+
Aa
-
like
comment

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng: Cơ đồ 75 năm nếu có sụp đổ cũng do công tác cán bộ

31/12/2019 10:19

Ngày 25/12, tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác xây dựng Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhận mạnh: “Cơ đồ chúng ta xây dựng 75 năm qua, nếu có sụp đổ cũng do mình có làm tốt công tác cán bộ hay không chứ không phải do kẻ thù”. Đó là một sự nhận diện và nhận định chính xác, cũng là lời cảnh báo và cảnh tỉnh khẩn thiết. Nó không chỉ cần và đủ cho một năm nhìn lại, cho trước một kỳ đại hội mà cho cả quá trình tồn tại, vận động và phát triển một cách bền vững của một chính đảng, của bộ máy cầm quyền. 

bacvuong
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.

Còn nhớ trước đó, năm 2017 – 2018 dư luận ngỡ ngàng khi một số quan chức  cấp cao vướng vào vòng lao lý, trong đó gây xôn xao, bàn tán nhiều nhất là các quan chức lãnh đạo ở TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, đặc biệt là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị như ông Đinh La Thăng. Đến năm 2019, dư luận vẫn không khỏi bất ngờ khi một số vị đứng đầu địa phương bị xóa tư cách, cách chức “cả chùm” hai khóa liên tục như Khánh Hòa (Chủ tịch, nguyên Chủ tịch tỉnh Lê Đức Vinh, Nguyễn Chiến Thắng), thậm chí khởi tố cả hai Chủ tịch TP hai khóa liên tục ở Đà Nẵng (Trần Văn Minh, Phan Hữu Chiến) và hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn. Điều đó cho chúng ta thấy điều gì?

Điều dễ thấy nhất, đó là thắng lợi bước đầu của công cuộc chống tham nhũng, mọi đối tượng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và đặc biệt là không có vùng cấm. Và cũng là minh chứng cho lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đúng trong cả thời chiến lẫn thời Bình: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Và một lần nữa Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã nhắc lại lợi dậy ấy. Ông nói: Cán bộ là vấn đề quyết định, là then chốt của then chốt. Do vậy, chúng ta phải đặc biệt chú ý. Đây là thực tiễn và thời sự. Thành bại là do cán bộ. Thành trì xã hội chủ nghĩa cả hệ thống Đông Âu như vậy ai cũng tưởng rằng không bao giờ đổ mà cơ đồ đổ xuống biển sâu. Có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là nguyên nhân công tác cán bộ, là người đứng đầu.

Nhìn lại đại án AVG, dư luận thấy rõ hơn mức độ tha hóa, biến chất và rất điển hình cho sự câu kết giữa các nhóm lợi ích chặt chẽ tới mức dễ dàng đục khoét ngân khố Nhà nước một cách kinh hoàng và tinh vi như thế nào, mà trong đó vai trò của người cán bộ có ý nghĩa then chốt (ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn). Ông cha ta có câu: bút sa gà chết. Người có thẩm quyền thì càng phải cân nhắc với chữ ký của mình hơn. Ký mà không hiểu, ký mà không biết, hoặc ký vì nể nang, ký vì quan hệ… thì hậu quả khôn lường ảnh hưởng sâu rộng cả cộng đồng. Người dân bình thường khi ký vào bất kỳ giấy tờ gì cũng phải đắn đo đúng sai, còn người có chức vụ khi ký vào công văn càng phải suy tính kỹ lưỡng, càng phải cân đong nặng nhẹ. Ấy vậy những câu trích dẫn tại các phiên đại án như “Cậu ký đi”, “đừng lằng nhằng”, “không triển khai thì biến đi”… cho thấy đang tồn tài  một thứ văn hóa nghe lệnh không khác gì rô-bốt.

Mỗi người đều có chữ ký riêng như một giá trị cá nhân. Chữ ký của người có thẩm quyền ngoài giá trị cá nhân còn mang theo giá trị được ủy thác của một tổ chức, của một đoàn thể. Cho nên, người có thẩm quyền khi hạ xuống một chữ ký, thì nhất định phải trả lời rành mạch câu hỏi “quần chúng được gì” và “đất nước được gì”, chứ không nhằm thỏa mãn mưu cầu “tôi được gì” để rồi gieo rắc bao nhiêu tai ương. Những kẻ xâm lược mang đại bác, máy bay sang Việt Nam đã bị ta đánh đuổi. Giờ ta tiếp tục giữ vững, bảo vệ hay “tự ta lật đổ” chính là tự nơi ta, nơi một phần gốc rễ công tác cán bộ, ở chỗ công cuộc dùng người có thật sự được ta trọng thị, đề cao sự trung thực, liêm chính và trí tuệ hay không?

Hồ Quỳnh

Bài mới
Đọc nhiều