Thương chiến: Ông Trump đúng sao người Mỹ vẫn lo?
Người Mỹ lo “vấn đề lớn hơn” là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có thể làm gia tăng bất ổn và kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc không nhượng bộ
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 14/8 cho biết, Trung Quốc chưa có bất kỳ nhượng bộ nào sau khi Mỹ quyết định hoãn áp thuế với một số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho tới giữa tháng 12, cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá đàm phán thương mại Mỹ-Trung hiện đang ở trạng thái nào.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, Bộ trưởng Wilbur Ross cho biết, trong khi các cuộc điện đàm đang được lên kế hoạch, thời điểm diễn ra vòng thảo luận trực tiếp tiếp theo vẫn chưa được ấn định.
Hôm 13/8, đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Chính phủ Mỹ sẽ hoãn việc áp các mức thuế 10% đối với hàng hóa điện tử nhập khẩu của Trung Quốc đến ngày 15/12, song vẫn sẽ xúc tiến kế hoạch áp các mức thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ 1/9 như đã tuyên bố trước đó.
Các đợt đánh thuế trước của chính quyền ông Trump đối với Trung Quốc đã tránh đánh vào các mặt hàng bán lẻ, nhưng đợt đánh thuế mới sẽ nhắm tới gần như tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà trước đó không bị ảnh hưởng, đó là hàng điện tử tiêu dùng và quần áo, giày dép.
Theo kế hoạch, Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại trong tháng 9 tới tại Washington. Động thái của phía Mỹ dường như nhằm giảm nhiệt cho cuộc đàm phán thứ 13 này. Có lẽ Trung Quốc hiểu được việc thế nào là “hoãn” áp thuế nên tỏ rõ thái độ cứng rắn. Hồi đầu tháng này, ngay sau các cuộc đàm phán ở Thượng Hải (30-31/7) đổ vỡ, Mỹ đã ngay lập tức tuyên bố áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ không đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào năm 2020. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới được cho là sẽ không tạo bước đột phá đáng kể bởi hiện tại giữa hai bên có quá ít điểm chung và khó có thể giải quyết các bất đồng.
Không những thế, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị đẩy lên một nấc thang mới vào tuần trước khi Mỹ coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ sau khi Bắc Kinh ngày 5/8 đã cho phép hạ giá đồng Nhân dân tệ vượt ngưỡng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD, đồng thời yêu cầu các công ty nhà nước dừng mua nông sản của Mỹ.
Tạp chí Federalist của Mỹ cho rằng không phải Washington mà chính là Bắc Kinh đã khiến cho tranh chấp thương mại rơi vào vòng xoáy đáng lo ngại như hiện nay. Vấn đề bắt đầu với việc Bắc Kinh đột ngột từ chối dự thảo thỏa thuận mà hai bên đã cùng nhau làm việc trong suốt nhiều tháng để đưa ra.
Cũng theo trang này, bằng một số nguồn tin truyền thông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị thuyết phục rằng ông đã mạnh hơn trước đây, nên ông có thể đợi Tổng thống Trump hết nhiệm kỳ và được thay thế bằng một nhân vật ít thù địch hơn – một tổng thống đến từ đảng Dân chủ.
Trong bối cảnh nước Mỹ bị phân cực giữa “những người ghét Trump” và “những người hâm mộ Trump”, và những người chủ trương ủng hộ thương mại nóng lòng muốn trở lại giai đoạn yên tĩnh hơn trước khi ông Trump xuất hiện, có vẻ như đây có thể là một cuộc đặt cược tốt.
Trump đúng sao người Mỹ vẫn lo?
Trong khi đó, tờ The Hill của Mỹ bình luận, cũng giống như tuyên bố về việc Mexico phải chi trả cho việc xây dựng bức tường dọc biên giới giữa Mỹ và Mexico, Tổng thống Trump nhiều lần lặp lại quan điểm rằng Trung Quốc sẽ là nước phải trả giá khi Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.
Với quyết định của Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ nhằm đối phó với mối đe dọa về thuế quan của Mỹ, Tổng thống Trump có thể đã đúng theo những góc độ hạn hẹp nhất. Chính các nhà xuất khẩu Trung Quốc chứ không phải là người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu gánh nặng to lớn khi phải chi trả cho các mức thuế quan đó.The Hill đánh giá ông Trump đúng khi nghĩ rằng mức thuế 20% đối với 500 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tạo ra khoảng 100 tỷ USD mỗi năm cho các khoản thu thêm vào ngân sách của Mỹ. Ông cũng đúng khi nghĩ rằng nếu Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ một mức đáng kể, thì chính nhà xuất khẩu Trung Quốc chứ không phải là người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu chi phí lớn vì thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, The Hill chỉ ra vấn đề “to lớn và quan trọng hơn”, đó là thuế nhập khẩu áp vào hàng hóa của Trung Quốc là mối đe dọa lớn đối với sự phục hồi kinh tế của Mỹ và kinh tế toàn cầu và những dòng thuế quan này có thể khiến thị trường chứng khoán Mỹ mất đi hàng nghìn tỉ USD khi giá trị các cổ phiếu giảm. Những tổn thất này sẽ hoàn toàn làm giảm bất kỳ sự gia tăng nào trong thu ngân sách mà thuế quan có thể mang lại. Và những chi phí đó sẽ do người dân Mỹ phải gánh chịu.
The Hill dẫn cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy thuế quan của Mỹ đã dẫn đến sự tăng trưởng chậm rõ rệt ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Chính điều này khiến nền kinh tế toàn cầu từ chuyển từ phục hồi đồng bộ hồi năm 2018 sang giảm tốc đồng bộ như hiện nay.
Leo thang trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm gia tăng bất ổn và kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu. Do đó, The Hill cho rằng sẽ là ảo tưởng khi nghĩ rằng nền kinh tế Mỹ sẽ không phải chịu tác động tiêu cực.
Biến động của thị trường vốn cổ phiếu toàn cầu cũng được đề cập tới như lời nhắc nhở về mức độ thiệt hại mà thuế nhập khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc có thể gây ra đối với người nắm giữ cổ phiếu của Mỹ. Chỉ trong vài ngày, thị trường vốn cổ phiếu của Mỹ đã giảm hơn 5%, khiến các chủ sở hữu cổ phiếu của Mỹ mất hơn 1,5 nghìn tỷ USD.
Thị trường đã có những phiên hồi phục nhưng nếu cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, thì thị trường chứng khoán của Mỹ và toàn cầu sẽ phải đối mặt với thiệt hại to lớn trong khoảng thời gian dài hơn.
The Hill thừa nhận Trung Quốc có vẻ như không có ý định chấp thuận các yêu cầu chính sách thương mại của Mỹ. Dường như Trung Quốc biết được cái giá mà cuộc chiến thương mại giữa hai nước sẽ gây ra cho cả nền kinh tế Mỹ, cũng như thị trường chứng khoán Mỹ, và Trung Quốc cũng biết được giới hạn chính trị đối với những mức tổn hại mà Mỹ có thể chịu.
Những bình luận của The Hill thể hiện thái độ dường như người Mỹ lo cho thế giới hơn bản thân mình. Tuy nhiên, ẩn chứa phía sau có lẽ là sự lo sợ thực sự trước những tác động không mấy dễ chịu từ các đòn trả đũa trực tiếp của Trung Quốc.
Chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp, một ngành chiếm tỷ trọng cực kỳ nhỏ bé trong nền kinh tế Mỹ, cũng đang chao đảo vì các biện pháp trả đũa của Trung Quốc. Ông Zippy Duvall, Chủ tịch Farm Bureau – hiệp hội nông nghiệp lớn nhất nước Mỹ, coi việc Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ là “một đòn giáng mạnh” đối với hàng nghìn nông dân Mỹ và các chủ trang trại chăn nuôi gia súc vốn đang phải vật lộn để vượt qua những khó khăn hiện tại. Theo Farm Bureau, tỷ lệ các nông trại tuyên bố phá sản đã tăng vọt 13% trong 12 tháng qua (kết thúc vào ngày 30/6). Ông Duvall nói: “Giờ đây chúng tôi đang đứng trước nguy cơ mất đi toàn bộ thị trường trị giá 9,1 tỷ USD trong năm 2018”, lưu ý kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm mạnh từ mức 19,5 tỷ USD của năm 2017.
Thành Minh/Đất Việt