+
Aa
-
like
comment

Thương lái Trung Quốc đặt mua bọ 3 sọc vàng giá gần 1 triệu/kg?

24/08/2019 18:50

Được thương lái đặt hàng với giá cao, nhiều người dân ở Kon Tum đang lùng sục khắp nương rẫy, núi rừng để bắt loài bọ cánh cứng có 3 sọc vàng về bán. Còn các tiệm tạp hóa, quầy thuốc tây thì cho biết họ mua về để bán lại cho thương lái Trung Quốc.

800.000 đồng/kg bọ 3 sọc vàng

Ngay sau khi thương lái đặt hàng, thậm chí đưa tiền trước, nhiều chủ tiệm tạp hóa trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã báo cho người dân đi bắt loại bọ này, rồi thu mua theo đúng yêu cầu của bên đặt hàng.

Người dân dùng chai nước suối có đục lỗ để đựng những con bọ 3 sọc vàng vừa bắt được
Người dân dùng chai nước suối có đục lỗ để đựng những con bọ 3 sọc vàng vừa bắt được
Người dân dùng chai nước suối có đục lỗ để đựng những con bọ 3 sọc vàng vừa bắt được
Những con bọ 3 sọc vàng xuất hiện nhiều trên các bãi cỏ ở huyện Đăk Tô.

Sáng 24/8, có mặt tại cánh đồng bán ngập tại cầu Diên Bình trên đường Hồ Chí Minh (xã Diên Bình, huyện Đăk Tô), PV Báo DANVIET.VN đã chứng kiến nhiều người dân địa phương đi bắt loài bọ này.

Chị Y Hoa (thôn 5, xã Diên Bình) cho biết khoảng một tuần nay, ngày nào chị và các con cũng đến đây bắt loại bọ này, đem về bán cho các chủ tạp hóa. Những con bọ do mẹ con chị Y Hoa bắt là bọ cánh cứng, thân màu đen và có 3 sọc vàng. Loại côn trùng này chủ yếu sống trên những cánh đồng ngô, khoai lang, bãi cỏ rộng…

“Ban ngày cũng có, nhưng nếu chịu khó đi bắt ban đêm sẽ nhiều hơn”, chị Y Hoa nói.

Những con bọ 3 sọc vàng xuất hiện nhiều trên các bãi cỏ ở huyện Đăk Tô.
Những vết bỏng rát trên tay bé B.H sau khi đi bắt bọ 3 sọc về bán

Một chủ tiệm thuốc tây trên địa bàn xã Diên Bình cho biết, gia đình chị đã thu mua loại bọ này được 2 tuần, do những người nhập thuốc tây cho chị dặn mua, nghe đâu họ mua về chiết xuất làm dược liệu và bán sang Trung Quốc. Sau khi được đặt hàng, chị báo cho người dân địa phương đi bắt, rồi thu mua với giá 800.000 đồng/kg. Một ngày chị mua được khoảng 3kg.

Trao đổi với PV, ông Phạm Xuân Luận – Chủ tịch UBND xã Diên Bình cho biết: “Do việc bắt và thu mua loài bọ này còn nhỏ lẻ, rải rác nên xã chưa nắm rõ về số lượng, giá cả, mục đích thương lái mua làm gì”.

Trong khi đó tại xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô), PV cũng ghi nhận việc nhiều người dân đi săn lùng loại bọ này. Anh A Hóa (34 tuổi, xã Ngọc Tụ) cho biết, loài bọ 3 sọc này trước đây đầy rẫy tại vườn ngô, cánh đồng, nương rẫy nhưng không ai mua. Vừa qua nhiều thương lái hỏi mua nên anh đã làm vợt đi bắt.

“Bắt con này không khó, không nặng nhọc nên không chỉ đàn ông khỏe mạnh mà cả đàn bà, trẻ con cũng đi bắt nhiều lắm”, A Hóa háo hức nói.

Nhiều bất thường

Những vết bỏng rát trên tay bé B.H sau khi đi bắt bọ 3 sọc về bán
Bé B.H tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Tô

Liên quan đến việc đi bắt, thu mua loại bọ 3 sọc để bán, đã có một số người phải nhập viện vì những triệu chứng như bỏng ngứa, nóng sốt. Mới nhất là ngày 23/8, chị Nguyễn Thị Yên (xã Diên Bình) được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum điều trị.

Theo lời chị Yên, sáng cùng ngày chị đã thu mua loại bọ này của người dân địa phương bỏ vào bao ni lông, khi thương lái tới mua chị đã trực tiếp đổ vào bao cho thương lái. Khi đổ chị ngửi thấy mùi hắc rồi bị chóng mặt, nóng sốt và buồn nôn nên bảo người nhà đưa đi bệnh viện.

Trước đó Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô đã tiếp nhận cháu B.H, 8 tuổi, con gái chị Y Sương (trú xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô). Theo thông tin chị Y Sương cho biết tại trung tâm, vào ngày 22/8 bé B.H cùng một nhóm bạn đi bắt bọ 3 sọc về bán. Do bé dùng tay bắt nên bị ngứa, sau đó gãi nhiều nên bị bỏng rát nhiều chỗ trên cánh tay.

Bé B.H tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Tô
Bọ 3 sọc đựng trong túi ni lông tại một tiệm tạp hóa ở huyện Đăk Tô

Trao đổi với phóng viên Báo DANVIET.VN, ông Phan Văn Tuân – Chánh Văn phòng UBND huyện Đăk Tô, cho biết UBND huyện đã nhận được thông tin về việc người dân bị bỏng, sốt khi đi bắt loài bọ lạ để bán cho thương lái. Mặc dù chưa thống kê được số người thu mua, bán lại nhằm mục đích gì nhưng nhận thấy có sự ổn nên UBND huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động người dân không tham gia.

Còn theo ông Vũ Văn Đãn – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, loài bọ cánh cứng người dân đang thu mua có tên là bọ ban miêu khoang vàng. Loại bọ này dài hơn 1cm, thân màu đen với các điểm hay dải ngang màu vàng. Loài này thường gây hại cho cây trồng như đậu, lúa, khoai… và thường xuất hiện vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12 trong năm. Còn trên thân nó có độc tố gì hay không thì chưa xác định được.

Văn Hà/Dân Việt

Bài mới
Đọc nhiều