Tiền lương của người lao động sẽ có cách tính mới
Theo bộ trưởng Bộ Lao động, người lao động và chủ sở dụng lao động thỏa thuận lương trên căn cứ sự phát triển, thu nhập phúc lợi của người lao động, mức lương tối thiểu vùng.
Tiếp tục trả lời chất vấn sáng 11-11, bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung giải đáp những vấn đề được các đại biểu quan tâm về khôi phục thị trường lao động, cơ cấu lại lực lượng lao động, nâng cao thu nhập, sức khỏe để người lao động tái tạo sức lao động.
Trước thực trạng thu nhập và chất lượng bữa ăn ca còn thấp, không đảm bảo tái tạo sức lao động mà đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) đặt ra, bộ trưởng Dung cho hay tới đây sẽ thực hiện cải cách căn bản tiền lương.
Theo đó, điểm mới là tiền lương được xác định lương trên cơ sở giá cả sức lao động, trên nguyên tắc thị trường, có bàn tay can thiệp nhất định của nhà nước nhưng ở mức cho phép. Đề cao vai trò tự chủ của người lao động, doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động quyết định thang bảng lương, nhà nước không quyết định.
Người lao động và chủ sở dụng lao động thỏa thuận lương trên căn cứ sự phát triển, thu nhập phúc lợi của người lao động, mức lương tối thiểu vùng. Đó là mức sàn tối thiểu nhà nước đặt ra bắt buộc đơn vị chủ sử dụng lao động không được đưa ra mức thấp hơn. Người lao động có quyền chấp nhận hay không chấp nhận khi thỏa thuận này không đạt yêu cầu.
“Đương nhiên chúng tôi hiểu người lao động ở thế yếu, nên sẽ nâng cao vai trò ba bên là cơ quan quản lý nhà nước, đại diện giới chủ, tổng liên đoàn lao động. Theo đó, việc điều chỉnh mức lương dựa trên mức độ tăng năng suất lao động, khả năng chi trả, mức tăng giá cả, thỏa thuận hai bên”.
Với mô hình 3 tại chỗ được triển khai mà đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu ra, bộ trưởng Dung khẳng định: Quan điểm của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia là không áp đặt cho bất cứ doanh nghiệp nào, địa phương và doanh nghiệp xem xét thực tế cho phù hợp để lựa chọn, với tinh thần sản xuất để an toàn, an toàn để sản xuất.
“Đúng là mô hình này chỉ phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ phù hợp trong thời gian ngắn, vì chi phí quá lớn”, bộ trưởng Dung nhìn nhận.
Không thỏa mãn với phần trả lời này, đại biểu Phạm Văn Hòa tranh luận lại khi cho rằng mô hình này đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và đặt câu hỏi bộ trưởng có giải pháp gì để tháo gỡ.
Bộ trưởng Dung khẳng định tiếp thu góp ý của đại biểu và đưa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vào chương trình phục hồi tổng thế kinh tế trong thời gian tới.
Cũng tại phiên chất vấn, giải trình thêm về giải pháp để ly nông không ly hương, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng phụ thuộc vào việc thu hút đầu tư nông nghiệp có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, để thu hút được thì phải có quy hoạch tốt, thủ tục đầu tư, công tác xúc tiến đầu tư, nhân lực, hạ tầng, định hướng đầu tư, có sự hỗ trợ trung ương và nỗ lực của địa phương…
Tham gia trả lời, phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cho rằng qua đợt dịch này đã bộc lộ nhiều vấn đề còn tồn tại như nhà ở công nhân, các công trình phúc lợi, đào tạo nghề, nên tới đây Chính phủ sẽ bàn để báo cáo Quốc hội các vấn đề lớn.
Theo đó, để thu hút lao động quay trở lại, ông Đam cho rằng cần rà soát quy định sao cho an toàn nhưng linh hoạt, đặc biệt là xét nghiệm, quản lý F0, F1… Gắn với đó, cần đưa ra quy định mang tính tạm thời như tăng số giờ làm thêm, chủ động kết nối người lao động muốn quay trở lại…
“Cùng với xây dựng nhà ở cho công nhân, chúng ta phải chấp nhận từ bỏ dần lao động giá rẻ. Đương nhiên có sự ảnh hưởng chiến dịch thu hút FDI, nhưng nếu có chiến lược đúng thì chắc chắn vẫn giữ chân được nhà đầu tư”, ông Đam nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các thành viên Chính phủ làm rõ hơn trách nhiệm nhà nước trong việc để dân về tự phát, nguyên nhân chủ quan, khách quan, cam kết tới đây thế nào, đòi hỏi phải có câu trả lời thỏa đáng.
Khai Tâm