Tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 có phải trả tiền hay không?
Nhiều người băn khoăn liệu khi triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 thì có phải mất phí hay không?
Tính đến thời điểm này, độ bao phủ mũi 1 vaccine COVID-19 trên toàn quốc ước khoảng 80%, mũi 2 xấp xỉ 40%.
Bài toán về tiêm nhắc mũi 3 được đặt ra khi những mũi tiêm đầu tiên đã được 8 tháng (tháng 3/2021), trước lo ngại về hết hiệu lực bảo vệ của vaccine phòng COVID-19. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, liệu có nên đưa ra chính sách tiêm dịch vụ với mũi thứ 3, bởi nhu cầu hiện nay là có thật?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có thông tin thêm xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết, đến thời điểm này, Bộ Y tế đã tính đến bài toán tiêm mũi thứ 3, mũi 4 cho những trường hợp đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19?
Tổ chức Y tế thế giới, các nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19 đến giờ vẫn chưa có bất kỳ hướng dẫn về tiêm vaccine mũi 4. Chỉ có một số loại vaccine được nhà sản xuất hướng dẫn tiêm mũi 3 nhắc lại.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đã giao cho Cục Y tế dự phòng cùng Hội đồng vaccine của Bộ họp để xem xét về hiệu lực bảo vệ của vaccine, sau đó mới đưa ra khuyến cáo. Từ đó, Bộ Y tế mới có cơ sở đưa ra hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Hiện nay, để chủ động trong kế hoạch vaccine, Bộ Y tế vẫn đề nghị các địa phương rà soát, dự kiến thống kê số lượng người đã tiêm đủ liều cần nhắc lại mũi 3, mũi 4. Theo ước tính của Bộ Y tế, dự kiến có khoảng 40 – 50% số người đã tiêm mũi 2 sẽ tiêm mũi 3. Tuy nhiên, hướng dẫn cụ thể còn phải chờ khuyến cáo của Hội đồng vaccine.
Trong kế hoạch tiêm chủng vaccine năm 2022, Bộ Y tế xây dựng cũng đã tính đến nhóm tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4, tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi và đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ hơn dưới 12 tuổi.
Nhiều người lo lắng hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm sau nhiều tháng được tiêm mũi 1 và mũi 2, vậy thực tế hiệu quả bảo vệ kéo dài bao lâu, thưa ông?
Đó chính là lý do hiện Bộ Y tế đang giao cho Hội đồng vaccine họp, đánh giá, tính toán về hiệu lực bảo vệ của vaccine phòng COVID-19, đồng thời từ đó có khuyến cáo về vấn đề này.
Hiện nay, theo khuyến cáo của một số đơn vị sản xuất vaccine, cần thiết tiêm nhắc lại sau 8 – 12 tháng. Nhưng đó mới chỉ là khuyến cáo, còn triển khai cụ thể ra sao, chúng tôi còn chờ Hội đồng vaccine họp và đưa ra khuyến cáo cụ thể.
Ông có thể cho biết rõ hơn về Kế hoạch tiêm chủng vaccine COVID-19 năm 2022?
Hiện, kế hoạch này Bộ Y tế đang hoàn thiện, xin ý kiến thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, sau đó tiếp thu, hoàn trình và trình Phó Thủ tướng Chính phủ.
Có thể nói, để phủ mũi 1 và mũi 2 thời gian qua, cùng với ngân sách Nhà nước thì nguồn lực từ huy động đóng góp của người dân, doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, đến nay có lẽ sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp sẽ không còn được như trước, bởi tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế là quá lớn. Theo ông, liệu chúng ta có thể tính đến tiêm dịch vụ hay không?
Hiện nay, vaccine phòng COVID-19 vẫn nằm trong kế hoạch tiêm chủng chống dịch, người dân được tiêm miễn phí và đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa tính đến đề xuất tiêm vaccine phòng COVID-19 dịch vụ.
Bộ Y tế đang hoàn thiện trình kế hoạch năm 2022, trong đó, chi phí toàn bộ về tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn sẽ được ngân sách chi trả. Còn lâu dài, nếu dịch bệnh COVID-19 trở thành bệnh lây nhiễm thích ứng thông thường thì khi đó sẽ có giải pháp phù hợp.
Trong năm 2021 này, chúng ta có gần 200 triệu liều vaccine COVID-19. Trong đó, có thỏa thuận, ký kết với các nguồn mua (Pfizer 51 triệu liều, Astra Zeneca 30 triệu, Sinopharm được tài trợ 35 triệu liều và một phần đặt mua); theo cơ chế COVAX (hơn 38 triệu liều) và vaccine ngoại giao viện trợ từ các nước.
Riêng với tiêm mũi 3, Bộ Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch, tuy nhiên, hiện nay một số tỉnh, thành phố chưa phủ vaccine mũi 1, trong khi địa phương khác đòi tiêm mũi 3, như vậy là đã nhìn thấy sự thiếu công bằng.
Chúng tôi đã nhắc TP Hồ Chí Minh cần thận trọng, việc này tạo nên bất bình đẳng giữa các vùng.
Bộ Y tế sẽ lập kế hoạch đảm bảo tiêm phủ 3 mũi cho người dân và tiêm vaccine cho trẻ em.
Hiện, kế hoạch vẫn phụ thuộc vào nguồn cung vaccine, đến khi phủ hết được mũi 1, mũi 2 sẽ tiêm mũi 3 cho các vùng trọng điểm trước. – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Vậy, nguồn vaccine COVID-19 cho kế hoạch dài hơi dự kiến ra sao, liệu có đảm bảo nguồn cung cho tiêm mũi 3, mũi 4 không, thưa ông?
Hiện nay, độ phủ vaccine mũi 1 đạt khoảng 80%, mũi 2 trên 30%. Mục tiêu đến cuối năm 2021 đạt trên 70% mũi 2. Theo cam kết của các nhà cung cấp và nhà tài trợ đã ký kết, khả năng có thể đạt mục tiêu đặt ra, thậm chí có thể gối sang đầu năm 2022.
Tuy nhiên, thực tế các nhà cung cấp đều có điều khoản có thể cung cấp không đúng thời gian hoặc số lượng như cam kết bởi trong điều kiện cả thế giới khan hiếm vaccine, nhu cầu về vaccine lớn hơn so với tiềm lực, khả năng sản xuất, cung cấp vaccine. Bộ Y tế tiếp tục nỗ lực tiếp cận, đàm phán để có được nguồn vaccine sớm nhất trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nguồn vaccine sản xuất trong nước từ chuyển giao công nghệ và nghiên cứu sản xuất khả năng đưa vào sử dụng trong năm tới, góp phần giúp chúng ta chủ động về nguồn cung vaccine COVID-19.
Trong đó, nguồn vaccine Spunik của Nga chuyển giao công nghệ cho đơn vị Vaibiotech dự kiến có thể sản xuất, cung ứng trong nước từ cuối năm 2021.
Còn 3 vaccine hiện đang trong các giai đoạn thử nghiệm giai đoạn 2 – 3, cụ thể vaccine Nanocovax (Nanogen) và vaccine ART-154 (Vin) đang dần hoàn thiện giai đoạn 3 và vaccine Covivac (Ivac) đang thử nghiệm giai đoạn 2… với nhiều hi vọng thành công.
Hiện, các đơn vị sản xuất vaccine trong nước phải báo cáo năng lực sản xuất, chủng loại vaccine và đánh giá hiệu lực của vaccine. Từ đó, Bộ Y tế tổng hợp, trên cơ sở cân đối nguồn vaccine năm 2022, sẽ thông báo cho các đơn vị sản xuất trong nước biết để họ có thể có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Cảm ơn ông!
PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR):
Chỉ nên tiêm dịch vụ khi đạt miễn dịch cộng đồng
Cần nhìn lại quy mô nguồn lực Nhà nước đã và sẽ chi trả cho chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 quốc gia tới nay là bao nhiêu, kế hoạch tiêm mũi 3, mũi 4 như thế nào.
Trên cơ sở tính toán, cân đối, nếu nguồn lực dành để tiêm vaccine không nhiều so với các khoản chi ngân sách khác thì Nhà nước có thể tiếp tục thực hiện tài trợ miễn phí cho người dân.
Tiêm phòng vaccine cũng là trường hợp đặc biệt nếu để người dân tự chi trả, những đối tượng yếu thế có thể lựa chọn không tiêm dẫn tới khó khăn cho chiến lược phòng chống đại dịch, thậm chí là bị thất bại.
Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn vaccine khan hiếm, chưa trở thành sản phẩm thương mại phổ biến, các hãng sản xuất vaccine vẫn chủ yếu làm việc với chính phủ, thì hoạt động tiêm dịch vụ cũng khó khả thi. Do đó, tiêm dịch vụ chỉ nên áp dụng khi tỷ lệ người dân được tiêm chủng đã đạt mức miễn dịch cộng đồng, từ 70% dân số trở lên tiêm đủ 2 mũi, các nhà cung cấp sẵn sàng bán cho các doanh nghiệp tư nhân.
Khi đó, cũng giống như các loại vaccine khác, chúng ta vẫn triển khai hai loại hình song song là tiêm chủng mở rộng miễn phí và dịch vụ, vừa đảm bảo quyền người dân tự quyết định lựa chọn loại vaccine, vừa đảm bảo phòng dịch bền vững.
Viết Hòa