Thủy quân lục chiến Mỹ bí mật tập đổ bộ chiếm đảo, đối phó Trung Quốc
Tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ tuyên bố lực lượng này đang cải tiến mạnh mẽ để đối phó với các thách thức và “mối đe dọa hiện hữu lâu dài” từ Trung Quốc. Các cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo đã được tổ chức bí mật.
Đại tướng David Berger, người vừa lên nắm quyền thủy quân lục chiến Mỹ hồi tháng 7, nhấn mạnh lực lượng này cần được cải tổ, tăng cường năng lực tác chiến trên biển trước tham vọng muốn “soán ngôi” Mỹ của Trung Quốc.
Trong cuộc trò chuyện với một nhóm nhỏ phóng viên tại văn phòng của mình ngày 2-10, tướng Berger lập luận một lực lượng thủy quân lục chiến mạnh, sẵn sàng can dự và phản ứng nhanh trước mọi xung đột ở các vùng biển tranh chấp sẽ cho phép Mỹ có nhiều lợi thế trên bàn đàm phán.
Ông Berger khẳng định các binh sĩ của ông không muốn đối đầu với Trung Quốc trong một cuộc chiến dài hơi. Thay vào đó, sự chuẩn bị của họ nhằm mục đích “đóng băng” một cuộc xung đột do Trung Quốc khơi mào, tạo lợi thế cho các nhà ngoại giao Mỹ đàm phán và xuống thang căng thẳng.
Theo báo South China Morning Post của Hong Kong, hồi tháng 8 năm nay, thủy quân lục chiến Mỹ đã bí mật tổ chức một cuộc tập trận đổ bộ và chiếm đảo dài 11 ngày trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Đây đều là những khu vực bất ổn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột vì các yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc.
“Tập trung đối phó với các hoạt động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ là ưu tiên hàng đầu”, tướng Berger nhấn mạnh.
“Những bước phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Quốc đang buộc Lầu Năm Góc phải có cách tiếp cận mới và khác hoàn toàn thời kỳ Chiến tranh lạnh”, tướng 4 sao Mỹ lập luận.
Tiêm kích tàng hình F-15B của thủy quân lục chiến Mỹ cất cánh từ tàu đổ bộ tấn công USS Wasp của hải quân – Nguồn: YOUTUBE
Những gương mặt mới trong Lầu Năm Góc đang đem lại luồng gió mới. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, người vừa nhậm chức hồi tháng 7, đã chủ trương sử dụng tên lửa tầm xa chính xác để đối phó với Trung Quốc thay vì triển khai quân đến chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai, một khái niệm kiềm tỏa và khống chế Bắc Kinh.
Cũng giống như Esper, tướng Berger đang muốn đem lại sự mới mẻ bằng cách thay đổi vai trò của thủy quân lục chiến trong tương lai.
Ông không muốn các binh sĩ của ông là “lực lượng bộ binh vác balô lên tàu chiến”, ông muốn họ trở thành “một lực lượng chiến đấu trên biển thực thụ”, trang USNI nhận định.
Nói như một nhà quan sát, tướng Berger có lẽ đã chán với việc các binh sĩ của ông bị xem như lực lượng thứ hai trên mặt đất trong các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.
Và với việc tập trung vào khả năng tác chiến trên biển, Berger đang đặt tham vọng biến thủy quân lục chiến trở thành lực lượng đi đầu trên biển, trước cả hải quân trong các vùng biển xung đột.
Điều này có thể dẫn tới sự đổi mới mạnh mẽ của thủy quân lục chiến Mỹ trong tương lai, đặc biệt về mặt khí tài trang bị.
Mối quan hệ giữa hải quân và thủy quân lục chiến đặc biệt gần gũi hơn tất cả các nhánh khác trong các lực lượng vũ trang của Mỹ. Tư lệnh của hai lực lượng này đều báo cáo trực tiếp cho Bộ trưởng Hải quân.
Bảo Duy/ Tuổi Trẻ