Thủy điện có gây thêm lũ?
Nếu không có đập thủy điện, lũ vẫn thế, thậm chí cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện, lũ cao hơn rất nhiều.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS Vũ Thanh Ca, giảng viên Trường ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam.
Tôi từng có 6 năm dạy môn Kỹ thuật môi trường sông ở Đại học Saitama, Nhật Bản. Có lần khoảng năm 1995, ông Phan Văn Khải (khi đó là Phó Thủ tướng) sang Nhật, đi thăm các nơi và thấy choáng ngợp trước các công trình chống sạt lở núi của Nhật.
Phải tới Nhật xem những con đê, những sườn núi xây bê tông chặn lở đất mới thấy họ đã hiện đại hóa cao đến mức như thế nào. Vậy mà Nhật vẫn có khá nhiều người chết vì sạt lở núi, lũ và lũ quét, chứng tỏ sức tàn phá của lũ kinh khủng ra sao.
Mưa lớn, vỡ đê, sạt lở núi, lũ quét xả ra thường xuyên ở Nhật và nhiều trường hợp vượt quá mọi quy trình nên ngay cả Nhật Bản cũng không quy trách nhiệm cho ai được.
Quy trình xả lũ
Gần đây, cứ vào mùa mưa là có nhiều ý kiến về chuyện xây hồ thủy điện, chuyện xả lũ ở nước ta. Vậy chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Quy trình xả lũ của đập thủy điện hiện nay như sau:
Khi mưa về, hồ xả nước tới mức “đón lũ”. Gần đây, mức đón lũ được giảm xuống, tùy vào hồ có chức năng điều tiết lũ hay không.
Mưa vẫn lớn, lượng nước về hồ khá lớn; nước trong hồ dâng lên vượt một mức nào đó (ngưỡng thứ nhất, gọi là ngưỡng xả), hồ bắt đầu xả nước để giảm tốc độ nước dâng trong hồ. Lưu lượng xả nước tăng theo mực nước trong hồ.
Khi mực nước trong hồ đạt tới ngưỡng thứ 2, hồ xả nước với lưu lượng bằng lưu lượng nước về hồ. Lúc đó có thủy điện hay không có thủy điện lượng nước về hạ lưu vẫn thế. Thủy điện không xả quá lượng nước về vì nó vẫn cần tích nước phục vụ phát điện. Nước trong hồ là tài sản của nó.
Nếu không có đập thủy điện, lũ vẫn thế, thậm chí cao hơn
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, ngập lụt ở hạ lưu là do thủy điện xả lũ.
Vậy thủy điện có làm tăng lũ không?
Ta cứ làm thí nghiệm lấy 1 cái chậu đang có 1 ít nước, cho một vòi nước vào đó và cho nước chảy vào chậu. Ban đầu ít nước, nước giữ trong chậu. Sau đó mực nước trong chậu tăng lên, tới lúc tràn. Đây là xả lũ. Lúc này lượng nước từ vòi vào chậu bằng nước xả ra và mực nước trong chậu không đổi. Thủy điện là cái chậu đó. Cái chậu đó tích được thêm 1 ít nước, nhưng không sinh thêm ra nước để đổ ra ngoài. Nếu phía cuối sân có chỗ trũng thì rõ ràng là nước chảy qua chậu sẽ gây ngập ít hơn ở chỗ này.
Nhiều người cho rằng, thủy điện gây ra rất nhiều hệ lụy môi trường, sinh thái và làm gia tăng xói lở bờ biển do chặn dòng bùn cát chảy ra biển; thủy điện cũng có những nguy cơ gây lũ quét rất lớn nếu đập bị vỡ; nhưng không có cơ sở khoa học nào để nói thủy điện làm tăng lũ. Nếu không có đập thủy điện, lũ vẫn thế, thậm chí cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện, lũ cao hơn rất nhiều.
Ngày trước có thời gian tôi sống cùng gia đình cậu tôi ở ngay bờ, sát với sông Hồng, chỗ bến Hàm Tử bây giờ. Nhà tôi có sắm một cái thuyền tôn để hàng năm dùng vào mùa lụt. Năm nào nước cũng ngập tới lưng nhà, ngập đầu người và gia đình đều phải sơ tán, chỉ để 1 người nằm thuyền trông nhà.
Từ khi có đập thủy điện Hòa Bình thì không còn lũ. Chúng tôi đã chuyển khỏi bờ sông từ rất lâu rồi, nhưng chú ruột vợ tôi và chị họ vợ tôi vẫn sống ở ngoài đê. Từ khi có đập thủy điện, nhất là trong 15 năm gần đây, nhà họ chưa bao giờ bị lụt.
Thông thường, tùy vào điều kiện đất (trước đó có mưa hay không mà đất có bị ướt hay không), đất, hang hốc và lá, cành cây chỉ giữ được một lượng nước không lớn, cứ tạm cho là khoảng chừng 20cm hoặc 200mm. Vậy nước còn lại sẽ chảy về xuôi gây lụt. Nếu lượng mưa là 700mm thì lượng chảy về xuôi là 500mm.
Khi nước trong hồ thủy điện dâng lên tới mức đón lũ, hồ bắt đầu xả nhưng lượng xả bắt buộc phải nhỏ hơn rất nhiều lượng nước về. Khi mực nước trong hồ tăng lên, họ tăng lượng xả và khi đạt tới mực nước cực đại, hồ được phép xả với lưu lượng xả bằng lưu lượng nước về. Khi đó, có hồ cũng như không.
Vậy hồ chứa được 4m nước và mặt đất chứa được 0,2m nước. Nhiều hồ lớn, như thủy điện A Vương, chứa được 14m nước. Hồ có gây ra lụt lội không? Tất nhiên là không!
Tôi không ủng hộ thủy điện
Nước là tiền nên các nhà quản lý thủy điện không “xả lấy xả để” đâu. Hơn nữa, các thủy điện nhỏ không có chức năng điều tiết lũ nên nó xả nhiều nhất đúng bằng lượng nước vào hồ thôi. Hoàn toàn không có lý do để xả thêm. Tuy vậy, các thủy điện có xả kiểu gì thì lượng nước xả luôn ít hơn hoặc bằng lượng nước vào, tức là thủy điện không tạo ra thêm lũ.
Các hồ thủy điện ở Việt Nam, đặc biệt là Hòa Bình, đều vận hành theo các quy trình được xây dựng theo chuẩn quốc tế. Sau khi có đập thì Hà Nội hầu như không còn lũ.
Đập thủy điện đúng là tác động môi trường cực lớn, nhưng không làm tăng rủi ro lũ.
Tôi không ủng hộ thủy điện và nếu được chọn, tôi sẽ theo mô hình Mỹ, phá thủy điện cũ đi, không xây thêm thủy điện mới mà chỉ phát triển nhiệt điện và các dạng năng lượng khác.
Chuyện phát triển kinh tế mà giảm tiêu thụ điện thì chỉ có lên thiên đường. Hiện nay, cả nông thôn cũng dùng điều hòa nhiệt độ nên năng lượng càng ngày càng thiếu. Ta vẫn phải phát triển tiếp. Vấn đề là phát triển sao cho đúng mà thôi.
Vũ Thanh Ca/VNN