốc tế 2020 diễn ra vào ngày 26/8 do Đại học RMIT tổ chức, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên đã giải thích rằng hỗ trợ các doanh nghiệp lớn là một phần trong chiến lược của Chính phủ thay vì nhắm đến các doanh nghiệp nhỏ đầu tiên.

Cách tiếp cận này mang lại một số hiệu quả tốt hơn vì các tập đoàn lớn dễ tiếp cận và truyền thông nhất, đồng thời việc đo lường tiến độ sau khi nhận được hỗ trợ cũng thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, khi có thể và xét trên thực tế, Chính phủ cũng nên lưu ý các vấn đề công bằng trong việc hỗ trợ những người cần đến gói cứu trợ nhất. Điều này có thể thực hiện như một chiến lược song song và một trong những công việc của Chính phủ là nên giải thích cho người dân hiểu Chính phủ đang làm gì và tại sao.

TTT

Bài mới
Đọc nhiều