Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Thái Bình đầy hào khí dân tộc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng luôn nhắc đến quê hương với niềm tự hào “thóc thừa cân, quân vượt mức” đã nuôi dưỡng những người hùng dân tộc của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chào đời khi đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn còn non trẻ, chàng trai Trần Quốc Vượng, cũng như những bạn bè đồng trang lứa, đã sớm được thừa hưởng với những tư tưởng và nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đam mê đối với ngành tư pháp và luật học, người thanh niên Trần Quốc Vượng chuyên tâm theo học Trường Cán bộ Kiểm sát – tiền thân của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, rồi tiếp tục theo đuổi chuyên ngành Luật tại Đại học Luật Hà Nội, học vị Thạc sĩ.
Rời giảng đường đại học, ông dành những năm tháng tuổi trẻ cống hiến hết mình cho ngành kiểm sát, rồi tiếp tục công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng, chức vụ Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng. Tháng 11 năm 2006, ông được phân công giữ chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, trước khi trở lại công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng trên vai trò Chánh Văn phòng.
Sau những năm tháng tích cực hoạt động vì sự nghiệp xây dựng Đảng, tại Hội nghị lần thứ bảy của Trung ương khoá XI tháng 5/2013, ông được bầu bổ sung vào Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nhiệm kỳ khóa XII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2016 – 2020) một lần nữa ghi dấu ấn sắc son cho sự nghiệp chính trị của Ủy viên Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng, khi ông được Bộ Chính trị tín nhiệm trao cho chiếc “ghế nóng” Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TW).
Bước vào nhiệm kỳ mới trên cương vị mới, khi cuộc chiến phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động đang bước vào những giai đoạn cam go nhưng cũng quyết liệt nhất, Chủ nhiệm Trần Quốc Vượng hiểu rõ không ai khác ngoài những cán bộ UBKT TW phải là những đầu tàu kiên định nhất trước giặc nội xâm.
Thực hiện đúng chỉ đạo của Tổng bí thư, UBKT TW đã bước vào cuộc chiến khó khăn nhất với nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Và quả thật, năm đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XII đã chứng kiến những bước ngoặt lịch sử của công tác phòng, chống tham nhũng, khi UBKT TW đã phát hiện những sai phạm vô cùng nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty xây lắp dầu khí PVC dưới bàn tay của Trịnh Xuân Thanh, dưới sự “bảo trợ” của cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, mở ra một trong những đại án tham nhũng nghiêm trọng nhất trong lịch sử, với con số thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Và cũng lần đầu tiên, những sai phạm được UBKT TW chỉ rõ đã khiến một Bộ trưởng đã về hưu – ông Vũ Huy Hoàng – phải gánh chịu mức kỷ luật “vô tiền khoáng hậu”: cách mọi chức vụ từng có. Kết quả đó, như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước từng nhận định, đã chấm dứt chuỗi ngày “hạ cánh an toàn” của những quan chức “nhúng chàm”.
Trước những ý kiến cho rằng hình thức kỷ luật “chỉ ảnh hưởng về danh dự” của ông Vũ Huy Hoàng, Chủ nhiệm UBKT TW Trần Quốc Vượng đã chỉ ra một cái nhìn, cái hiểu đúng đắn về tiền lệ rất đặc biệt ấy: “Ở đây, anh không thể trốn tránh trách nhiệm, vi phạm của mình trong lúc đang giữ chức vụ và việc này phải bị xử lý. Việc cách chức như vậy thì sau này người ta sẽ không nói ông Vũ Huy Hoàng là Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương ở giai đoạn đó nữa. Và nếu như có chế độ kèm theo chức vụ đó thì sẽ không được hưởng nữa.”
Và khi người dân vẫn chưa hết choáng ngợp trước sự quyết liệt của cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, thì chỉ vài tháng sau, tháng 4/2017, Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương tiếp tục khiến dư luận ngỡ ngàng khi công bố kết luận về những sai phạm của ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM. Ông Đinh La Thăng đã được kết luận vi phạm cực kỳ nghiêm trọng tại Tập đoàn dầu khí PVN, tại PVC cũng như hàng loạt các sai phạm liên ngân hàng, trong đó có Oceanbank.
Có lẽ, ngay thời điểm ấy, người dân Việt Nam đã cảm nhận được rõ nét nhất tinh thần “chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”, mà những người đi đầu, không ai khác, chính là những thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Và còn đó những kết quả của sự quyết tâm chống giặc nội xâm của UBKT TW, với những cái tên mà đến ngày nay, dư luận vẫn nhắc đến như một dấu mốc cho cuộc đấu tranh “không vùng cấm” như Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, hay “người hùng ngã ngựa” Phan Văn Vĩnh…
Tháng 3 năm 2018, trước những biến cố đầy thử thách khi điều kiện sức khỏe đã không cho phép Thường trực Ban bí thư tiếp tục đảm bảo trọng trách, Bộ Chính trị đã quyết định lựa chọn ông Trần Quốc Vượng là người có đủ năng lực, bản lĩnh và kinh nghiệm để kế tục những thành quả của người tiền nhiệm. Ông chính thức đảm nhận vai trò của người phụ trách và chủ trì công việc của Ban Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Tiếp nhận một trong những trọng trách nặng nề nhất của toàn Đảng, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng luôn canh cánh về một nỗi lo. Đó là nỗi lo về những cán bộ, đảng viên phụng sự nhân dân, về tâm huyết, năng lực và dũng khí của những người đại diện cho người dân, cho dân tộc Việt Nam trên con đường xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh, công bằng. Bởi suy cho cùng, cuộc sống của hàng triệu người dân chính là mục tiêu lớn nhất, quan trọng nhất đối với bất kỳ một thể chế, một quốc gia nào, như ông từng nhắn nhủ với Mặt trận Tổ quốc: “Chúng ta đổi mới cũng vì thế, làm gì thì làm dân phải được ấm no hạnh phúc, không còn người nghèo…”
Và những trăn trở ấy đã trở thành động lực mạnh mẽ nhất thôi thúc ông trên con đường cải cách, đổi mới, xây dựng Đảng trong sạch, liêm chính. Công tác cán bộ, đặc biệt là tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp diễn ra, vì thế được ông đặc biệt quan tâm, vun đắp. “Cán bộ là vấn đề quyết định, là then chốt của then chốt. Do vậy, chúng ta phải đặc biệt chú ý. Đây là thực tiễn và thời sự. Thành bại là do cán bộ”, ông khẳng định tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai niệm vụ năm 2020.
Có lẽ, người cộng sản Trần Quốc Vượng ấy, người đã chứng kiến sự sụp đổ của khối Đông Âu ấy, đã thấu hiểu hơn ai hết về bài học đau xót về công tác cán bộ: “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi.”
5 năm, ngay cả với một đời người, cũng không phải là một giai đoạn quá dài. Thế nhưng chỉ với 5 năm ấy, có một người đảng viên đã để lại một nét rất riêng của một cán bộ đã không ngần ngại đi đầu trong cuộc chiến thử thách nhất của dân tộc, cuộc chiến chống lại những bàn tay “nhúng chàm”. Người con của quê hương “thóc thừa cân, quân vượt mức” năm ấy, đã dành trọn cuộc đời cho Đảng, cho những con người Việt Nam được bình yên, hạnh phúc.