+
Aa
-
like
comment

Tiền đổ vào chứng khoán đến từ đâu?

04/06/2021 07:02

Số tài khoản tăng mạnh, thanh khoản vượt 30.000 tỷ/phiên, trong khi thanh khoản ngân hàng không còn dồi dào như trước là những dấu hiệu cho thấy tiền đang được đổ vào TTCK.

Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), số tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước mở mới tháng 5 lên tới 113.674 tài khoản, mức cao nhất từ trước đến nay.

So với tháng liền trước, số tài khoản mở mới tháng 5 cao hơn 3,2% và là tháng thứ 3 liên tiếp ghi nhận trên 100.000 tài khoản mở mới/tháng.

Trong số 113.674 tài khoản chứng khoán trong nước được mở mới tháng 5, số tài khoản do các nhà đầu tư cá nhân đứng tên là 113.543 tài khoản và 131 tài khoản còn lại là do các tổ chức trong nước đứng tên.

Tien do vao chung khoan den tu dau? anh 1
Một phần dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán thời gian qua đến từ việc giảm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.

Tiền đổ vào chứng khoán

Tính từ đầu năm, nhà đầu tư trong nước đã mở 480.490 tài khoản giao dịch chứng khoán mới, cao hơn 20% số lượng mở mới cả năm 2020 trước đó (393.659 tài khoản).

Theo các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán VNDirect, số liệu trên cho thấy chứng khoán đang ngày càng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất huy động đang ở mức thấp và dự kiến không tăng nhiều trong thời gian tới. Cùng với đó, kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng đang bị siết lại do Nghị định 81 có hiệu lực từ đầu tháng 9/2020.

Ngoài ra, các yếu tố vĩ mô cũng đang hỗ trợ thị trường chứng khoán như tăng trưởng kinh tế dương; các tổ chức xếp hạng tín dụng nâng triển vọng; định giá thị trường hấp dẫn; và triển vọng được nâng hạng lên thị trường mới nổi MSCI Emerging Markets trong 2 năm tới…

Đáng chú ý, sự gia nhập của các nhà đầu tư F0 đã cân bằng lại áp lực bán hơn 1 tỷ USD của các nhà đầu tư nước ngoài từ tháng 3/2020. Dòng tiền lớn từ nhà đầu tư F0 cũng giúp thanh khoản thị trường tăng liên tục và vượt 1 tỷ USD những phiên gần đây.

Dòng tiền gần 37.000 tỷ đồng trong phiên 3/6 cũng là mức thanh khoản cao nhất trong lịch sử hơn 2 thập niên vận hành của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong phiên liền trước, thanh khoản ghi nhận trên thị trường cũng đạt trên 30.000 tỷ đồng.

Thực tế, thanh khoản chứng khoán đã được cải thiện rất nhiều từ đầu năm nay. Giá trị giao dịch bình quân trên 2 sàn HoSE và HNX hết tháng 5 đã ở mức 20.400 tỷ đồng/phiên, gấp 4 lần cùng kỳ và gấp 3 lần bình quân năm 2020.

Tiền đến từ đâu?

Dòng tiền lớn đổ vào chứng khoán, trong khi tỷ lệ huy động vốn của các ngân hàng ở mức thấp khiến nhiều chuyên gia cho rằng một phần dòng tiền gửi tiết kiệm đã được chuyển qua kênh chứng khoán.

Điều này dẫn tới tình trạng lãi suất tăng trên thị trường liên ngân hàng khi thanh khoản các nhà băng không còn dồi dào như trước.

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần cuối tháng 5 của SSI Research cho biết lãi suất liên ngân hàng đã tăng 0,03-0,09 điểm %, chốt tuần ở mức 1,36%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,44%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Đây là lợi suất cho vay liên ngân hàng cao nhất từ đầu năm. So với cuối tháng 4, mức này cũng đã cao hơn 0,35-0,53 điểm %.

Điều này cho thấy cung cầu trên liên ngân hàng chưa đến mức căng thẳng nhưng nguồn cung VND của các ngân hàng thương mại lớn đã hạn chế hơn giai đoạn trước.

Hiện lãi suất tiền gửi vẫn phổ biến ở mức 2,8-4%/năm với kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng; 3,5-5,4%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; và 4,6-6,5%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp khiến tăng trưởng huy động 1 tháng gần đây dù đã tích cực nhưng so với quý I nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, đạt 2,32% đến 22/4.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI cũng cho rằng nguyên nhân giúp thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh từ đầu năm là do lượng tiền chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang thị trường chứng khoán rất lớn.

Đây cũng là lý do dù các công ty chứng khoán đã hết margin nhưng thị trường vẫn tăng.

Một chỉ số khác cho thấy dòng tiền đang đổ vào chứng khoán là số thu thuế từ lĩnh vực này tăng đột biến.

Tổng cục Thuế cho biết trong tháng 5 và lũy kế 5 tháng từ đầu năm, bất chấp tình hình dịch bệnh, số thu ngân sách do cơ quan Thuế quản lý vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, số thu riêng tháng 5 ước đạt 73.000 tỷ đồng, tương đương 6,5% dự toán và tăng 20,1% so với cùng kỳ.

Ngoài nguyên nhân kinh tế có xu hướng phục hồi từ cuối năm 2020, Tổng cục Thuế cho biết việc phát sinh các nguồn tăng thu khá từ ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… là nguyên nhân chính góp phần tăng thu cho ngân sách giai đoạn này.

Số liệu tại Cục Thuế TP.HCM cũng cho biết số thu thuế từ lĩnh vực chứng khoán đã tăng đột biến 221,3% trong 4 tháng đầu năm, góp phần đưa số thu thuế thu nhập cá nhân tăng 7,12%.

Ông Nguyễn Duy Minh, Vụ phó Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân cho biết số thuế thu từ chứng khoán không cao trong tổng thu thuế thu nhập cá nhân, nhưng gần đây số thu này đã tăng lên rất nhiều do thị trường chứng khoán thu hút nhiều người tham gia.

Doanh số giao dịch chứng khoán tăng cao gấp 2-3 lần sẽ góp phần tăng số thu ngân sách từ hoạt động này.

Quang Thắng

Bài mới
Đọc nhiều