+
Aa
-
like
comment

Thương lái chây ì trả tiền mua lúa, người dân khóc ròng vì nguy cơ mất trắng

27/06/2020 15:02

Hơn 50 nông dân ở xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) như “ngồi trên đống lửa” vì lúa đã bán cho thương lái nhưng chưa nhận được tiền. Nhiều người dân đang rất lo vì số tiền mồ hôi, công sức của họ có thể mất trắng.

Thương lái chây ì trả tiền mua lúa, người dân khóc ròng vì nguy cơ mất trắng - Ảnh 1
Anh Nguyễn Minh Kha

Hứa nhiều, thất hứa thật nhiều

Câu chuyện người dân Khánh Bình Tây Bắc bị thương lái nợ tiền mua lúa, trốn khỏi địa bàn gây bức xúc dư luận nhiều ngày qua. Người nợ tiền mồ hôi, nước mắt của nhiều nông dân là ông Nguyễn Mười Hai, ông Bùi Quốc Giang và ông Hồ Thanh Hoàng (cùng ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc). Tổng số tiền hiện tại những thương lái này còn nợ 52 người dân là hơn 1,3 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Minh Kha buồn rầu tâm sự với PV, vào ngày 10/2/2019, anh bán lúa cho ông Nguyễn Mười Hai số lượng 8.270kg, mỗi ký giá 5.500 đồng, thành tiền là hơn 45 triệu đồng.

Sau khi cân lúa xong, ông Mười Hai hứa sẽ trả tiền trong 3 – 5 ngày, tuy nhiên đến nay, anh Kha chỉ nhận được 15 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 30 triệu đồng thì ông Mười Hai “khất lần, khất lượt”, đến nay hơn 1 năm vẫn chưa thanh toán.

Hiện, bà con đang chuẩn bị canh tác vụ lúa mới nhưng tiền vật tư nông nghiệp chưa trả xong nên đành bỏ tiền túi trả nợ. Theo anh Kha, những vụ trước, gia đình đều bán lúa cho ông Mười Hai và được thanh toán sòng phẳng nhưng vụ lúa Đông – Xuân vừa rồi lại “giở quẻ”.

Sau khi sự việc xảy ra, anh Kha làm đơn khởi kiện ông Mười Hai nhưng các buổi hòa giải, xét xử ông đều vắng mặt. Tại đơn xin vắng mặt, ông Mười Hai thừa nhận có nợ tiền mua lúa của anh Kha, nhưng do công ty Phúc Nông chưa thanh toán tiền mua lúa cho ông nên chưa có tiền trả cho anh Kha.

Đồng cảnh ngộ như nhiều người nông dân bị thương lái nợ tiền mua lúa, chị Trương Kim Truyễn (ngụ ấp Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc) cho hay, gia đình có 65 công đất trồng lúa. Vào khoảng tháng 9/2019, ông Bùi Quốc Giang (đại diện công ty Hải Triều) xuống mua 42.624 kg lúa ST24, giá 5.600 đồng với số tiền hơn 238 triệu đồng. Thấy ông Giang là chỗ bà con, lại mới vào nghề, gia đình muốn tạo điều kiện cho ông làm ăn nên đồng ý bán. Tuy nhiên, khi mua lúa xong, ông Giang chỉ trả được 200 triệu đồng, còn lại hơn 38 triệu đồng đến nay chưa trả. Trong khi đó, các chi phí sản xuất vụ Đông – Xuân vừa qua như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền công cày, cắt lúa,… chị Truyễn đều chưa trả hết cho đại lý bán vật tư và tiền nhân công.

Khó khăn việc quản lý “cò” thu mua lúa

Trao đổi với PV, ông Bùi Chí Ngạn – Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc thông tin, trước sự việc nêu trên, thời gian qua UBND xã chỉ đạo các tổ hòa giải ở cơ sở, công chức Tư pháp – Hộ tịch và Công an xã quyết liệt mời 3 đối tượng nợ tiền lúa của người dân lên làm việc. Cơ quan cũng đã thực hiện các biện pháp hòa giải, làm việc riêng quy định việc trả nợ, hướng dẫn khởi kiện nhưng các đối tượng này hẹn hết lần này đến lần khác không thực hiện trả nợ.

Qua rà soát, vào khoảng tháng 1/2019, ông Nguyễn Mười Hai đặt cọc và mua lúa của 34 hộ dân trong xã với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng, đã trả hơn 560 triệu đồng, còn thiếu hơn 862 triệu đồng. Trong số 34 hộ dân, đến nay có 10 hộ khởi kiện, tòa xử 10 trường hợp có bản án và đang yêu cầu thi hành án. Số còn lại đang khởi kiện, yêu cầu hòa giải và không có yêu cầu.

Cũng vào khoảng tháng 9/2019, ông Bùi Quốc Giang đặt cọc và mua lúa của 10 hộ dân trong xã với tổng số tiền hơn 582 triệu đồng, đã trả 380 triệu đồng, còn thiếu hơn 201 triệu đồng.

Trong đó, 1 trường hợp khởi kiện ra tòa đang thụ lý; 4 trường hợp gửi đơn đến tổ hòa giải đã được hòa giải nhưng ông Giang thực hiện trả rất chậm và không theo thỏa thuận tại buổi hòa giải; đến nay không hẹn thời gian thực hiện trả xong cho dân.

Và khoảng tháng 1/2020, ông Hồ Thanh Hoàng cũng đặt cọc và mua lúa của 8 hộ dân trong xã với số tiền hơn 367 triệu đồng, đã trả 130 triệu đồng, còn thiếu 237 triệu đồng. Riêng trường hợp này, từ ngày ông Hoàng mua lúa đến nay thường xuyên lẩn tránh người dân, gây khó khăn cho người dân đến lấy tiền cũng như việc thực hiện mời hòa giải, mời làm việc và khởi kiện ra tòa.

Ngoài ra, có 4 trường hợp khởi kiện ra tòa án huyện nhưng không được thụ lý xét xử vì không có hợp đồng giao kết mua bán lúa. Ông Bùi Chí Ngạn nêu thực trạng, hiện nay, trên địa bàn xã có 7 hợp tác xã thu mua lúa, mỗi hợp tác xã thu mua khoảng 200 ha lúa của bà con. Thế nhưng, những thương lái bên ngoài thường cạnh tranh, “phá giá” hợp tác xã khiến chính quyền địa phương rất vất vả trong việc quản lý.

“Thời gian tới, xã sẽ liên hệ những công ty đối tác của ông Giang, ông Hoàng để xác minh, làm rõ xem thực sự công ty có đang thiếu tiền hay các thương lái này sử dụng nguồn tiền để làm ăn cái khác; nếu có xã sẽ báo Công an huyện xử lý”, ông Bùi Chí Ngạn nói về hướng xử lý việc ba thương lái nợ tiền lúa dân.

Việt Tâm/DSPL

Bài mới
Đọc nhiều