+
Aa
-
like
comment

Tỉ lệ lây nhiễm của F0 trong công xưởng nguy hiểm đến mức nào?

13/12/2021 12:16

Khi sản xuất trở lại đã ghi nhận F0 trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong khu công nghiệp. Số F1 tại đơn vị sau đó trở thành người nhiễm COVID-19 chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm?

Thông tin trên được phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Lương Mai Anh chia sẻ tại tọa đàm “Sản xuất an toàn trong đại dịch” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tại TP.HCM vào sáng 13-12.

Dẫn báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bà Mai Anh cho hay tại TP.HCM có gần 1.000 doanh nghiệp đã được thẩm tra phương án sản xuất an toàn trong thời gian qua.

Đặc biệt, báo cáo cũng chỉ ra chỉ dưới 10% người tiếp xúc gần với F0 trong các đơn vị sau đó được ghi nhận trở thành người nhiễm COVID-19. “Điều này cho thấy các hoạt động phòng chống dịch trong doanh nghiệp đã đảm bảo để sản xuất an toàn” – bà Mai Anh nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay đến nay đã cơ bản kiểm soát dịch ở TP.HCM, song trong thời gian tới dịch bệnh ở trên thế giới và nước ta còn diễn biến hết sức phức tạp.

Trước việc TP.HCM phát hiện nhiều F0 trong doanh nghiệp, ông Tuyên cho hay dù hầu hết người dân đã tiêm vắc xin, song vẫn có thể nhiễm COVID-19 và khi nhiễm sẽ không có biểu hiện hoặc triệu chứng nhẹ nếu đã tiêm vắc xin.

Do đó, ông Tuyên nhấn mạnh người lao động không được chủ quan, lơ là phòng dịch mà phải thực hiện đúng thông điệp 5K.

Ông Tuyên thông tin thêm, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo kế hoạch tổng thể về công tác phòng chống dịch dựa trên các nền tảng khoa học, kinh nghiệm trên thế giới, kinh nghiệm qua các làn sóng dịch bệnh ở Việt Nam, đặc biệt là làn sóng dịch bệnh lần thứ 4.

Đối với xét nghiệm trong doanh nghiệp, ông Tuyên cho hay Bộ Y tế cho phép các doanh nghiệp có cán bộ y tế đã được tập huấn, chủ động tự xét nghiệm cho nhân viên, kết quả này sẽ được tích hợp vào hệ thống phòng chống dịch của quốc gia.

Các khách mời chia sẻ tại tọa đàm “Sản xuất an toàn trong đại dịch” vào sáng 13-12

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh – phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM – cho hay hiện các doanh nghiệp có quy trình thích ứng chung đó là quy trình về sức khỏe, đồng thời các doanh nghiệp cũng có những nhân viên y tế tham gia về phòng dịch tại doanh nghiệp.

Theo ông Việt Anh, 70-90% các doanh nghiệp có những nhân viên làm những xét nghiệm đủ trình độ như y tế địa phương để đo SpO2, nhận dạng những triệu chứng của F0 về tình trạng sức khỏe của đồng nghiệp.

Về tuyển lao động, ông Việt Anh cho rằng bên cạnh năng suất, hiện doanh nghiệp quan tâm hơn đến ý thức của người lao động khi tuyển dụng để đảm bảo tuân thủ 5K trong sản xuất an toàn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đầu tư dây chuyền sản xuất mới, chấp nhận chi phí tăng để đầu tư các dây chuyền mà công nhân đứng cách nhau 2m.

Đánh giá về mức độ thích ứng, PGS.TS Trần Hoàng Ngân – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho rằng các doanh nghiệp của TP.HCM đã có sự thích ứng nhanh để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Ngân đề nghị doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ trung ương, Bộ Y tế với một chiến lược để giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng không còn lo lắng có thể tái diễn các biện pháp phòng dịch chặt như giãn cách, “3 tại chỗ”…

Theo ông Ngân, nếu xác nhận sống thích ứng an toàn với COVID-19 là hướng đi phải chọn để phù hợp với xu thế hiện nay thì cũng cần chia sẻ để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Bên cạnh đó, ông Ngân cũng cho rằng cần tiếp tục các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, miễn, giảm thuế phí và tăng gói đầu tư công.

Ngọc Vân

Bài mới
Đọc nhiều