+
Aa
-
like
comment

Tỉ phú tỉ đô hỏi chuyện những tỉ phú tỉ đô khác: “Không có đường tắt đến thành công!”

06/10/2020 16:16

Điều gì làm nên thành công của những nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh vĩ đại nhất thế giới như Bill Gates, Jeff Bezos, Tim Cook hay Bill Clinton? Làm thế nào mà những cá nhân với những tính cách, hoàn cảnh xuất thân vô cùng khác nhau có thể trở thành những người thay đổi bộ mặt thế giới? Liệu đó có phải là vận may, tài năng, học vấn, kinh nghiệm hay yếu tố nào khác?

Ông Rubenstein trò chuyện trong show truyền hình nổi tiếng của ông trên kênh Bloomberg.
Ông Rubenstein trò chuyện trong show truyền hình nổi tiếng của ông trên kênh Bloomberg.

Đó là những câu hỏi luôn khiến mọi người tò mò. Tỉ phú David Rubenstein, đồng sáng lập và là Chủ tịch quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới Carlyle Group với tổng tài sản 221 tỉ đô la cũng không phải là ngoại lệ.

Những câu hỏi này đã trở thành nguồn cảm hứng cho cuốn sách mới nhất của ông “How To Lead: Wisdom from the World’s Greatest CEOs, Founders, and Game Changers” (tạm dịch Cách lãnh đạo: Bài học từ những CEO, nhà sáng lập và người thay đổi cuộc chơi vĩ đại nhất thế giới).

Cuốn sách hiện nằm trong danh sách bán chạy nhất do tờ Wall Street Journal bình chọn. VietTimes trích dịch và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Không có đường tắt đến thành công

Dựa trên hàng chục cuộc phỏng vấn mà ông đã thực hiện với các giám đốc điều hành, các chính trị gia, các nhà lãnh đạo tư tưởng và những người đi đầu trong ngành suốt 5 năm qua, Rubenstein muốn độc giả thấy được toàn bộ tài sản kinh nghiệm quý giá của các nhà lãnh đạo, bao gồm Bill Gates, Jeff Bezos, Tim Cook, các cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và George W. Bush, Thẩm phán Ruth Bader Ginsberg, và Oprah,… những người đã truyền cảm hứng để Rubenstein trở thành một người biết lắng nghe hơn.

Tỉ phú tỉ đô hỏi chuyện những tỉ phú tỉ đô khác:
Tỉ phú 68 tuổi David Rubenstein là đồng sáng lập và đồng chủ tịch quỹ đầu tư tư nhân có tổng tài sản 221 tỉ đô la. Ông cũng là nhà thiện nguyện có tầm ảnh hưởng lớn ở Mỹ. 

Là một người luôn háo hức kiến thức mới, đọc sáu tờ báo mỗi ngày, hàng chục tạp chí định kỳ và ít nhất một quyển sách mỗi tuần, ông Rubenstein tin rằng sự tò mò suốt đời là điều cần thiết cho một nhà lãnh đạo giỏi.

“Biết lắng nghe, tò mò, chuẩn bị kĩ càng – và làm việc chăm chỉ. Không ai muốn thừa nhận điều đó, nhưng sự thực là không một ai trở nên giàu có, không một ai trở nên nổi tiếng, không một ai thành công nếu chỉ làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, 5 ngày một tuần.

Bạn phải thực sự làm ngày làm đêm, làm cả cuối tuần, tận tâm hết sức với những gì bạn đang xây dựng, và làm điều đó trong một thời gian dài, gạt bỏ tất cả những thứ khác ra khỏi đầu.

Chìa khóa của mọi thứ là yêu những gì bạn làm. Nếu bạn không yêu nó, bạn sẽ không đi xa đến thế”, ông Rubenstein đúc kết.

“Đối với những người hy vọng có thể nhanh chóng đi đến đỉnh cao, thật ra không có con đường tắt nào để trở thành một nhà lãnh đạo.”

Nhớ lại cuộc phỏng vấn năm 2017 với người đồng sáng lập Nike Phil Knight, ông viết rằng tầm nhìn ban đầu của Knight về việc thành lập một công ty giày thể thao không phải là yếu tố quyết định dẫn đến thành công của Nike hiện tại.

Knight đã phải sẵn sàng “bỏ ra nhiều giờ và chịu đựng những thất bại và khủng hoảng thường xuyên để biến tầm nhìn này thành hiện thực. Trong những năm gần đây, Knight đang dần chuyển giao hoạt động cho những nhà quản lý có kinh nghiệm, những người có thể xây dựng công ty lớn mạnh hơn nữa”.

3 phần của cuộc đời người

Đã từng phỏng vấn hàng chục nhà lãnh đạo lỗi lạc suốt từ năm 2008 đến nay và xuất bản thành hai tuyển tập sách, American Stories (Những câu chuyện nước Mỹ) và How to Lead (Cách Lãnh đạo) nhưng ông Rubenstein lại khá khiêm tốn khi cho rằng câu chuyện thành công của cá nhân mình chưa đủ để truyền cảm hứng cho mọi người.

Nhưng hành trình vươn lên từ con trai của một công nhân thu nhập thấp đến vị thế của một tỉ phú, đồng sáng lập quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới, người đi tiên phong trong cuộc cách mạng về đầu tư tư nhân đã tái định hình nền kinh tế Mỹ trong hơn một phần tư thế kỉ vừa qua đem lại cho ông Rubenstein những chiêm nghiệm sâu sắc về con đường trở thành lãnh đạo xuất sắc.

Tỉ phú tỉ đô hỏi chuyện những tỉ phú tỉ đô khác:
David Rubenstein phỏng vấn CEO của Golman Sachs Blankfein trong show truyền hình nổi tiếng của ông. 

Ngay từ khi còn thơ ấu, trẻ em đã nhận thức được rằng có một vài người lớn đang làm những việc thật ấn tượng. Gần như em bé nào cũng thần tượng một “người hùng” nào đó và mong muốn trở thành họ, Rubenstein nói.

“Từ thời niên thiếu cho đến giờ tôi vẫn thường tự hỏi: Điều gì đã khiến những cá nhân vươn lên và trở thành những nhà lãnh đạo kiệt xuất. Có phải do tính cách của họ, hay các năng lực thể chất hoặc tinh thần, hay chỉ là vận may vì đã ở đúng chỗ vào đúng thời điểm?

Và vì sao rất nhiều người về sau trở thành nhà lãnh đạo vĩ đại lại không thể hiện bất kì dấu hiệu nào về điều này khi họ còn trẻ?”.

Khi nói chuyện với sinh viên, vị tỉ phú cho rằng cuộc đời con người nhìn chung có thể chia làm ba phần.

Một phần ba đầu đời tập trung vào học hành để có một nghề nghiệp trong tương lai; phần ba tiếp theo tập trung vào việc xây dựng sự nghiệp, hoàn thiện các kĩ năng, và vươn lên giành một vị trí quản lý cấp cao hay gánh vác trách nhiệm lãnh đạo trong một tổ chức nào đó; và phần ba cuối cùng là khi bạn hưởng thụ những lợi ích từ các thành tựu đã đạt được trong quãng đời trước đó – tài chính, sự công nhận.

“Tôi thường nói với các sinh viên rằng giành chiến thắng trong giai đoạn đầu đời có thể rất dễ chịu, nhưng đa phần những người thắng trong giai đoạn đó sẽ không trở thành lãnh đạo về sau. Lãnh đạo trong giai đoạn hai và ba mới thực sự có ý nghĩa và ảnh hưởng lâu dài tới cá nhân người đó cũng như cả xã hội”.

Vậy thì tại sao quá nhiều lãnh đạo trẻ trong giai đoạn đầu đời không trở thành lãnh đạo thế giới như cách họ được lập trình khi còn trẻ? Có thể là bởi những người này đã bị đốt cháy hơi sớm trước khi giai đoạn đầu kết thúc, hoặc họ bị trượt dốc một chút sau giai đoạn đầu, ông Rubenstein lí giải.

Ngược lại, vì sao lại có những người là lãnh đạo trong giai đoạn hai và ba nhưng khá mờ nhạt trong giai đoạn đầu đời?

Một số người trưởng thành muộn hơn. Những người khác có thể không có được những thuận lợi khi còn trẻ – họ phải đối mặt với những khó khăn do gia đình, thiếu thốn vật chất, cơ hội giáo dục nghèo nàn. Tất nhiên, có những người khi còn trẻ có thể chưa có đủ động lực, hay tham vọng.

Ông Rubenstein thừa nhận rằng, bản thân mình là một trường hợp thú vị. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã có mơ ước trở thành một nhà lãnh đạo thực thụ, và đã nỗ lực cho điều đó.

Nhưng ông không có tài năng, năng lực, hay các tố chất cần thiết khác để trở thành lãnh đạo theo đánh giá của các bạn học (ví dụ như tính cách cởi mở, kỹ năng thể thao, gia đình giàu có, hay năng lực đặc biệt trong một lĩnh vực cụ thể).

Ông chỉ là một sinh viên thường thường bậc trung và không có gì nổi trội.

“Sau này, tôi có được vận may bất ngờ để trở thành lãnh đạo trong khu vực tài chính, thiện nguyện và phi lợi nhuận. Tất cả những thành công muộn này không nghi ngờ gì gây ngạc nhiên, nếu không muốn nói là cú sốc cho các bạn học của tôi, mặc dù họ giữ lịch sự không dám nói thẳng ra điều đó”, vị tỉ phú chia sẻ.

Từ trải nghiệm bản thân và qua hàng trăm cuộc trò chuyện với những nhà lãnh đạo lỗi lạc nhất nước Mỹ, ông Rubenstein rút ra mười hai điều trụ cột để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi:

May mắn; tham vọng; sự độc đáo; chăm chỉ; tập trung, bền bỉ; tính thuyết phục; khiêm tốn; biết tuyên dương sự đóng góp của người khác; khả năng học hỏi liên tục; tính chính trực và phải nếm trải một vài thất bại.

Tỉ phú tỉ đô hỏi chuyện những tỉ phú tỉ đô khác:
Ông Rubenstein trong một cuộc trao đổi với Jeff Bezos, người sáng lập và điều hành đế chế Amazon, cũng là người giàu nhất thế giới hiện tại. 

Jeff Bezos và Bill Gates đã làm thế nào để xây dựng được những đế chế công nghệ toàn cầu trong khi những người khác đều thất bại? Làm thế nào để Phil Knight có thể phát triển từ một ý tưởng trong luận văn tốt nghiệp trường kinh doanh thành công ty giày thể thao lớn nhất thế giới?

Chẳng hạn như: Tim Cook đã làm thế nào để có thể tiếp nối di sản của huyền thoại Steve Jobs và thậm chí còn xây dựng Apple lớn mạnh hơn nữa?…Bạn có thể tìm thấy câu trả lời trong cuốn sách này.

Tất cả mọi người đều muốn biết Jeff đã xây dựng Amazon như thế nào và trở nên thành công trong một thời gian ngắn như vậy. Jeff đã tiết lộ một vài bí mật trong cuộc phỏng vấn với David Rubenstein vào tháng Chín năm 2018.

Jeff Bezos không phải là người đầu tiên có ý tưởng bán sách trên Internet. Nhiều người khác đã làm vậy khi Jeff sáng lập Amazon vào năm 1994. Nhưng ông ấy có một tầm nhìn về việc làm thế nào mình có thể sử dụng các phần mềm để giúp quá trình bán hàng hoạt động hiệu quả hơn.

Ông Rubenstein với nguồn tài sản cá nhân trị giá 3,2 tỷ USD thừa nhận rằng sai lầm kinh doanh lớn nhất của ông là đã vội bán khoản đầu tư 80 triệu USD của Carlyle vào Amazon ngay sau khi ông trùm thương mại điện tử này lên sàn giao dịch IPO vào năm 1996. Ông nói rằng số cổ phần đó bây giờ sẽ trị giá khoảng 4 tỷ USD.

Tỉ phú 68 tuổi cũng là MC show truyền hình hot nhất của Bloomberg hiện nay mang tên “The David Rubenstein Show: Peer to Peer Conversations”.

Ông Rubenstein cũng là một nhà hoạt động thiện nguyện có ảnh hưởng lớn ở Mỹ.

Trường Minh/VT

Bài mới
Đọc nhiều