+
Aa
-
like
comment

Thủy Tiên có nên học theo cách làm từ thiện của vợ chồng Bill Gates?

Hạnh Văn - 27/10/2020 10:00

Suốt hơn một tháng qua, Trung Bộ Việt Nam oằn mình chống lũ, bão số 5 vừa đi qua, bão số 9 lại đổ bộ. Trong cơn hoạn nạn của đồng bào, người dân Việt Nam lại nêu cao tinh thần tương thân tương ái, cả xã hội đều hướng về miền Trung, mà một trong những hoạt động được quan tâm nhất là việc làm từ thiện cứu trợ đồng bào. Dù vậy, hoạt động của các nhà hảo tâm Việt Nam hiện nay dường như vẫn còn khoảng cách khá lớn so với cách làm của nhiều nước trên thế giới…

Trên thế giới, các hoạt động từ thiện chủ yếu được tổ chức qua các tổ chức phi lợi nhuận (non-profit organization), lấy tư cách pháp nhân để vận động, kêu gọi đóng góp cho các hoạt động, mục tiêu vì cộng đồng. Những hoạt động từ thiện như ngày nay bắt nguồn từ lục địa cổ Châu Âu, khởi đầu là các nhà cứu tế (almhouse) từ thế kỷ 11. Trong thời kỳ Khai sáng giữa thế kỷ 18, hoạt động từ thiện phát triển mạnh mẽ, kèm theo đó là một hệ thống pháp luật được hoàn thiện dần. Từ chỗ bộc phát mang tính trào lưu của tầng lớp giàu có, từ thiện đã phát triển thành một hệ thống quy củ, đóng vai trò mạnh mẽ trong xã hội và cả nền kinh tế, chính là nhờ hệ thống pháp lý được xây dựng hàng trăm năm.

Vợ chồng nhà sáng lập Microsoft là những người thành lập Quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates lớn thứ 2 thế giới.

Ngày nay, luật pháp của mỗi quốc gia có định nghĩa và quy định khác nhau đối với công tác từ thiện, nhưng có điểm chung, ngoài khuyến khích các hoạt động giúp ích cho cộng đồng, là đảm bảo quyền lợi về mặt luật pháp cho người được hỗ trợ và cả người trực tiếp tham gia công tác tình nguyện. Nhờ sự giám sát của pháp luật, chính quyền các nước kiểm soát được tính minh bạch của các tổ chức từ thiện, từ nguồn gốc đến việc phân phối, sử dụng nguồn vốn được đóng góp, thông qua các ngân hàng và cơ quan quản lý, cơ quan thuế… Các nhà hảo tâm nhờ đó cũng có thể giám sát việc sử dụng ngân sách của các tổ chức mà họ đóng góp. Ngược lại, tổ chức nhận quyên góp, trên tư cách pháp nhân, được bảo vệ trước luật pháp, và tiếp cận các chính sách xã hội như miễn thuế, tiền lương nhân viên… hay sự hỗ trợ trực tiếp của chính quyền địa phương được nhận tài trợ. Chính vì vậy, hầu như tất cả các hoạt động từ thiện quy mô lớn trên thế giới đều thông qua các quỹ, tổ chức, vừa có tính pháp lý vững chắc, vừa đảm bảo tính minh bạch.

Toàn cảnh trụ sở Quỹ Bill và Melinda Gates.

Theo thống kê của Trung tâm Quốc gia Hoa Kỳ về Thống kê Tổ chức Từ Thiện (National Center for Charitable Statistics – NCCS), cả nước Mỹ có hơn 1,4 triệu tổ chức phi lợi nhuận, tức cứ 300 dân thì có 1 tổ chức. Nhiều tổ chức từ thiện giàu có nhất thế giới cũng được thành lập tại Mỹ, như Quỹ Bill và Melinda Gates lớn thứ 2 thế giới, chuyên về phát triển giáo dục và y tế. Tổng số tiền đóng góp của quỹ lên đến 46,8 tỷ USD, trong đó vợ chồng ông chiếm đến 76%. Hay tỷ phú Warren Buffett, bạn thân của Bill Gates, ông cũng đóng góp hàng tỷ USD cho nhiều tổ chức từ thiện khác nhau. Điều đó cho thấy, ngay cả với các nhà các nhân giàu có, được ủng hộ và tín nhiệm, họ vẫn lựa chọn vận hành công tác từ thiện thông qua các pháp nhân (các quỹ và tổ chức), thay vì hoạt động một cách riêng lẻ. Bằng cách này, ngoài sự an toàn về pháp lý, các quỹ từ thiện, nhờ hoạt động có tổ chức, có khả năng phân phối và sử dụng nguồn vốn hiệu quả và rộng khắp hơn nhiều so với cá nhân.

Tỷ phú Warren Buffett đóng góp hàng tỷ USD cho các tổ chức từ thiện.

Tại Việt Nam, thời gian vừa qua việc ca sĩ Thủy Tiên quyên góp được số tiền hỗ trợ đồng bào bị bão lũ lên đến 140 tỷ, tuy nhận được sự ủng hộ và tán dương từ người dân, cũng vấp phải không ít băn khoăn, trở ngại. Ngoài những vất vả và hiểm nguy mà vợ chồng ca sĩ phải đối mặt khi đi vào vùng lũ, còn có những băn khoăn về phân phối nguồn tài trợ một cách hiệu quả, thiết thực nhất. Nhưng quan trọng hơn, hoạt động đơn lẻ, không thông qua một tổ chức từ thiện – có thể do tự cô thành lập – còn mang lại những rủi ro tiềm ẩn. Việc công khai tài khoản và số điện thoại vốn đã mang trong mình hiểm họa từ tội phạm đánh cắp thông tin cá nhân, mạo danh, lừa đảo, hoặc quấy rối. Hơn nữa, việc thiếu ghi chép chi tiết khi phân phát cứu trợ cũng gieo rắc hoài nghi, mà thực tế đã có không ít dư luận chất vấn ca sĩ Thủy Tiên, dù đại đa số người dân đều tin tưởng vào đôi vợ chồng hảo tâm nổi tiếng…

Ca sĩ Thủy Tiên đối mặt với nhiều nguy cơ khi làm từ thiện một mình.

Thiết nghĩ, hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên giờ đây đã đạt đến tầm mức lớn lao, được cả xã hội biết đến. Với uy tín và tấm lòng đã được minh chứng, tin rằng một tổ chức từ thiện được lập nên dưới sự điều hành của cặp vợ chồng cầu thủ – ca sĩ không những sẽ được tất cả mọi người tin yêu và ủng hộ, mà còn được bảo vệ một cách đúng đắn, như đúng những gì họ xứng đáng được nhận.

HẠNH VĂN

Bài mới
Đọc nhiều