Tiêm kích hạm F-35B của Mỹ và đồng minh tạo thành thế “vây” Trung Quốc
F-35B mẫu tiêm kích tàng hình chuyên sử dụng cho các nhiệm vụ tác chiến trên biển, tấn công đất liền và được nhiều đồng minh của Mỹ trên thế giới tin dùng.
F-35B là phiên bản cất cánh thẳng đứng trên tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ của dự án chế tạo tiêm kích đa năng thế hệ 5 (JSF). F-35 cũng là dự án tiêm kích tàng hình duy nhất trên thế giới hiện nay được sản xuất và xuất khẩu đại trà.
Nhờ khả năng cất cánh thẳng đứng, F-35B không phụ thuộc vào loại tàu sân bay, giúp nhiều đồng minh của Mỹ có thể sở hữu mẫu tiêm kích hạm này.
Đây là một yếu tố quan trọng giúp F-35B thể hiện sự thống trị trên biển trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, tác giả Merrick Carey viết trên tạp chí National Interest.
Ông Carey từng là trợ lý cấp cao làm việc tại Đồi Capitol và hiện là CEO của viện nghiên cứu chính sách Lexington ở bang Virginia, Mỹ.
Đóng vai trò là tiêm kích hạm nhưng F-35B không hề bị giới hạm phạm vi hoạt động. Mẫu tiêm kích tàng hình này có thể được trang bị tên lửa đối không AIM-120 để đối phó máy bay đối phương, hoặc tên lửa chống hạm để chống tàu nổi và sẽ sớm có khả năng mang theo bom bên trong thân cho các nhiệm vụ tấn công đất liền.
Ngoài ra, F-35B còn sở hữu radar tầm xa AN/APG 81 hiện đại nhất thế giới hiện nay. Radar mảng pha quét điện tử chủ động này rất đa năng, giúp phát hiện sớm các mục tiêu tiềm tàng trên biển.
Tiêm kích hạm F-35B nhờ hoạt động ở tầm cao và được tích hợp các cảm biến, có thể phát hiện các mục tiêu ở rất xa so với tầm quan sát của tàu nổi.
Tác giả Carey đánh giá đây là những tính năng “độc nhất vô nhị” mà một tiêm kích hạm cất cánh thẳng đứng đem lại.
Đối với hải quân Mỹ, các tiêm kích hạm F-35C mới là thứ vũ khí uy lực chuyên dùng cho các tàu sân bay hạt nhân. Nhưng với những quốc gia không thể trang bị tàu sân bay hạt nhân vì vấn đề chi phí, F-35B lại đem đến khả năng tiếp cận tiêm kích tàng hình thế hệ 5 với mức giá hợp lý hơn.
Theo tác giả Carey, có ít nhất 11 tàu chiến của đồng minh hiện đã và sẽ có khả năng trang bị tiêm kích hạm F-35B, bao gồm 2 tàu sân bay của Anh, hai tàu khu trục trực thăng của Nhật, 2 tàu của Italia, 1 tàu của Tây Ban Nha, 2 tàu của Úc và 2 tàu của Hàn Quốc.
Singapore với dân số chỉ 5 triệu người hiện cũng đang cân nhắc mua tiêm kích hạm F-35B.
Tác giả Carey đánh giá việc các đồng minh của Mỹ lần lượt sở hữu tiêm kích hạm F-35B tạo thành một mạng lưới “bủa vây” nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc hiện sở hữu các tàu sân bay với công nghệ cũ, vẫn sử dụng phương pháp cất cánh máy bay theo kiểu nhảy cầu truyền thống.
Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực chiến đấu của các tiêm kích hạm J-15.
“Năng lực tàu sân bay còn hạn chế, chi phí đóng tàu khổng lồ, công nghệ lỗi thời là nguyên nhân khiến các tàu sân bay Trung Quốc lép vế hoàn toàn so với các tàu chiến mang theo tiêm kích hạm F-35B của Mỹ và đồng minh”, tác giả Carey đánh giá.
Nếu xung đột nổ ra, tác giả Carey cho rằng các tiêm kích F-35B sẽ tạo thành thế trận một chiều mà Trung Quốc không có phương án đối phó.
Đăng Nguyễn/DV