+
Aa
-
like
comment

Tiền ở đâu mà “tuồn” trái phép ra nước ngoài lắm thế?!

21/12/2020 06:27

Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03), Công an TP Hà Nội vừa lập chuyên án đấu tranh và đã khởi tố vụ án “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, khởi tố 10 bị can.

Tiền ở đâu mà tuồn trái phép ra nước ngoài lắm thế?! - 1

Trong Thư khen, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, đây là chiến công xuất sắc của Cơ quan Cảnh sát điều tra trong cuộc đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Tính chất vụ án ở mức độ “nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời gian dài”. Phương thức, thủ đoạn của các bị can “hết sức tinh vi” để chuyển số tiền đặc biệt lớn (gần 30.000 tỷ đồng) từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép, nhằm che giấu hành vi phạm tội khác.

Do chưa có thông tin cụ thể về hồ sơ vụ án, đồng thời, vụ án này cũng đang được lực lượng công an tiếp tục điều tra mở rộng nên chúng ta cần thêm thời gian để theo dõi.

Tuy nhiên, con số gần 30.000 tỷ đồng được đề cập đến cũng đã đủ khiến người ta phải giật mình. Tiền đâu mà lắm thế?! Nguồn gốc tiền này đến từ đâu? Các đối tượng cố gắng “tuồn” số tiền khổng lồ này ra khỏi Việt Nam để nhằm mục đích gì? Đơn giản là tránh thuế, trốn thuế hay còn mục đích khác? Những “hành vi phạm tội khác” mà nhóm tội phạm muốn che giấu cụ thể là gì?

Hàng loạt câu hỏi đang chờ trả lời và chắc chắn sẽ có câu trả lời trước công luận.

Cũng từ vụ án này, mới thấy “tài sản ẩn náu” rất lớn trong nền kinh tế và hoạt động vận chuyển tiền trái phép ra nước ngoài là một trong những hình thức tránh thuế tinh vi.

Các vụ “rửa tiền” của tội phạm giờ đây cũng “tiến hóa” theo sự phát triển của kinh tế và công nghệ. Khi kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, khi các công cụ tài chính mới ngày càng phát triển thì hoạt động chuyển tiền từ nước này sang nước khác diễn ra có khi chỉ trong nháy mắt, trong số đó, ngoài dòng tiền sạch không loại trừ còn cả “tiền bẩn”. Để đưa những tài sản, những khoản thu nhập trong bóng tối ra ánh sáng cần những nỗ lực không ngừng nghỉ.

Thế nên, hệ thống pháp luật cần liên tục được rà soát; trình độ của cơ quan chức năng và cơ quan điều tra cũng cần không ngừng nâng cao nhằm phát hiện tội phạm.

Có một quy luật là tham nhũng, rửa tiền và kinh doanh bất chính thường cấu kết và tiếp sức cho nhau. Từ những vụ phá án như vừa qua sẽ góp phần đáng kể trong việc phát hiện các hành vi phạm tội khác. Tin rằng, sẽ không có tội phạm nào bị bỏ lọt!

Bích Diệp/DT

Bài mới
Đọc nhiều