Thương lắm Miền Trung ơi
Những ngày tháng 10, trong khi ở miền Bắc, người dân đang thích thú tận hưởng bầu không khí mùa thu se lạnh, miền Nam với không khí mùa mưa mát mẻ, thì ở miền Trung, những cơn mưa trắng trời, những trận gió xoáy lốc, những cơn lũ đang ồ ạt tràn về. Người dân miền Trung lại một lần nữa phải oằn mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên tai.
Suốt hai ngày gần đây, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên đã xuất hiện mưa lớn với lượng phổ biến 100-300 mm. Lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt đã xảy ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân các tỉnh Trung Bộ. Chỉ trong hai ngày, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở và ngập úng nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, khiến 4 người chết và 7 người mất tích.
Hàng nghìn ngôi nhà chìm trong dòng nước lũ, những con đường, đồng ruộng hóa thành sông, người dân phải gồng mình chống chọi. Mọi mồ hôi công sức tằn tiện, chắt chiu nhiều năm của người miền Trung đã bị một cơn lũ quét cuốn trôi, nhìn những hình ảnh đó, ngay cả những người điềm tĩnh và cứng rắn nhất cũng không thể không thương cảm, đau đớn, xót xa. Dạo một vòng qua facebook, không khó để bắt gặp một status nói về cơn lũ quét đang hoành hành tại mảnh đất miền Trung. Những dòng chữ như chứa đựng cả nỗi đau khi biết tin quê hương đang chìm trong biển nước.
Có lẽ, miền Trung là địa bàn hứng chịu tai họa của thiên nhiên nhiều nhất, đôi khi là khốc liệt nhất cả nước. Năm nay lại là một năm khó khăn đối vùng đất miền Trung, dịch bệnh vừa qua người dân vừa trải một khoảng thời gian khó khăn thì bão lũ kéo đến, sự nghèo khổ kèm thêm đau thương. Những người mẹ, người cha từ trên xó nhà nhìn xuống dòng nước mà bất lực: ngày mai gia đình sẽ sống sao đây khi hoa màu, cây cối, gia súc, gia cầm, vật dụng chẳng còn chi? Nhiều người từng đánh giá, dân miền Trung keo kiệt lắm nhưng có ở trong hoàn cảnh của họ mới hiểu được. Không “keo kiệt”, không tiết kiệm chắt chiu thì sao có thể chống chọi lại những cơn bão, lũ kinh hoàng như thế. Thiên tai ập đến là điều không thể tránh khỏi và đồng bào miền Trung bao đời nay vẫn kiên cường vươn lên chiến đấu. Họ dành cho nhau những gói mì tôm sống, những giọt nước ngọt hiếm hoi, những cái nắm tay kéo nhau lại khi cơn bão dữ.
Bên cạnh sự đùm bọc, dắt díu nhau qua mưa lũ của người dân miền Trung không thể bỏ qua sự nỗ lực giúp đỡ của lực lượng công an, bộ đội, dân phòng… Hình ảnh những người chiến sĩ công an, bộ đội trắng đêm cứu hộ người bị lũ cuốn trôi, người xắn quần xắn áo dầm mưa gồng mình cùng dân chạy lũ, trông đẹp và ấm lòng, dù biết muôn trùng vất vả. Hàng chục tấn lúa được “cứu” ngay trong đêm hay hàng trăm tàu thuyền về neo đậu nơi an toàn, hàng nghìn người được sơ tán đến nơi an toàn với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các lực lượng chức năng cho thấy hơn cả tinh trần trách nhiệm với Nhân dân. Không chỉ dừng lại ở việc thực hiện nhiệm vụ, tất cả các lực lượng đều vào cuộc từ mệnh lệnh của trái tim, thấy việc thì làm, thấy nguy thì cứu với phương châm: hạn chế tối đa thiệt hại về người và của.
Có cách nào hạn chế thiệt hại của bão lũ miền Trung?
Câu chuyện lũ lụt hằng năm ở miền Trung với những tổn thất khó lường gây xúc động lớn trong mỗi người dân. Thiết nghĩ cần phải thay đổi quan niệm chống bão lũ theo hướng cộng đồng nhưng có giải pháp nào hạn chế những thiệt hại do thiên tai – đặc biệt là lũ lụt – gây ra? Có phương thức gì bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi lũ về? Có cách nào bảo đảm khi nước lên những vùng cô lập không thiếu, đói…
Trước hết, theo tôi cần nhân rộng mô hình nhà an toàn chống bão lũ, thuỷ triều lên phù hợp với từng địa bàn, địa chất, vùng miền khác nhau, cụ thể đó là làm nhà phao hay nhà bè để bám trụ với con nước. Điểm mấu chốt của loại nhà này là gọn nhẹ và dưới đáy phía ngoài có gắn những thùng phuy sắt, nhựa kín hoặc các vật liệu nổi để đủ sức nâng chòi trong đó chứa đồ đạc sinh hoạt và người nổi trên nước. Ở phía ngoài hai bên chòi được cố định bằng 2 cây tre, gỗ cắm xuống đất hoặc dây neo để chòi giữ thăng bằng và không bị trôi dạt. Cứ như thế, nước lũ lên chừng nào thì chòi nổi lên theo đó.
Thực tế, mô hình nhà an toàn chống lũ này đã được thử nghiệm và được triển khai ở một số huyện trong các tỉnh miền Trung nhưng chưa thực sự nhiều. Do đó, thiết nghĩ Chính phủ và nhà nước cần ra sức tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân miền Trung nhân rộng mô hình nhà an toàn này, chỉ có như vậy mới phần nào giảm bớt thiệt hại nặng nề cho người dân.
Ngoài ra, trong vấn đề xây dựng nhà cửa, người dân cần chú trọng xây trụ, nền, kết cấu, hình dáng và phần mái vững chắc. Hãy để ý những hình ảnh được chuyển về từ vùng bão lũ đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, ta thấy hầu hết những căn nhà, những công trình bị hư hại đều là xây dựng tạm bợ. Người dân miền Trung hiểu hơn ai hết sức tàn phá khủng khiếp của bão lũ, nhưng nhà cửa, đặc biệt là những nhà sống ven biển lại chỉ được xây thô sơ, rồi lợp lên vài tấm tôn che mưa nắng, số lượng nhà có trụ, đổ bê tông rất ít. Và cũng mong mỗi người dân chúng ta cần có ý thức hơn để bảo vệ môi trường, vì không tôn trọng thiên nhiên thì con người sẽ còn phải gánh chịu những hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn!
Quả thực, những người từng chống chịu lại cơn thịnh nộ của thiên nhiên mới biết trân trọng cuộc sống yên bình thường nhật. Người vượt qua những khó khăn mới có cho mình được tinh thần rắn rỏi và trải nghiệm “chống bão” quý báu. Lũ đến lũ sẽ đi. Nước mắt rơi rồi nước mắt sẽ tạnh. Lúc này, hai tiếng “đồng bào”, sự đùm bọc sẻ chia mới thật thiêng liêng, quý giá.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả