+
Aa
-
like
comment

Thương hiệu quốc gia: Bệ phóng tăng hạng sức cạnh tranh doanh nghiệp

28/04/2022 15:31

Theo báo cáo từ Brance Finance, năm 2021, bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19, giá trị Thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng trưởng 21,6% so với năm 2020, khẳng định vai trò của thương hiệu Việt trên thị trường thế giới. Những thành công trong kiểm soát dịch bệnh, những cải cách mạnh mẽ về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới các tiêu chuẩn thế giới đã giúp Thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng được định vị tốt hơn trên toàn cầu. Tuy nhiên để người tiêu dùng thế giới biết nhiều hơn về các sản phẩm Việt Nam có lẽ vẫn là hành trình dài trong chặng đường gian nan để nâng cao vị thế thương hiệu Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.

Thương hiệu quốc gia là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ về xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua giới thiệu, quảng bá các thương hiệu sản phẩm uy tín, chất lượng của Việt Nam. Trải qua gần 20 năm, kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ khởi xướng phát động vào năm 2003, đến nay, Việt Nam đã có hàng trăm doanh nghiệp có sản phẩm, thương hiệu được tôn vinh là Thương hiệu quốc gia. Trong đó, có nhiều thương hiệu gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Tại kỳ bình chọn gần đây nhất vào năm 2020 đã có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm được vinh danh thương hiệu quốc gia.

Nếu như thời điểm trước những năm 2000, đa phần doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và đang còn loay hoay học hỏi kinh nghiệm từ các nước, thì đến năm 2020, Việt Nam đã có những thương hiệu tầm cỡ quốc tế.

Đơn cử như: Vinamilk là công ty sữa đầu ngành của Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, qua sáu lần bình chọn, Vinamilk liên tiếp đạt thương hiệu quốc gia. Trong năm 2020 – một năm Covid 19 đầy biến động, đi kèm đó là xung đột kinh tế, địa chính trị của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng Vinamilk đã được tôn vinh ở vị trí dẫn đầu tốp 10 thương hiệu mạnh nhất của Việt Nam và nằm trong danh sách 1000 thương hiệu dẫn đầu của Châu Á. Hay như Viettel mới đây cũng đã trở thành doanh nghiệp Việt duy nhất lọt top 500 toàn cầu, với vị trí 227 trong bảng xếp hạng 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2022. Có thể khẳng định, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, rất nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, đưa sản phẩm made in Việt Nam vươn xa.

Những dẫn chứng nêu trên lý giải, không phải ngẫu nhiên mà Brance Finance – Tổ chức định giá thương hiệu quốc gia hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh, đã đưa ra nhận định: Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới.

Tuy nhiên, song hành cùng sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp khá nổi tiếng bởi sự thành đạt, ăn nên làm ra và có phạm vi ảnh hưởng khá rộng. Nhưng đáng tiếc trong số những doanh nghiệp có tiếng đó, thay vì nỗ lực vươn lên để trở thành thương hiệu quốc gia, thì lại trở nên tai tiếng chỉ vì chạy theo lợi nhuận, bất chấp các hành vi gian lận, trốn thuế, làm ăn chộp giật, vi phạm pháp luật, tác động không nhỏ tới thị trường cũng như hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam.

Để tiếp tục nâng tầm giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Chương trình sẽ tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của thương hiệu sản phẩm với các mục tiêu cụ thể, như: Thực hiện có hiệu quả chương trình trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước. Ngoài ra, Chương trình đang hướng đến mục tiêu trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam; mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm…

Phát triển các thương hiệu doanh nghiệp để trở thành đại diện cho thương hiệu quốc gia Việt Nam là hướng đi đúng nhưng lại luôn là bài toán khó, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong nước bị thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị gián đoạn một số chuỗi cung ứng về nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm, đặc biệt là trong các ngành: Dệt may và da giày, ngành nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ… những ngành phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài. Chính vì vậy, thời gian tới để duy trì và nâng tầm giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam, cần:

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia tham gia tích cực hơn nữa trong xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam.

Tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, các doanh nghiệp cần khai thác tốt tiềm năng, tận dụng lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia Việt Nam, đồng thời, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, tăng cường chủ động hội nhập trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, ngoài cơ chế, chính sách tốt, bản thân doanh nghiệp cũng cần nỗ lực, quyết tâm, có khát vọng, đam mê, sáng tạo để nhanh chóng xây dựng và phát triển mạnh mẽ thương hiệu của riêng mình. Các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia cần tiếp tục đạt được các tiêu chí “Chất lượng – Đổi mới, Sáng tạo – Năng lực tiên phong”. Đóng vai trò đi đầu, dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, đại diện cho thương hiệu quốc gia, hỗ trợ hiệu quả sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, khẳng định sự tin tưởng của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt Nam.

Ngoài ra, để quảng bá hình ảnh quốc gia Việt Nam thông qua thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp thì văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân phải là cốt lõi. Chỉ khi doanh nghiệp, doanh nhân có năng lực quản trị, tư duy nghĩ lớn, với đủ tâm và tầm, cùng với tiềm lực kinh tế mới có thể tạo ra được những doanh nghiệp lớn và định vị giá trị của doanh nghiệp, thương hiệu mang tầm quốc gia, quốc tế.

Như vậy, việc xây dựng phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam chính là công cụ hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước và đó cũng là con đường giúp tạo nên sức mạnh tổng thể để khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều