Tiềm lực quân sự Trung Quốc và chiêu trò tăng cường sức mạnh, củng cố tham vọng
Mới đây, trang SCMP đưa tin, Trung Quốc đang đẩy mạnh kế hoạch đưa quân đội nước này thành một lực lượng chiến đấu hiện đại vào năm 2027, giữa lúc căng thẳng với Mỹ đang tiếp tục leo thang.
Theo đó, không chỉ tăng mạnh ngân sách quốc phòng, Trung Quốc còn đang tìm cách tăng cường “bảo vệ pháp lý mạnh mẽ hơn đối với an ninh và quyền” của nước này trong các khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Đặc biệt hơn, với tham vọng cực lớn, Trung Quốc cũng đang “nhăm nhe” tăng cường lực lượng quân sự cả những nơi mà nước này tuyên bố chủ quyền phi pháp như Biển Đông, Hoa Đông.
Tiềm lực quân sự
Trong một báo cáo về quân đội Trung Quốc vào năm 2020, Mỹ từng cho biết tiềm lực quân sự của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể trong 20 năm với chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang đầy tham vọng của nước này.
Cũng theo báo cáo trên, Trung Quốc về cơ bản đang sở hữu một lực lượng vũ trang hiện đại, điều này khiến các nhà hoạch định của Mỹ cảm thấy không thoải mái. Chưa dừng lại, Trung Quốc còn là quốc gia hiện đang sở hữu hạm đội tàu chiến lớn nhất thế giới và sẽ sớm vượt mặt Mỹ nếu họ chế tạo được tàu sân bay hạt nhân.
Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng các quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới 2021 của Global Firepower, Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ 3, xếp sau Nga và Mỹ.
Cũng theo báo cáo trên của Mỹ, lục quân là “xương sống” của quân đội Trung Quốc và đây cũng là lực lượng mặt đất có quy mô lớn nhất thế giới với hơn 975.000 quân nhân. Lục quân Trung Quốc về cơ bản này được biên chế thành 13 quân đoàn có quy mô như tập đoàn quân, một số đơn vị có quân số tương đương các quân đoàn của quân đội Mỹ (từ 20.000 đến 45.000 quân)
Một quân đoàn bao gồm 78 lữ đoàn vũ trang tổng hợp, mỗi lữ đoàn có thể có tới 5.000 binh sĩ. Đây được xem là quốc gia có số lượng quân số đông nhất thế giới.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng được mệnh danh là cường quốc hải quân số 1 thế giới.
Theo đó, quy mô của hải quân Trung Quốc đang đứng đầu thế giới và một phần nào đó vượt mặt Mỹ. Bắc Kinh sở hữu hơn 350 tàu chiến các loại, đa phần đều là các tàu chiến đa năng với các hệ thống vũ khí chống hạm, phòng không trên hạm cho đến chống ngầm tiên tiến.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang sở hữu hạm đội với 2 tàu sân bay (1 một tàu khác đang đóng), 1 tàu tấn công đổ bộ (2 tàu khác sắp được biên chế), 8 tàu đổ bộ cỡ lớn, 50 tàu khu trục, 46 khinh hạm, 72 tàu hộ vệ, hơn 100 tàu tên lửa, 79 tàu ngầm tấn công (bao gồm cả tàu ngầm tấn công hạt nhân và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo).
Ngoài lực lượng tàu chiến đông đảo, hải quân Trung Quốc còn được biên chế thêm 6 lữ đoàn hải quân dánh bộ (khoảng 50.000 quân) và không quân hải quân với hơn 700 máy bay các loại.
Riêng không quân Trung Quốc và không quân hải quân Trung Quốc là lực lượng không quân lớn thứ 3 trên thế giới, có quy mô hơn 4.000 máy bay quân sự các loại, quân số ước tính 395.000 người.
Trong số 4.000 máy bay nói trên, có hơn 3.370 chiếc thuộc không quân và hơn 700 thuộc không quân hải quân. Ở thời điểm hiện tại, Không quân Trung Quốc hoàn toàn có thể thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân với các máy bay ném bom tầm xa H-6N (có khả năng tiếp nhiên liệu trên không). Điều này đánh dấu sự trở lại của nhánh không quân trong bộ 3 hạt nhân của Trung Quốc.
Ngoài Hải-Lục-Không quân, Quân đội Trung Quốc còn đầu tư mạnh cho lực lượng tên lửa chiến lược hay còn biết tới với cái tên “lực lượng nhị pháo”. Kho tên lửa của Trung Quốc có thể nói là đa dạng và lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo của Mỹ, lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc nắm trong tay các loại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, hầu hết chúng đều có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Đây cũng được xem là lực lượng có khả năng răn đe hạt nhân mạnh nhất của Trung Quốc.
Cũng nói thêm rằng hầu như các tên lửa thông thường của Trung Quốc đều có tầm bắn lên tới 2.000km. Ngoài các loại tên lửa đạn đạo thông thường, quân đội Trung Quốc còn phát triển các mẫu tên lửa đạn đạo chống hạm (tầm trung) có tầm bắn lên đến hàng nghìn km như DF-26 và DF-21 (từ 1.770 – 5.000km), chúng được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với nhóm tàu sân bay Mỹ hoạt động ở châu Á – Thái Bình Dương.
Trong khi đó các mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Trung Quốc đều có thể vươn đến hầu hết các vùng lãnh thổ của nước Mỹ (từ 1.750 – 13.000km). Trong các mẫu ICBM của Trung Quốc, DF-41 được xem là đáng quan ngại nhất khi nó có thể mang theo tối đa 10 đầu đạn, tấn công đồng thời nhiều mục tiêu khác nhau.
Củng cố tham vọng, gia tăng quốc phòng
Sức mạnh quân sự ngày càng tăng và những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với cơ sở an ninh của Mỹ, cũng như các quốc gia khác trên thế giới.
Nhưng bấy nhiêu tiềm lực có vẻ vẫn chưa thể làm Trung Quốc hài lòng. Mới đây, trang Global Times đã đưa tin Trung Quốc vừa công bố tăng ngân sách quốc phòng năm 2022 lên 7,1%, đạt mức 1.450 tỉ nhân dân tệ (tương đương 230 tỉ USD). Mức tăng này ít hơn so với mức 8,1% của năm 2018 và 7,5% của năm 2019, nhưng cao hơn năm 2020 (6,6%) và năm 2021 (6,8%).
Theo Global Times, việc gia tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được sử dụng với mục đích nâng cao năng lực quân sự. Đặc biệt là tăng cường “bảo vệ pháp lý mạnh mẽ hơn đối với an ninh và quyền” của nước này trong các khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, vấn đề này cũng dấy lên một hồi chuông cảnh báo, cho thấy Trung Quốc vẫn đang tiếp tục theo đuổi tham vọng bao lâu nay, nhất là ở những nơi mà Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự lên 76% trong giai đoạn 2011 – 2020, bất chấp việc Mỹ giảm 10%. Tổng ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2022 tăng 2% so với năm 2021, nên Trung Quốc cũng tăng chi tiêu quân sự với tốc độ nhanh để bắt kịp Mỹ. Vì thế, các nước ở Indo-Pacific lo ngại về tham vọng của Trung Quốc.
Bảo Trâm (Theo SCMP, Military Daily…)