+
Aa
-
like
comment

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và nỗi trăn trở giữ uy tín cho Đảng

Đặng Trường - 30/12/2020 17:06

Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các Bộ, ban, ngành, thậm chí người dân Việt Nam đã cùng nhau chung sức đồng lòng tạo nên một bức tranh phòng, chống tham nhũng sắc nét. Quyết tâm “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế” được lan tỏa và thấm nhuần vào tư tưởng và hành động của các cơ quan, tập thể, cá nhân chống tham nhũng. Trong buổi Hội nghị lần thứ ba Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng đã nhấn mạnh thêm rằng: “Gần đến Đại hội XIII nhưng các cơ quan vẫn đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng là để giữ uy tín cho Đảng”.

Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng mong muốn: “Chống tham nhũng mạnh hơn nữa”.

Theo thống kê được biết, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII đến nay, Việt Nam đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Những tháng đầu năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng cũng đã yêu cầu tập trung đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm như vụ án tham ô tham nhũng của Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Nhôm, Nguyễn Thành Tài,… Những người lãnh đạo tham ô tham nhũng bị phát hiện và xử lý góp phần làm trong sạch bộ máy và thu lại ngân sách cho đất nước nhưng cũng phần nào gây ảnh hưởng đến uy tín, tổ chức đảng. Chính vì vậy việc duy trì công tác chống tham nhũng là một phần trong hành trình tìm kiếm, gầy dựng lại niềm tin trong nhân dân.

Năm 2020 mà một năm đầy biến động với Việt Nam. Bên cạnh những thành tựu đạt được trên lĩnh vực kinh tế, ngoại giao thì nước ta cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, nhất là ở thời điểm gần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đang sắp đến gần nhưng các cơ quan có thẩm quyền vẫn tiếp tục kỷ luật đảng viên vi phạm, điều tra, xét xử các vụ án theo quy định pháp luật. Một Trưởng ban kinh tế Trung ương bị kỷ luật. Trong quá trình kiểm điểm, ông Nguyễn Văn Bình cũng đã nhận trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm. Một Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thành phố thủ đô của đất nước bị khởi tố, bắt tạm giam. Sau đó, “lò” chống tham nhũng vẫn không hề có dấu tàn tro, gần cuối tháng 12, ngọn lửa lại bùng cháy thêm lần nữa khi cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ban hành Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thành ủy. Điều này cho thấy Đảng vẫn đang quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Cơ quan CSĐT đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng từng khẳng định rằng: “Không có thế lực thù địch nào lật đổ chúng ta, chỉ có cán bộ làm sai thì mới làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước”. Vì vậy, càng gần tới Đại hội 13, dù cho công tác chuẩn bị cho Đại hội càng bận rộn và có nhiều vấn đề phải sâu sát nhưng theo Thường trực Ban Bí thư, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, không ngừng nghỉ. Công tác phòng chống tham nhũng được thực hiên đúng tinh thần: Thứ nhất, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Thứ hai, làm từng bước, rõ đến đâu xử lý đến đó. Thứ ba, nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thứ tư, nhân văn, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Thứ năm, lấy phòng ngừa là chính, cơ bản, phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách.

Không chỉ vậy, trong quá trình thực hiện, không thể không nhắc đến sự đóng góp quan trọng của ngành nội chính Đảng, của Ban Nội chính trung ương với trách nhiệm là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng trong lĩnh vực nội chính, nhất là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương. Chính sự tham mưu, chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, chính xác đó mà thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 10/2020, cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can. Nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến, trong đó Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 54.770,44 tỷ đồng. Qua đó đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, thể hiện sự nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả trong dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng đến dự hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sáng 22/12.

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân nhận định rằng: “Việc khởi tố, bắt giam ông Tất Thành Cang cho thấy công tác chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước không có vùng cấm, không trừ một ai. Đó là cách làm rất được lòng dân. Ai có tội thì phải xử, có công thì thưởng”. Hơn nữa, việc khởi tố bắt giam hai ông Nguyễn Đức Chung, Tất Thành Cang càng chứng minh rõ một điều rằng: Trung ương nói là làm. Nỗ lực của họ đã góp phần tạo lòng tin rất lớn cho nhân dân. Hầu như người dân Việt Nam yêu nước chân chính nào cũng rất mừng, rất phấn khởi khi các quan tham phải đối diện với sự trừng trị của pháp luật.

Chống tham nhũng cần nhất là sự vững tâm bởi như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã từng nói kỷ luật, xử lý những người đồng chí, đồng đội của mình là điều chẳng ai mong muốn. Dù rất đau lòng, nhưng vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, sự thượng tôn pháp luật Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải tiếp tục làm, làm mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Tinh thần “Chuyện buồn thì đổ xuống sông, chuyện vui thì giữ trong lòng dài lâu”. Hơn nữa, với Đại hội 13 sắp tới thì theo Thường trực Ban Bí thư đã nhấn mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng còn cho thấy “sự kiên quyết loại những người không đủ tiêu chuẩn, không để lọt vào khóa mới. Rút kinh nghiệm vừa rồi có những người không đủ tiêu chuẩn sau đó phải xử lý”.

Đặng Trường

Bài mới
Đọc nhiều