Thủy điện Rào Trăng 3 và chuyện lũ lụt, lỡ đất
Dưới đây là tấm hình tôi chụp ở một con suối trên độ cao cỡ 2.500m trên dãy Hoàng Liên Sơn, với hình ảnh hòn đá nặng cả chục tấn nằm trên cây. Ai cũng có thể nhận thấy, cơn lũ đã thổi một tảng đá nặng như vậy trôi đi theo dòng nước. Nếu, con người xuất hiện ở con suối lúc đó, thì thân phận khác gì sâu bọ so với thiên nhiên. Những ngôi nhà ở ven suối, cũng bị thổi tan trong chớp mắt và biến mất trong dòng nước bạc.
Ở độ cao đó, giữa vườn quốc gia Hoàng Liên, dấu chân người còn vắng, cây cối còn nguyên, rừng triệu năm vẫn vậy, nhưng lũ vẫn quét. Cái đó trẻ con cũng giải thích được thôi. Núi cao, dốc, mưa lớn, nước dồn tụ nhanh, là thành lũ quét. Còn nếu hỏi vì sao mưa to thế, thì là vấn đề toàn cầu, biến đổi khí hậu nữa.
Năm nào, mùa mưa lũ chẳng quét đi bao mạng người ở miền núi phía Bắc. Mưa to, nước thấm vào đất lâu ngày, đất nhão ra, là nó lở, đè lên người. Con người phá rừng đầu nguồn, đục núi làm nhà, thì núi nó đổ ập xuống. Cái đó không bàn cãi làm gì. Nhưng, cái bàn cãi, là bây giờ, từ vụ các chiến sĩ hy sinh ở Rào Trăng 3, người ta bắt đầu đổ cho thủy điện nhỏ. Chẳng cần căn cứ gì sất, cứ đổ cho thủy điện phát cho đông like.
Có điều vui, là các “chuyên gia” bày cách dùng điện mặt trời, điện gió, thay vì thủy điện, nhiệt điện. Chuyện đó, là tào lao, chẳng cần bàn cãi làm gì. Tôi thì ủng hộ làm luôn điện hạt nhân. Ai chửi thì chửi, chứ cứ có phương án nào ra thật nhiều điện, mà ít tác động đến môi trường nhất là tôi ủng hộ. Còn hay và dở, thì cái nào chả có. Người thông minh là biết cân nhắc, tính toán thiệt hơn, và tìm ra giải pháp.
Quay trở lại việc chửi thủy điện nhỏ, còn gọi vui là “thủy điện cóc”. Trung Quốc họ từng xây thủy điện lớn nhất thế giới, với cái đập Tam Hiệp. Cả thế giới chửi. Thôi thì to tát quá, không bàn. Nhưng, Trung Quốc đã chuyển qua xây thủy điện nhỏ, bậc thang, hay gọi vui là “cóc”. Mỗi con sông, cứ cách một vài cây số, thậm chí vài trăm mét, họ lại xây một cái thủy điện.
Ưu thế của thủy điện này, là ít ảnh hưởng đến dòng chảy, ít ảnh hưởng đến sinh thái, diện tích ngập nước không đáng kể. Đập rất khó vỡ và nếu có vỡ thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến hạ nguồn. Nó ít đụng vào kết cấu địa chất. Sản sinh công suất lớn. Tuy nhiên, hạn chế là nguồn lực đầu tư nhiều, tốn kém lớn. Thay vì làm một cái to tổ bố, thì phải làm cả trăm cái dọc dòng sông. Hạn chế nữa, là nó không trữ được nhiều nước, mà như vậy thì không điều tiết được lượng nước tưới tiêu cho hạ du.
Về thủy điện to, kiểu Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu dọc sông Đà. Đây là những công trình vĩ đại, không chỉ sản sinh lượng điện khủng cho cả nước sử dụng cả trăm năm, mà nó còn điều tiết cả con sông Hồng và “gô cổ” con sông bất trị (lời cụ Nguyễn Tuân) này lại.
Thập kỷ 80 trở về trước, mùa lũ, dân ven sông Hồng có mà ngập nhà tới nóc. Nhà nào chả có thuyền để bơi. Đê mà vỡ thì thủ đô Hà Nội có mà chìm trong biển nước, ngập hết cả nhà 4-5 tầng. Còn bây giờ, người ta tha hồ bàn đến chuyện xây dựng thành phố ven sông, ngoài đê. Mùa khô, thủy điện xả nước cho nhân dân tưới tắm. Mùa lũ, tích nước lại cho đỡ lũ lụt. Tất nhiên, vì thế mà lượng phù sa về cũng ít hơn ngày xưa, nên lúa ngôi phải dùng phân bón. Về cơ bản, cân nhắc giữa lợi và hại, thì lợi 9, hại 1. Mấy ông thì chỉ nhìn mỗi cái 1 thôi, quên sạch 9 cái.
Quay lại chuyện lũ lụt, lở đất, chả hiểu sao cứ đổ cho thủy điện. Lại còn đổ cho thủy điện nhỏ, thủy điện cóc. Trong khi, rõ ràng, nó chả liên quan gì nhiều. Nếu có liên quan, thì chắc 0.01%.
Đất nước, có thu hút được đầu tư hay không, kinh tế có ổn định hay không, thì nguồn điện đầy đủ và ổn định là tiên quyết, quan trọng còn hơn cả mạng lưới giao thông. Sản lượng điện Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, dù phát triển rất mạnh đủ các loại hình thủy điện, nhiệt điện, mặt trời… Nhưng, thủy điện và nhiệt điện vẫn là mũi nhọn. Thiếu một trong hai cái này thì chết sặc tiết.
Mấy hôm nay, chúng ta đang vui mừng, khi GDP đã vượt Singapore, Malaysia và con kém Philippines một chút thôi. Tôi chắc chắn là GDP sẽ sớm vượt Philippines, bởi tăng trưởng điện Việt Nam tốt hơn Philippines rất nhiều. Nước bạn đang tụt lùi vì thiếu điện trầm trọng.
Vì vậy, nếu khai thác được thủy điện nhỏ, thủy điện cóc, tôi ủng hộ cần khai thác triệt để. Tất nhiên, là phải có đánh giá môi trường kỹ lưỡng. Mà việc đó giao cho các chuyên gia, chứ không phải các anh hùng mạng.
Phạm Dương Ngọc
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả