Tiếc thương một vị tướng hết lòng vì dân vì nước!
Vậy là phép màu và hy vọng của hàng triệu người dân trên cả nước đối với 13 người trong đoàn cứu hộ công nhân mắc kẹt ở thủy điện Rào Trăng 3 đã không trở thành hiện thực. Nhìn hình ảnh những chiếc mũ cối còn sót lại giữa rừng, giữa ngổn ngang đất đá, bùn lầy ở Rào Trăng 3 mà lòng không khỏi đau xót. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và đồng đội đã vì dân mà hóa thân vào đất mẹ!
Người sỹ quan bản lĩnh, quyết định táo bạo vì dân vì nước
Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, giờ đây người ta nhớ đến ông là nhớ đến một vị anh hùng. Trước hết cái anh hùng ấy thể hiện ở một quyết định táo bạo vì dân. Chiều ngày 12/10, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man đang chuẩn bị từ Huế ra Quảng Bình để sáng ngày 13 dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Quảng Bình lần thứ V. Nhưng khi nghe tin 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 bị lở núi đất lấp. Ông liền quyết định ở lại Huế cùng đồng chí, đồng đội lội bộ hàng chục km để tìm cách tiếp cận gần thủy điện Rào Trăng 3 để tìm hiểu thực tế, để lập Sở Chỉ huy tiền phương cứu hộ, cứu nạn. Mục đích sau khi chọn được địa điểm lập Sở Chỉ huy mới tổ chức đưa quân vào cứu hộ. Là một người con Quảng Bình luôn đối mặt với lũ lụt, vì vậy ông đã lựa chọn vô vùng nguy hiểm, đó là tự bản thân đi thực tế tìm hiểu, nghiên cứu… rồi mới đưa lính vào sau. Hơn nữa, vì bản thân ông là người chiến sĩ nên sẽ không thể chần chừ trước sinh mạng nhân dân, đối với ông đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mệnh lệnh của con tim.
Không chỉ vậy, người ta sẽ nhớ đến Thiếu tướng Nguyễn Văn Man là một vị anh hùng trong các mùa mưa bão. Bởi ở đâu tại Quảng Bình có mưa bão, lũ lụt là ở đấy người ta thấy một người đàn ông, một vị tướng luôn xông xáo, lo lắng và trách nhiệm với người dân vùng lũ, luôn đi đầu đưa bộ đội xuống giúp dân gồng gánh chạy lũ. Dấu chân của ông và đồng đội không bỏ sót một vùng đất nào, để làm tròn sứ mệnh mà Đảng và nhân dân đã tin cậy. Còn nhớ 10/2016, khi bão lũ tàn phá quê hương, ông lúc ấy là Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đứng ngồi không yên, lúc thì lên với bà con Minh Hóa, Tuyên Hóa, lúc lại chạy xuống địa bàn hai huyện Quảng Trạch, Ba Đồn để nắm tình hình, trực tiếp chỉ đạo ứng cứu nhân dân. Khi nước lũ rút, ông kịp thời chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả lũ lụt. Trong suốt quá trình chỉ huy anh em phòng chống bão lũ, giúp đỡ nhân dân, ông luôn canh cánh đủ nỗi lo, lo thiệt hại tài sản của nhân dân, lo đồng đội gian nguy, vất vả.
Đại tá Lê Văn Vỹ, người kế nhiệm chức chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình từ tướng Man, nhớ về ông như một người chỉ huy luôn có mặt trong bão lũ, trực tiếp nhận những phần việc khó khăn nhất về mình. “Trong đợt lũ năm 2016, anh Man đang dự lớp bồi dưỡng chính trị ở Hà Nội nhưng đã tạm hoãn việc học để về Quảng Bình trực tiếp chỉ đạo ứng phó mưa lũ”, ông Vỹ nhớ lại.
Nỗ lực trong sự lặng lẽ, suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, dù ở vị trí nào, ông cũng đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, luôn sẵn sàng “đồng cam cộng khổ” sẻ chia gian khó cùng đồng đội, cùng nhân dân, là hình mẫu để cán bộ, chiến sĩ học tập. Nói về quyết định hành quân ngay trong đêm của thiếu tướng Man và các đồng đội ngày 12/10 vừa qua, tôi gọi đó là quyết định rất táo bạo và rất vì dân, vì nước, nơi khó khăn nguy hiểm nhất mà vị tướng ấy vẫn cứ thế mà xông pha, phẩm chất đáng quý này không phải vị nào cũng có. Thế mới thấy, truyền thống đánh giặc giữ nước từ xưa truyền lại, người lính luôn trên tuyến đầu, và người chỉ huy, như một lẽ tự nhiên luôn dũng cảm xông pha lên phía trước, để cấp dưới, nhìn vào lấy tinh thần, lấy khí thế dũng cảm, mưu trí để hoàn thành nhiệm vụ.
Vị tướng giàu tình cảm, gần gũi
Không chỉ trong công việc mà trong đời sống, ông luôn chia sẻ, quan tâm đến cán bộ chiến sĩ cấp dưới, người thân, hàng xóm láng giềng đặc biệt là những trường hợp, hoàn cảnh khó khăn. Trong ký ức của nhiều người, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man là người hiền lành, chất phác, luôn chan hòa, gần gũi với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Ông hay xuống cơ sở để nắm bắt những khó khăn trong ăn ở, sinh hoạt của chiến sĩ để có biện pháp giúp đỡ. “Bác ấy gần gũi với lính tráng, thương em và gia đình em lắm, bác thường xuyên qua nhà em ăn cơm, động viên vợ chồng em”, anh Đức, lái xe nhiều năm của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man nói.
Bà Nguyễn Thị Hoa hàng xóm nhà tướng Man xúc động: “Vào những ngày nghỉ, ông hay về quê và sống rất tình cảm, dễ gần với bà con trong phố. Trong khu phố, gia đình nào có việc to, việc nhỏ ông đều lui tới hỏi thăm hỏi”.
Có lẽ ở những giây phút cuối đời, trong tâm trí ông và đồng đội vẫn là những kế hoạch, phương án cứu hộ, mà chỉ đợi khi trời sáng, họ sẽ lại lên đường. Nhưng thiên tai là điều không ai lường được, dù đã chọn phương án tối ưu nhất, cũng như người lính khi ra trận, chỉ có 1 lựa chọn, hoặc là chiến thắng, hoặc là hy sinh. Và các chiến sĩ đã chọn hy sinh. Chỉ nghĩ tới, đằng sau mỗi người là cha mẹ già, là những đứa con thơ bơ vơ mất bố mà nghẹn lòng.
Và có lẽ đây sẽ là ngày kỷ niệm buồn nhất của Quân khu 4 vì hôm nay các chiến sĩ sẽ đón đồng đội của mình trở về. Sẽ không còn những cái ôm, cái bắt tay mừng rỡ mọi lần, khi vừa hoàn thành nhiệm vụ mà có lẽ hôm nay, những giọt nước mắt sẽ rơi. Các anh đã về rồi, về trong vòng tay đồng đội và sự tiếc thương sâu sắc của đồng bào. Cơn bão rồi sẽ qua đi nhưng nó đã cướp đi của chúng ta quá nhiều thứ. Không chỉ là tài sản, hoa màu mà còn là những người con ưu tú nhất của dân tộc!
Vậy nên, những kẻ phản động thay vì ngồi gõ bàn phím trong phòng ấm với chăn ấm nệm êm hãy hiểu rằng Đất nước Việt Nam này, Dân tộc Việt Nam này trường tồn chính là dựa vào những người lính đi đầu như thế. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các đồng chí và cảm tạ những gì các anh đã làm vì quê hương đất nước!
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả