Thượng tôn pháp luật
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thành công đáng kể sau một năm thực thi Nghị định 100/2019/NĐ-CP với những biện pháp áp đặt quyết liệt, là người dân hiểu rằng ‘đã uống rượu, bia thì không lái xe’…
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thành công đáng kể sau một năm thực thi Nghị định 100/2019/NĐ-CP với những biện pháp áp đặt quyết liệt, là người dân hiểu rằng “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, từ đó hình thành một nét văn hóa mới trong sử dụng phương tiện giao thông. Nhiều người đã quay sang sử dụng phương tiện công cộng, taxi, xe ôm… sau khi sử dụng đồ uống có cồn.
Kết quả ấy cho thấy, văn hóa giao thông xuống cấp lâu nay, không nằm ở luật pháp (thiếu), cũng không nằm ở ý thức chấp hành pháp luật và cách ứng xử của người tham gia giao thông (kém) mà nằm chính ở việc thực thi pháp luật không nghiêm.
Pháp luật ra đời là để nhà nước quản lý mọi mặt đời sống xã hội và nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mọi công dân. Đừng trách người điều khiển phương tiện giao thông “thiếu hiểu biết pháp luật”, không ứng xử văn minh khi tham gia giao thông, nếu như ai cũng có thể dễ dàng tìm được phao “chống trượt” trong khâu cấp giấy phép lái xe; người vi phạm có thể chọn cách “gọi điện cho người thân” hoặc tệ hơn là dễ dàng “đút lót” để được bỏ qua lỗi vi phạm. Chính vì việc thực thi pháp luật không nghiêm đó, các hành vi tiêu cực vô tình hay hữu ý đó đã khiến hình thành thói xấu trong văn hóa giao thông của số đông.
Không khó để bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông sẵn sàng vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đỗ sai làn, bấm còi inh ỏi, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, chở ba, chở bốn khi đi xe máy…; còn nạn sử dụng điện thoại khi điều khiển xe máy thì đang ngày càng trầm trọng, trở thành nỗi ác mộng, nhất là khi đội ngũ xe máy công nghệ tham gia thị trường.
Giá như các hành vi vi phạm này cũng được tuyên truyền, xử phạt gắt gao giống như xử phạt nồng độ cồn thì “văn hóa giao thông” hẳn sẽ không còn chỉ là khẩu hiệu.
Rồi hiện tượng xe khách chở quá số người quy định, xe tải chở quá tải, xe dù, bến cóc vẫn xuất hiện nhan nhản gây ra bất bình đẳng trong vận tải hành khách, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng, mất an toàn giao thông, sâu xa cũng có nguyên nhân từ tình trạng “làm luật” trên các tuyến đường bộ vẫn còn.
Hiện nay, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đã được nâng lên, đủ sức răn đe. Câu chuyện còn lại nằm ở công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần liên tục, triệt để. Mà cách tuyên truyền tốt nhất chính là lực lượng chức năng phải thượng tôn pháp luật, nghiêm minh trong mọi hoạt động nghiệp vụ.
Phạt nguội chính là thể hiện trình độ văn minh giao thông rất cao bởi phát hiện, xác định chính xác đối tượng vi phạm; giảm bớt sự có mặt thường xuyên của lực lượng CSGT trên đường, hạn chế thấp nhất tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm. Nhưng hình thức vốn được dư luận xã hội đồng tình này chưa được triển khai triệt để, tỷ lệ phạt nguội còn thấp, đối tượng tập trung xử lý chủ yếu vẫn chỉ là ô tô, thủ tục lại rườm rà nên vẫn đang gây hoài nghi trong dư luận xã hội.
An Nguyên/TNO