Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về chiến lược quốc phòng trong tình hình mới
Nhờ vị thế, nỗ lực của đất nước mà các nước lớn cùng chấp thuận, không đứng ngoài sân chơi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhìn lại những dấu ấn quân sự, quốc phòng năm qua.
Không ngừng trệ vì đại dịch
Thưa Thượng tướng, trong bối cảnh năm 2020 có rất nhiều biến động, việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng gặp thuận lợi và thách thức như thế nào?
Năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ và thuận lợi cơ bản trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự là chúng ta có sự lãnh đạo rất thường xuyên, chặt chẽ của Đảng, sự hỗ trợ điều hành của Chính phủ và đạt được thành tích cũng như thực hiện được nhiều nhiệm vụ trong 4 năm.
Tuy nhiên, đây cũng là năm đầy khó khăn và thách thức, cả thế giới bị ngưng trệ vì đại dịch Covid-19 mà không một châu lục hay quốc gia nào tránh khỏi. Nhìn trên bình diện quốc gia, Việt Nam đã chống chọi rất tốt và đến nay cơ bản là kiểm soát được. Tuy nhiên, quân đội có nhiệm vụ hết sức nặng nề. Đó là tham gia phòng, chống dịch như khử khuẩn, canh gác biên giới, chống xuất nhập cảnh lậu, thực hiện cách ly hàng trăm nghìn người…
Bên cạnh đó chúng ta phải thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Đó là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đem lại bình yên cho đất nước. Nói thì tưởng dễ nhưng đi vào từng công việc cụ thể là rất khó khăn. Để đảm bảo bảo vệ được chủ quyền, việc đầu tiên là không để Covid-19 lây lan vào quân đội, không để cán bộ chiến sĩ nào bị nhiễm bệnh, nhất là các khu vực xa xôi cách trở.
Thứ hai là trong dịch nhưng nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu không được buông lơi bất kỳ giờ phút nào. Năm 2020, toàn quân đã điều hành, chỉ huy tất cả lĩnh vực, không một đơn vị nào ngưng trệ hay người ta gọi là đóng băng vì dịch.
Bảo vệ chủ quyền chính đáng theo luật pháp quốc tế
Những kết quả nổi bật của đối ngoại quốc phòng trong năm qua là gì, thưa ông?
Đối ngoại quốc phòng là một bộ phận của đối ngoại nhà nước và đặc trưng của đối ngoại quốc phòng là xây dựng lòng tin. Quân đội là lực lượng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Trong thời bình, đây là lực lượng rất đặc biệt để bảo vệ hòa bình, bảo vệ tình hữu nghị giữa các quốc gia bằng sự hợp tác và cam kết không sử dụng vũ lực trong mọi vấn đề của quan hệ quốc tế.
Trong văn kiện của Đảng, qua nhiều lần Đại hội đã nói chúng ta phải bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa nhưng là bảo vệ bằng biện pháp hòa bình. Ngoài bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ chế độ và nhân dân còn là bảo vệ hòa bình. Vì vậy, quân đội phải tham gia tích cực vào hoạt động đối ngoại.
Trong hoạt động đối ngoại, đầu tiên chúng ta quan tâm đến quan hệ với các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc, làm sao để có mối quan hệ thuận hòa, đặc biệt là đường biên giới ổn định, hòa bình. Chúng ta đã có đường biên giới trên bộ, trên vịnh Bắc Bộ hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển. Đó chính là phên dậu, là động lực và cơ sở để đất nước ổn định, phát triển.
Ở Biển Đông, dù còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng ta vẫn giữ được những gì mà chúng ta đang giữ và không ngừng đấu tranh để bảo vệ chủ quyền chính đáng theo luật pháp quốc tế. Trong khi đó, các hoạt động lao động hòa bình trên biển như dầu khí, đánh cá, nghiên cứu biển, giao thông, du lịch vẫn phát triển.
Thứ hai là chúng ta quan hệ với các nước lớn cũng như nước có lợi ích liên quan đến Việt Nam. Ta có quan hệ với hơn 80 quốc gia về mặt quốc phòng, quân sự. Các mối quan hệ đều có nội dung thực chất, đem lại hiệu quả thiết thực cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Về đa phương, quan hệ quốc phòng, quân sự của Việt Nam trong ASEAN rất nổi bật. Không chỉ dừng ở đó, năm 2019 chúng ta chính thức ký hợp tác và là thành viên đối tác của Liên minh châu Âu (EU) về mặt quốc phòng, quân sự.
Một mối quan hệ rất xa xôi, nhưng chúng ta nên nhớ năm 2020 chúng ta có được hiệp định EVFTA với EU với những điều kiện rất thuận lợi cho phát triển kinh tế đất nước. Không có hiệp định hợp tác quốc phòng thì không có lòng tin, không có lòng tin thì sẽ không đi đến những hiệp định về kinh tế -xã hội.
Chúng ta cũng tăng cường các hoạt động ở môi trường LHQ. Năm nay là năm đầu tiên khi 2 sĩ quan Việt Nam thi và trúng cử vào cơ quan tham mưu chiến lược LHQ. Điều này rất thuận lợi để triển khai các hoạt động. Quan trọng hơn, điều này thể hiện đánh giá của LHQ về vai trò của Việt Nam. 2020 cũng được xem là năm tỏa sáng của nữ sĩ quan Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ vào khoảng 17% tỉ lệ cao nhất hiện nay của tất cả các nước trên thế giới. Các nữ sĩ quan đều được đánh giá là hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.
Tuyên bố chung với tầm nhìn chiến lược
2020 cũng là năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò kép ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Chủ tịch ASEAN. Thượng tướng có thể đánh giá những đóng góp của hoạt động đối ngoại quốc phòng trong việc nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới?
Chuẩn bị bước vào 2020, chúng ta đưa ra kế hoạch rất nhiều nội dung, đặt ra yêu cầu rất cao để có thể nói là bứt phá về mặt vị thế của đất nước cũng như tiếng nói trên trường quốc tế. Tuy nhiên, ngay đầu năm, ta bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và phải tính toán lại toàn bộ các nội dung công việc.
Về mặt quốc phòng, ngay từ khi bắt đầu có dịch, quân đội phải chuyển toàn bộ hoạt động để thích ứng với tình hình dịch bệnh kéo dài. Ví dụ chuyển sang hình thức trực tuyến rất sớm. Thứ hai, chúng ta xác định dù có dịch nhưng vẫn giữ nguyên các nội dung hợp tác quốc tế về đối ngoại với cả ASEAN, và LHQ, duy trì tốt hoạt động gìn giữ hòa bình, không rút quân.
Đã cuối năm, chúng ta có thể vui lòng nói rằng tất cả những gì chuẩn bị đều hoàn thành tốt về mặt nội dung, cho dù có những thiệt thòi về mặt lễ tân, hình thức. Mới đây, ta tổ chức hội nghị ADMM+ gồm 10 nước ASEAN, 8 nước đối tác và lần này thêm 5 khách mời (EU, Canada, Pháp, Anh, Đức). Bộ trưởng Quốc phòng tất cả các nước đều có mặt.
Nội dung thảo luận tại hội nghị rất bổ ích cho Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền, nâng cao vị thế đất nước nhưng cũng tạo được sự đồng thuận của các nước. Điều này là vô cùng khó trong bối cảnh cọ xát chiến lược, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn. Đặc biệt ta đã ký Tuyên bố chung của ADMM+ với tầm nhìn chiến lược.
Năm 2010 chúng ta tổ chức hội nghị ADMM+ đầu tiên và ra được tuyên bố chung. Năm 2013, hội nghị ra tuyên bố chung lần 2. Từ đó đến nay không ra được tuyên bố chung vì thiếu sự thống nhất.
Lần này chúng ta đã ra tuyên bố chung gồm đầy đủ những nội dung, ý tứ của chúng ta. Ví dụ như vấn đề Biển Đông, vấn đề không sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, không làm phức tạp tình hình, tôn trọng thể chế chính trị…
Tất cả những nội dung này chúng ta đều đưa vào được tuyên bố chung cho dù là nhạy cảm với một số nước. Đó là nhờ vị thế đất nước, vị trí địa chính trị, những nỗ lực của đất nước ta trong những năm vừa qua để các nước lớn cùng chấp thuận không đứng ngoài sân chơi.
Cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng căng thẳng
Trong năm 2021, Thượng tướng có những nhận định thế nào về tình hình an ninh quốc phòng trên thế giới cũng như những đường hướng của Việt Nam thời gian tới?
Tôi nghĩ là tình hình năm 2021 vẫn theo xu hướng của những năm vừa qua, đó là cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng căng thẳng hơn. Và những cạnh tranh chiến lược ấy càng ngày càng đổ về châu Á Thái Bình Dương nhiều hơn.
Chúng ta phải tích cực đẩy mạnh hơn quan hệ quốc phòng. Vì chúng ta cần chủ động, phải đưa ra luật chơi chứ không ngồi chờ. Bên cạnh quan hệ đa phương như đã đề cập, chúng ta phải rất coi trọng quan hệ song phương, nhất là với các nước láng giềng Lào, Campuchia, Trung Quốc, những nước bạn bè cũ như Nga, Cuba hay nước đang phát triển mạnh mẽ như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Hợp tác quốc phòng phải được đẩy mạnh để tăng sự tin cậy và trên cơ sở đó để phát triển kinh tế xã hội đất nước. Một lĩnh vực nữa mà đối ngoại quốc phòng cũng phải cố gắng hơn, đó là khắc phục hậu quả chiến tranh. Hợp tác quốc tế rất quan trọng để huy động nguồn lực về tài chính, công nghệ rồi về truyền thông… để chúng ta thực hiện nhiệm vụ này.
Thái An – Xuân Quý – Phạm Hải/ VNN