Thưởng Tết 5-7 tháng lương, nhân viên ngân hàng vẫn hụt hẫng
Được thưởng Tết lên đến 5-7 tháng lương nhưng khoản trừ thuế và kế hoạch giải ngân của doanh nghiệp khiến nhiều nhân viên ngân hàng không khỏi thất vọng về số tiền thực nhận.
Cuối năm, nhiều cơ quan doanh nghiệp đã thanh toán thưởng Tết cho nhân viên. Mức thưởng cao nhưng không ít người “ngã ngửa” về số tiền thực nhận sau khi đã bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
Trong khi tới tấp nhận được lời chúc mừng của bạn bè về khoản thưởng Tết tới 5-7 tháng lương, chị H.Vinh, nhân viên một ngân hàng thương mại ở Hà Nội, ngậm ngùi bảo chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Thực nhận 50%”Nghe tưởng thưởng cao, nhưng khoản thuế đã khiến bốc hơi 35%, thêm 15% giữ lại tới tháng 5 mới chi trả. Hụt hẫng và đau lòng lắm”, chị giải thích.
Như vậy, dịp trước Tết, chị Vinh chỉ thực nhận được 50% số tiền thưởng.
Quy định tại Điều 3, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012, thu nhập chịu thuế bao gồm tiền lương, tiền công và các khoản tiền có tính chất tương đương. Ngoài ra, các khoản phụ cấp, trợ cấp và tiền thưởng… cũng thuộc diện chịu thuế.
Cách tính thuế TNCN phải nộp:
A là số tiền thưởng Tết đã giảm trừ bản thân và gia cảnh.
Bậc Mức thưởng Tết (triệu đồng) >> Số thuế phải nộp (Triệu đồng)
1 Đến 5 –> 5% x A
2 Trên 5 đến 10 –> 10% x A – 0,25
3 Trên 10 đến 18 –> 15% x A – 0,75
4 Trên 18 đến 32 –> 20% x A – 1,65
5 Trên 32 đến 52 –> 25% x A – 3,25
6 Trên 52 đến 80 –> 30% x A – 5,85
7 Trên 80 –> 35% x A – 9,85
Thuế thu nhập với tiền thưởng Tết hiện cũng dựa theo biểu thuế lũy tiến từng phần như với thu nhập từ tiền lương, với 7 bậc từ 5% đến 35% tương ứng với số tiền chịu thuế. Trong đó, thu nhập tính thuế càng cao mức thuế suất áp dụng càng lớn.
Đặc biệt đối với trường hợp doanh nghiệp trả lương tháng 13 gộp cùng với thưởng Tết, người lao động sẽ phải chịu nhiều thuế TNCN hơn do số tiền chịu thuế bị công dồn lên bậc cao hơn.
Làm việc cả năm chỉ trông chờ vào tiền thưởng TếtVới mức tính thuế thưởng Tết như hiện nay cùng với kế hoạch giải ngân của từng công ty, không ít người bày tỏ thái độ chán nản, thất vọng trước khoản thưởng Tết thực nhận của mình.
Bày tỏ quan điểm của mình về tiền thưởng, anh Việt (34 tuổi), nhân viên của một công ty công nghệ, nói: “Tiền thưởng hay tiền công đều là mồ hôi công sức của người lao động bỏ ra trong suốt quá trình lao động mệt mỏi, không nên có những khoản trừ thuế lớn đến như vậy”.
“Đôi khi tiền thưởng cũng là sự ưu ái của cấp trên dành cho nhân viên vì họ đạt được thành tích suất sắc trong năm, nhân viên phải có quyền sử dụng nó một cách trọn vẹn nhất”, anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, anh A.K, nhân viên của một công ty xây dựng tại Hà Nội, cho rằng mức thuế dành cho người làm công ăn lương hiện này đang bị tận thu. “Nên giảm bậc, giãn bậc và nâng mức thu nhập chịu thuế tối thiểu”, anh nói.
“Ví dụ tăng mức giảm trừ bản thân từ 9 triệu đồng lên 15 triệu đồng, mức giảm trừ người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 6 triệu đồng, khoảng cách giữa mỗi bậc thuế nên từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Nếu tiếp tục thu kiểu này thì lương và thưởng ‘hẻo’ quá, làm được bao nhiêu phải đóng thuế hết”.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng mức giảm trừ thuế TNCN đã lạc hậu, giữ nguyên trong suốt 10 năm qua.
Anh Hoàng Chung Kha sống tại TP.HCM chia sẻ: “Trong khi tôi vất vả làm việc hơn, lương cao hơn nhưng thuế cũng rất cao, trong khi mức giảm trừ gia cảnh 10 năm qua không thay đổi. Chi phí xăng xe, nhà cửa, ăn uống, nuôi con cái ăn học ở thành phố ở mức 3,6 triệu đồng đó làm sao có thể đủ?”.
Dù vậy, khi nghe người người nhà nhà nói chuyện đóng thuế thưởng Tết quá nhiều, không ít người ngậm ngùi vì công ty mình không có thưởng Tết, thậm chí còn nợ lương lương nhân viên.
“Ít nhất là mọi người còn có thưởng Tết dù ít hay nhiều. Như công ty tôi còn đã nợ lương nhân viên 4 tháng nay, chưa biết năm nay ăn Tết bằng gì”, anh Tùng hiện làm cho một doanh nghiệp nhà nước nói.
Tương tự, anh Phúc, 24 tuổi, sống tại Hà Nội, chia sẻ: “Tôi cũng ước có thu nhập cao và có thưởng Tết để được đóng thuế như mọi người. Dù gì đóng thuế còn có nghĩa là có thưởng”.
Hà Bùi/ZNF