Tiền bồi thường oan sai: Bao nhiêu là đủ?
Những giọt nước mắt chia sẻ của nữ phạm nhân “Ngọc Miu” trong vụ buôn ma túy chấn động do Dương Văn Kính cầm đầu nhận được sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây. Có lẽ những ngày tháng sau 4 bức tường và chiếc còng số 8 đã bào mòn đi sự ngoan cường, cố chấp của một nữ phạm nhân từng cười rất tươi khi tòa tuyên án. Chỉ còn là sự ăn năn hối cải. Đấy là đối với những người phạm tội, nhưng còn với những người bị oan sai thì những ngày tháng ấy sẽ thế nào?
Có lẽ rất nhiều người vẫn chưa quên được ông Huỳnh Văn Nén, người bị kết án oan sai trong vụ án giết người và cướp tài sản vào tháng 4/1998 mà nạn nhân là bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh) huyện Hàm Tân. Ông Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang, người bị kết án oan với mức hình phạt tù chung thân trong vụ án giết người và cướp tài sản tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang).
Lời người xưa đã nói “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (một ngày trong tù bằng nghìn ngày ở ngoài đời). Vậy mà ông Nguyễn Thanh Chấn có hơn 3600 ngày, và ông Huỳnh Văn Nén với hơn 6100 ngày tù tội, đã phải nếm trải biết bao những đắng cay, tủi nhục của oan sai. Khó có thể một giá nào bù đắp được những tổn thất đó. Đời người sống được bao lâu. Oan sai mấy chục năm như vậy còn gì là cuộc đời. Công danh, sự nghiệp, cuộc sống riêng tư cũng xem như chấm hết. Án oan khiến cả gia đình lâm vào cảnh đau thương.
Điều đáng nói là không chỉ ông Nén, ông Chấn mà thời gian gần đây vẫn còn rất nhiều vụ án oan sai xảy ra, buộc các cơ quan liên quan hoạt động tố tụng phải trực tiếp xin lỗi công khai và bồi thường người bị oan. Nhiều ý kiến cho rằng, những vụ án oan sai là do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không đi tìm chứng cứ gỡ tội trước mà chỉ tập trung đi tìm các chứng cứ buộc tội, không áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội hay còn gọi là giả định vô tội.
Một đại diện TAND đã thẳng thắn: “Chúng tôi thừa nhận sai sót đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng này, thừa nhận khuyết điểm và xin chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên điều dư luận trông đợi hơn khi lời đó được trở thành hiện thực và nó không dừng lại ở đại từ nhân xưng. Trước hết phải nói đến trách nhiệm của luật pháp, phải thực sự khắt khe… Quy trách nhiệm từng người, từ điều tra, kiểm sát, đến người tuyên án. Chứ trách nhiệm thì “cá nhân” mà bồi thường để nhà nước gánh thì ai tuyên án chả được. Phải buộc các cán bộ gây oan sai làm việc trả nợ cho nhà nước thì mới có thể chấm dứt được án oan sai.
Đáng buồn là khi quy định chưa rõ ràng về trách nhiệm thì những người bị oan sai không những bị tai tiếng mà còn phải mòn mỏi chờ đợi tiền bồi thường. Có những người ngồi tù oan 40 năm và mất thêm 6 năm nữa để được nhận vài chục đến vài trăm triệu tiền bồi thường. Có người ngồi tù cả chục năm trời, may còn sống ra tù được giải oan thì cũng phải lận đận mới được xin lỗi, bồi thường, nhưng có thấm vào đâu với những ngày tháng trong tù. Cuộc đời họ không còn gì ngoài từ bi đát.
May mắn rằng, trong bối cảnh ấy, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mới đây đã chỉ đạo mỗi phán quyết, quyết định của tòa án liên quan đến sinh mạng chính trị và thậm chí là sinh mạng con người, vì thế không được để xảy ra oan, sai trong buổi làm việc với ngành Tư pháp.
Soi chiếu với tình hình thực tế đang diễn ra tại ngành Tư pháp thì đây là một chỉ đạo hết sức cấp thiết nhằm đem lại công bằng cho một bộ phận công dân đang bị tước đi rất nhiều quyền lợi từ 2 từ “án oan”. Là một người trẻ, có nhiều thời gian tiếp xúc và lắng nghe dư luận tin tưởng rằng một khái niệm mới về sửa chữa oan sai sẽ được “khai sinh” từ nhiệm kỳ của tân Chủ tịch nước.
Công Luân