Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể chuyện quân đội chống ‘giặc’ COVID-19
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ những câu chuyện quân đội đi đầu chống ‘giặc’ COVID-19.
Chia sẻ với PV, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, những thành công bước đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đã giúp người dân càng thêm tin tưởng vào Đảng, Chính phủ Việt Nam, là nền tảng giúp đất nước đối phó hiệu quả với những thách thức trong tương lai.
Thế trận quốc phòng toàn dân và yếu tố “rất Việt Nam”
– Nhìn lại những thành công ở giai đoạn ban đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID 19, Thượng tướng có những nhận xét gì?
Nói đến thành công bước đầu trước trong công tác phòng chống dịch COVID-19, phải nói đến sự lãnh đạo của toàn Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của nhân dân, trong đó quân đội có đóng một phần công sức.
Tôi nghĩ rằng, về khía cạnh quốc phòng, có thể rút ra 3 bài học kinh nghiệm, cũng như 3 nguyên nhân dẫn đến thành công.
Trước hết, chúng ta có dự báo chính xác, dự báo sớm về sự phát triển của dịch COVID-19. Việc dự báo cái chưa từng diễn ra là không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có, thông tin chính xác và những cái đầu sáng suốt, để đưa ra dự báo đúng.
Như chúng ta đã biết, ngay đầu năm 2020, khi thế giới mới bắt đầu chớm dịch, lúc bấy giờ chính phủ đã tổ chức các cuộc họp và xác định đây là nguy cơ đối với đất nước nếu chúng ta không sẵn sàng.
Ngay trước Tết, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ đã được thành lập và đi vào hoạt động, khi mà các nước còn chưa nhận thức hết về mối nguy hại của dịch bệnh này.
Đối với quân đội, ngay sau khi có Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Bộ Quốc phòng cũng thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch và sau đó tổ chức 2 đợt diễn tập lớn.
Trong đó có 1 cuộc diễn tập tham mưu và đặc biệt là diễn tập thực binh toàn quân. Có khoảng 15.000 cán bộ, chiến sỹ tham gia cuộc diễn tập này trên toàn quốc. Tình huống giả định là số ca nhiễm COVID-19 lên đến hàng chục nghìn người, còn số người được cách ly và điều trị là từ 30.000 – 50.000 người. Con số cách ly hiện nay phù hợp với tình huống giả định ấy.
Sau cuộc diễn tập, chúng ta đã rút ra nhiều kinh nghiệm thực tế và quân đội nhanh chóng bước vào công tác chuẩn bị, tập huấn cho cán bộ, chiến sỹ, chuẩn bị trang thiết bị, chuẩn bị bám nắm tình hình và tác chiến chỉ huy cho phù hợp với cuộc chiến đấu trong thời bình, mà trong quốc phòng gọi là mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Nhìn lại các nước trên thế giới, kể cả các nước lớn như Mỹ hay các nước có khoa học kĩ thuật tiên tiến ở châu Âu và các nước phát triển khác, hầu hết họ đều bị bất ngờ, lúng túng. Từ đó dẫn đến số lượng ca nhiễm là rất lớn.
Trong khi đó, Việt Nam chúng ta không bị bất ngờ chiến lược và không để bị động trước đại dịch COVID-19. Chúng ta đã đạt được tiên cơ trong cuộc chiến chống COVID-19.
Thứ hai, là khả năng chuyển trạng rất nhanh của đất nước nói chung, cũng như của quân đội nói riêng. Về vấn đề chuyển trạng thái của đất nước, trong dân sự, chúng ta thường nói là chuyển trạng thái bình thường sang trạng thái đột xuất hoặc trạng thái cảnh báo ở mức cao.
Còn trong quốc phòng, đó là việc chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến. Đây thực sự là một cuộc chiến chống kẻ thù, như Thủ tướng đã nói “chống dịch như chống giặc”.
Nhờ sự chuyển trạng thái này mà chúng ta rất chủ động. Nếu hình dung khi bước vào chiến dịch quân sự, chuyển trạng thái tốt, chúng ta sẽ có sự chủ động, chúng ta sẽ chiếm được tiên cơ và xử lý vấn đề ngay khi sự việc diễn ra.
Ở đây, có khó khăn trong việc ngăn sông cấm chợ, hạn chế giao thương trong nước và quốc tế hay huy động lực lượng. Song chúng ta đã chuyển trạng thái đất nước rất nhanh, có thể thấy rõ sự hiểu biết và tính kỷ luật của người dân Việt Nam.
Tôi cho rằng đây là điểm rất đặc biệt và rất Việt Nam. Người dân rất chủ động, chấp hành mệnh lệnh, chỉ thị, quy định của Chính phủ.
Nguyên nhân thứ ba là, chúng ta áp dụng thế trận toàn dân phòng chống dịch. Trong quốc phòng, thường gọi là “thế trận quốc phòng toàn dân”. Còn ở đây là thế trận toàn dân chống dịch.
– Có thể hình dung thế trận này thế nào, thưa ông?
Chúng ta hay gọi là 4 tại chỗ. Bản chất là tỉnh lo tỉnh, huyện lo huyện, xã lo xã và trung ương lo việc trung ương. Chúng ta không xáo trộn đội hình và chủ động lo từng bước từ thấp đến cao.
Chúng ta không dồn bệnh nhân ở thành thị lên trung tâm duy nhất.
Nếu trong chiến tranh, chúng ta thực hiện chiến thuật “tỉnh giữ tỉnh, huyện giữ huyện, xã giữ xã”, thì trong đại dịch lần này chúng ta cũng làm tương tự, để ngăn chặn không lây lan bệnh ra toàn quốc.
Nhìn lại 3 bài học này, chúng ta thấy yếu tố “rất Việt Nam”. Chúng ta có những kinh nghiệm trong thời bình, trong quá trình phát triển, nhưng không thể không nhắc đến những kinh nghiệm huy động sức mạnh toàn nhân dân, toàn quốc trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Việc này khó có thể thực hiện được nếu không có một hệ thống chính trị như Việt Nam.
Các quốc gia trên thế giới cũng có cách làm rất tốt, nhưng cách làm của Việt Nam là rất hiệu quả và phù hợp với tình hình trong nước.
Chúng ta có khả năng huy động sức mạnh của quốc gia vào các nhiệm vụ cấp bách trước mắt một cách nhanh nhất, với một khả năng tốt nhất và đảm bảo không làm phương hại tới nền tảng xã hội. Đây là những bài học quý báu trong thời gian tới.
Tôi muốn nhắc lại rằng, trong thời gian gần đây, dịch COVID-19 đã lùi dần, chúng ta đã có những thành công nhất định. Nhưng đây là kết quả bước đầu, chưa thể ngồi yên và không thể nói rằng dịch bệnh không quay lại.
Không chỉ với dịch COVID-19, trong tương lai, với bối cảnh biến đổi môi trường và khí hậu thế này, khả năng sẽ xuất hiện thêm các dịch bệnh khác nữa. Ở đây, dịch bệnh có yếu tố thiên nhiên song có cả bàn tay phá huỷ môi trường của con người. Đây là vấn đề mà chúng ta phải nhận thức được.
Lòng tin của nhân dân
– Tại sao chúng ta có khả năng thích nghi với những diễn biến phức tạp của đại dịch một cách nhanh chóng, chính xác và toàn diện như vậy? Phải chăng yếu tố này thể hiện tính ưu việt trong công tác quản trị quốc gia, thể hiện tính ưu việt của chế độ chính trị cũng như sức mạnh, tiềm lực thực chất của Quân đội Việt Nam?
Trong 3 tháng vừa qua, xét về mặt chiến lược vĩ mô, theo tôi chúng ta thu được 3 kết quả lớn. Đầu tiên là việc chúng ta nhận thức được về dịch bệnh mang tính chất quốc gia và toàn cầu.
Với Quốc phòng, chúng ta nhận thức về nguy cơ, đe dọa hay các thách thức an ninh phi truyền thống. Chúng ta đã chứng kiến và là nạn nhân của dịch bệnh này. Và chúng ta hiểu một cách sâu sắc rằng, nếu không chuẩn bị tốt, không dự báo tốt, không có cách làm tốt thì chúng ta sẽ rơi vào thảm họa, giống như thế giới hiện đang gánh chịu.
Thứ hai, chúng ta bước đầu có cách thức, kinh nghiệm trong điều hành vĩ mô, cũng như xử lý, điều hành phòng chống dịch bệnh, cách ly và các biện pháp xã hội, y tế, sản xuất vật tư y tế ra sao.
Ở đây tôi không nói về mặt kỹ thuật, mà muốn nói đến thời gian và phương pháp. Tức là làm sao kết hợp giữa nhà nước và các doanh nghiệp, kết hợp trong quan hệ quốc tế.Chúng ta đã có những bài học cụ thể.
Tuy nhiên, những bài học này chỉ mới là bước đầu.
Thành công thứ ba đó là lòng tin. Trước hết đó là lòng tin của nhân dân đối với hệ thống chính trị. Đặc thù Việt Nam là do Đảng lãnh đạo, chính phủ điều hành và quân đội là nòng cốt trước những thách thức to lớn.
Tôi thấy người dân rất tin vào Đảng và Chính phủ. Tin vào thành công và tin vào những giải pháp để chấp hành cho tốt. Đó là thành công mang tính chất lâu dài. Đó là nền tảng giúp chúng ta đối phó hiệu quả với những thách thức trong tương lai.
– Và những công việc tiếp theo sẽ là gì, thưa ông?
Vấn đề tiếp theo là chúng ta sẽ dự báo tình hình ra sao và cần chuẩn bị như thế nào trong thời gian tới.
Theo tôi, quan trọng đầu tiên là phải giải quyết dứt điểm dịch COVID-19. Việt Nam phải có thuốc đặc trị và vaccine hữu hiệu, để biến COVID-19 thành bệnh cúm bình thường.
Chúng ta không thể chờ từ nước ngoài được, phải độc lập tự chủ. Hiện Chính phủ và Bộ Y tế đã có chủ trương rất rõ ràng về vấn đề này. Và tất nhiên lực lượng quân đội cũng sẽ đóng góp tích cực.
Mới đây, WHO công nhận bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Học viện Quân y Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đó chỉ là một trong các vấn đề chúng ta phải giải quyết.
Thứ hai là chuẩn bị về cách sống mới, xã hội mới, có khả năng thích ứng với điều kiện thảm họa. Làm sao để giữ gìn sức khỏe, tránh lây lan dịch bệnh. Đây không phải là vấn đề mới. Chúng ta cần quay lại các vấn đề cơ bản như vệ sinh cá nhân, được dạy cho học sinh ở tuổi mới lớn. Đó là văn hóa khi tiếp xúc cộng đồng. Phải tự nhận thức được sức khỏe của mình là đáng quý, có tinh thần chung với tính kỷ luật cao, tuân thủ luật pháp. Tôi cho rằng đây cũng là thời cơ để chúng ta nâng cao văn minh xã hội, cách ứng xử.
Thứ ba, phải chuẩn bị về trang bị, điều kiện, nguồn lực để đối phó với những tình hình xấu như thế hoặc hơn. Chúng ta là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, nhưng đây vẫn là ưu tiên tôi cho rằng quốc gia cần phải quan tâm, để khi tình huống xảy ra thì chúng ta chí ít có đủ trang bị nguồn lực để xử lý bước đầu dịch bệnh. Trên cơ sở đó, chúng ta dồn nguồn lực của quốc gia vào để giải quyết tập trung thì mới có thể yên tâm.
Thứ tư, trong dịch COVID-19, Việt Nam có uy tín quốc tế rất đáng khích lệ. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia làm tốt trong dịch COVID-19. Đồng thời chúng ta cũng được đánh giá dù là nước khó khăn, nhưng đã làm rất tốt việc chia sẻ trong công tác phòng chống COVID-19. Trong nỗ lực thực hiện chủ trương chung của chính phủ, thì quân đội cũng tham gia tích cực.
Chủ động đề xuất tuyên bố chung
– Trong hợp tác quốc tế chống dịch, quân đội cũng được đánh giá là đi đầu…
Đặc thù của việc chống dịch vừa là vấn đề y tế, xã hội vừa là vấn đề quốc phòng, trên cơ sở khái niệm mới của thế giới, đó là thách thức, đe dọa an ninh phi truyền thống. Ngay từ khi chúng ta bắt đầu phòng chống dịch COVID-19, quân đội đã xác định là hợp tác chống dịch COVID-19 vừa là yêu cầu, vừa là trách nhiệm của Việt Nam về mặt quốc phòng.
Chúng ta lại đang nắm vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp Quốc.
Vào tháng 2, có một hội nghị rất quan trọng của Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN được tổ chức. Lúc bấy giờ dịch mới bắt đầu, khi cuộc họp diễn ra ở Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đưa ra một đề nghị là ra Tuyên bố chung của các nước ASEAN về hợp tác phòng chống dịch COVID-19.
Có Bộ trưởng Quốc phòng hỏi rằng điều đó có thực sự cần thiết không? Chúng ta đã kiên trì giải thích và trong một thời gian kỷ lục là hai ngày chúng ta đã ra được Tuyên bố chung.
Cho đến nay, bản Tuyên bố chung này hoàn toàn phù hợp với thực tế và mong muốn của các quốc gia.
Một ví dụ khác, chúng ta đã tổ chức một loạt các Hội nghị của các nước ASEAN, các nhóm làm việc, nghiên cứu, Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng với yêu cầu bảo vệ sức khỏe ở mức cao nhất, có chuẩn bị và diễn tập.
Các Bộ trưởng Quốc phòng khi sang Việt Nam rất ngạc nhiên khi chúng ta đề nghị đây là Hội nghị đầu tiên không bắt tay, không chụp ảnh theo phong cách ASEAN là bắt chéo tay, và cách ly ngay lập tức tất cả các đoàn khi sang Việt Nam.
Việt Nam có những bệnh viện dự phòng để bất kỳ thành viên nào nếu nhiễm bệnh đều được cách ly ngay lập tức. Sau khi hội nghị kết thúc, chúng tôi cũng đề nghị các nước sau 14 ngày trả lời về tình trạng sức khỏe. Rất vui cho chúng ta, tất cả các quốc gia, nhất là các bộ trưởng quốc phòng trả lời đều khỏe mạnh.
– Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đã được “giữ sạch” khỏi virus corona, nhưng tiếc là con tàu đó lại không giữ được an toàn sau khi rời khỏi Việt Nam…
Vào thời điểm đầu tháng 3, khi dịch bắt đầu gây hoang mang dư luận quốc tế, tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng. Tổng số thuyền viên, nhân viên kỹ thuật trên tàu sân bay là gần 7.000 người, chưa kể thân nhân bay sang thăm Đà Nẵng cùng các thuyền viên. Chúng ta làm rất chặt quy định về phòng chống dịch.
Tất cả các thủy thủ lên bờ đều phải kiểm tra, không bị nhiễm COVID-19 mới được lên bờ. Sau khi lên bờ, nghỉ ngơi, giao lưu, trước khi xuống tàu cũng phải kiểm tra, đảm bảo không bị nhiễm mới được xuống tàu. Chúng tôi yêu cầu sau 14 ngày, đề nghị phía Mỹ trả lời là có ai bị nhiễm không. Tới ngày 20/3, tức là 14 ngày sau đó, Mỹ trả lời là an toàn. Đáng tiếc là giờ thì tàu của họ lại nhiễm bệnh.
Những việc này cho thấy Bộ Quốc phòng Việt Nam thực hiện đúng chỉ thị của Chính phủ nhưng cũng rất sáng tạo, chủ động.
– Chúng ta sẽ tiếp tục có những hợp tác quốc phòng gì trong chống dịch COVID-19 nữa, thưa Thượng tướng?
Sắp tới đây, trong ít ngày nữa chúng ta sẽ họp nhóm làm việc cấp thứ trưởng Bộ Quốc phòng các nước ASEAN về việc chuẩn bị cho cuộc diễn tập quân y trực tuyến các nước ASEAN về việc phòng chống dịch nói chung, nhưng mở rộng là phòng chống an ninh phi truyền thống.
Các nước ASEAN, theo sáng kiến của Việt Nam, đồng ý xây dựng Bộ quy tắc ứng phó dịch bệnh và các thách thức an ninh phi truyền thống. Các nước nói rằng, đây là 2 nội dung không có trong chương trình mà được làm tốt đã chứng tỏ Việt Nam xứng đáng là Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Không chỉ là có các nước ASEAN, các đối tác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản cũng muốn tổ chức các cuộc họp tương tự ở tầm cao hơn. Chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề này, nếu các nước ASEAN đồng thuận, sẽ tổ chức các cuộc họp trong khuôn khổ hợp tác ADMM+ vào khoảng quý 3 năm nay.
Việt Nam hào hiệp
– Qua đại dịch này, thế giới đã biết đến một Việt Nam đầy hào hiệp, như Tổng thống Donald Trump đã nói…
Về quan hệ song phương, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ theo khả năng của mình. Đầu tháng 3, Trung Quốc khủng hoảng về vật tư y tế và đã nhờ Việt Nam hỗ trợ.
Nên nhớ, Trung Quốc là một nước lớn với tiềm lực quốc phòng, kinh tế, khoa học kĩ thuật hơn chúng ta rất nhiều. Nhưng Việt Nam vẫn giúp nước bạn về trang bị y tế đúng với yêu cầu của Trung Quốc.
Đại sứ Trung Quốc, khi tiếp nhận món quà viện trợ này, cũng nói với Bộ Quốc phòng Việt Nam là “cảm ơn Việt Nam”, đề cao sự hào hiệp cũng như quan tâm của Việt Nam với Trung Quốc.
Với Lào, Campuchia, hai nước bạn có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam, thì chúng ta cũng giúp bạn như thời chiến tranh. Trung ương giúp Trung ương, địa phương giúp địa phương. Việt Nam cử các tổ chuyên gia giúp bạn về mặt chính sách, điều hành quốc gia cũng như chữa trị và đối phó với dịch bệnh.
Các địa phương đưa người, thiết bị sang giúp đỡ nước bạn, đồng thời cũng giúp Việt kiều ở hai nước bạn vượt qua khó khăn. Những đóng góp ấy của Việt Nam được các nước đánh giá rất cao.
Không chỉ với Trung Quốc, Lào hay Campuchia mà một số nước lớn như Anh, Đức, Nhật Bản cũng đề nghị Việt Nam hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm. Đây là lần đầu tiên một nước nghèo, gặp khó khăn như chúng ta lại đi hỗ trợ các nước lớn như vậy. Đây là điều đáng tự hào.
Việt Nam có thể còn nghèo, khó khăn nhưng đã giúp thì giúp thứ tốt nhất và thứ được thế giới thừa nhận. Chúng ta tuyệt đối không giúp bất cứ quốc gia nào những thứ mà họ không dùng được, đánh giá thấp trừ vấn đề liên quan dự trữ quốc gia để phục vụ cho đất nước, Chính phủ phòng chống dịch.
Ngoài ra, những gì chúng ta có thể, chúng ta đều giúp bạn một cách rất chân tình, có trách nhiệm.
Nhưng chúng ta cũng nhận được sự giúp đỡ từ các quốc gia khác.
Ở đây, tôi đặc biệt muốn nói tới nước còn đang gặp khó khăn về kinh tế như Cuba, nhưng luôn sẵn sàng hỗ trợ chúng ta vô tư, chí tình và thực chất.
Với năng lực vượt trội trong nghiên cứu công nghệ sinh học, ngay khi nhận được đề nghị hợp tác của Việt Nam, các đồng chí Cuba đã nhanh chóng phối hợp với chúng ta tổ chức các buổi trao đổi trực tuyến cấp chuyên gia để chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch; đồng thời chủ động tuyên bố sẽ tặng Việt Nam 1.000 liều thuốc để chữa trị cho 1.000 bệnh nhân nặng.
Cuba cũng đã thông báo với chúng ta công nghệ mà họ có để sản xuất thuốc có thể chống dịch COVID-19 cũng như thuốc chống dịch bệnh. Các chuyên gia hàng đầu về y học sinh học của Cuba cũng sẵn sàng sang Việt Nam để phối hợp nghiên cứu và triển khai hoạt động phòng, chống dịch.
Đối với cộng đồng quốc tế, trong chiến dịch chống đại dịch COVID-19 này, Cuba đã cung cấp thuốc hỗ trợ điều trị cho 40 nước và chuyên gia cho 10 nước, kể cả những nước lớn và giàu có như châu Âu. Chúng tôi đánh giá rất cao sự hào hiệp cũng như tấm lòng của Cuba với Việt Nam và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Về quan hệ quốc tế, quốc phòng, qua lúc khó khăn này, chúng ta biết ai là bạn, ai là đối tác thông thường. Khi mình gặp khó khăn ai sẽ giúp đỡ mình, ai sẽ quay lưng với mình. Đồng thời, chúng ta cũng có thể thấy chính sách đối ngoại của chúng ta trong những năm vừa qua, đường lối hết sức đúng đắn với các nước láng giềng và các nước đối tác trên toàn thế giới.
Láng giềng là phải giúp nhau, quay lưng là không được. Thứ hai là các nước bạn bè cũ. Thứ ba là các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước ASEAN. Đó là những nước mà chúng ta có niềm tin trong đợt vừa rồi và cũng là niềm tin của chúng ta trong những bước phát triển tiếp theo để bảo đảm an ninh cho đất nước, trong khu vực cũng như trên thế giới.
– Quân với dân như cá với nước. Trong đại dịch này, ý nghĩa câu nói lại càng trở nên rõ ràng hơn, thưa ông?
Xác định nhiệm vụ của quân đội trong phòng chống dịch COVID-19, việc giúp dân cũng như tham gia vào nhiệm vụ chung của Đảng và Nhà nước và Chính phủ là nhiệm vụ thường xuyên của quân đội.
Tuy nhiên, từ nhiệm kỳ này, với nhận thức mới về những thách thức an ninh phi truyền thống, chúng ta đưa việc giúp dân vào nhiệm vụ quốc phòng.
Tôi còn nhớ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong phiên họp Quân ủy đầu tiên của khóa này có nói rằng giờ đây những việc đó không còn là giúp dân nữa mà là nhiệm vụ thường xuyên của quân đội. Đã là nhiệm vụ thường xuyên thì phải xác định nhiệm vụ, phải có nắm tình hình, có huấn luyện, trang bị để đáp ứng yêu cầu.
Vì thế, trong dịp COVID-19 này, mặc dù quân đội còn khó khăn song đã vào cuộc rất chủ động. Chúng ta được trang bị những thứ thiết yếu để thực hiện nhiệm vụ được giao, chuẩn bị tinh thần cho bộ đội. Bộ đội giờ đây không chỉ biết cầm súng mà còn làm thay phần việc của bác sĩ, y sĩ để làm nhiệm vụ cách ly, nấu cơm, nuôi người dân trong các khu cách ly.
Đây là những nhiệm vụ mới, nhận thức mới song chúng ta đã thực hiện rất tốt.
Trên thực tế, tiếp xúc với những người bệnh, những người cách ly, không ai không nghĩ đến gia đình mình và không ai không nghĩ đến môi trường xung quanh mình có an toàn hay không.
Song không ai từ chối nhiệm vụ. Điều đó cho thấy nỗ lực, đóng góp của những cán bộ làm công việc trực tiếp nói riêng và lực lượng quân đội nói chung trong thời gian qua.
Đóng góp của quân đội cơ bản xuất phát từ nhận thức cũng như ý thức của cán bộ, chiến sĩ vốn đã được giáo dục từ trước cũng như sự chuẩn bị kịp thời, cần thiết về mặt lực lượng, con người, trang thiết bị cần thiết ngay sau khi Chính phủ có chỉ thị.
– Đại dịch được nhận định là sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề về an ninh phi truyền thống, như Thượng tướng đã nói. Vậy quân đội sẽ phải chuẩn bị những gì để đương đầu với những nguy cơ đó, thưa ông?
Về nhiệm vụ chiến lược, trước hết, quân đội phải nắm được tình hình, không để bị động, bất ngờ về mặt chiến lược. Tình hình cụ thể đây là những nguy cơ, đe dọa về quốc phòng, đó là vấn đề chủ quyền, ổn định chế độ và những vấn đề về an ninh phi truyền thống.
Nhiệm vụ chiến lược này nhằm đáp ứng hai mục tiêu. Một là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, hai là bảo vệ hòa bình. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong tình hình hiện nay, song khó đến mấy cũng phải làm.
Để làm được những nhiệm vụ này, có rất nhiều yêu cầu đặt ra đối với lực lượng quân đội trong thời gian tới. Trong đó, việc quan trọng nhất đó là tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội, từ người chỉ huy cao nhất cho đến người chiến sĩ.
Trong bối cảnh thế giới hội nhập, toàn cầu hóa, bùng nổ về cách mạng 4.0, tốc độ các nguy cơ, thách thức diễn ra rất nhanh. Chúng ta không thể trông chờ ai nói hộ hay dự báo hộ mình được.
Do đó, Quân uỷ Trung ương xác định xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội cũng như cho thế trận quốc phòng toàn dân là nhiệm vụ then chốt. Trong đó, có phẩm chất chính trị, có kiến thức về quốc phòng quân sự và những kiến thức chung, từ đó mới để có thể đáp ứng yêu cầu.
– Xin cảm ơn Thượng tướng!
(Theo VTC)