Thương chiến nảy lửa với Mỹ: Lối thoát của TQ như bóng chim tăm cá, láng giềng cũng chịu
Trong bối cảnh hiện nay, không quốc gia nào, bao gồm các nền kinh tế lớn khác hay các nước láng giềng có thể thay thế vị trí của Mỹ đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Trung Quốc dư thừa hàng hóa
The New York Times (NYT – Mỹ) cho biết, hiện nay, rất nhiều nhà máy ở Trung Quốc sản xuất hàng hóa ồ ạt nhưng do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, các khách hàng lớn ở nước ngoài đã không mua nhiều hàng hóa từ Trung Quốc như trước đây.
Vì vậy, Trung Quốc đang tìm kiếm khách hàng mới. Tuy nhiên, đây có thể là một nhiệm vụ khó khăn.
Tuần này, Trung Quốc chính thức tái khởi động nỗ lực thiết lập khu vực thương mại tự do ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đặt ra một mục tiêu khó có thể đạt được – một thỏa thuận sẽ đạt được vào trước tháng 11. Nếu mọi việc suôn sẻ, thỏa thuận cuối cùng sẽ mở ra nhiều thị trường từ Australia đến Ấn Độ.
Bắc Kinh vẫn đang cố gắng duy trì cuộc đàm phán ba bên với rất ít cơ hội chiến thắng, nhằm giảm bớt rào cản thương mại giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở cấp độ rộng hơn, nước này đơn phương hạ thấp thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa trên khắp thế giới, mặc dù tăng thuế quan trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Điều này có liên quan đến sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc. Tuần trước, Trung Quốc cho biết, tăng trưởng kinh tế của nước này thấp nhất trong gần 30 năm, một phần vì cuộc chiến thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu tác động đến các lĩnh vực xuất khẩu quan trọng của nước này. Các công ty toàn cầu hiện đang tìm cách chuyển hoạt động sang các nước khác để tránh khả năng xảy ra chiến tranh thương mại dài hạn.
Vì chưa thể tìm được lối ra trong thời gian ngắn, Trung Quốc cần tìm thị trường mới cho các sản phẩm của mình.
“Rất khó để thay thế Mỹ, nhưng [Trung Quốc] cần phải thử nghiệm và phải đa dạng hóa”, ông Trần Định Định, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Tế Nam, Quảng Châu, nói. “Chúng tôi không muốn ỷ lại thị trường Mỹ mãi mãi, mặc dù điều đó rất quan trọng.”
Nhưng việc đạt được thỏa thuận thương mại là rất khó khăn và các đối tác thương mại tự do tiềm năng của Trung Quốc có rất nhiều lý do để lo lắng.
Số lượng lớn hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ không được bất kỳ nước nào tiếp nhận. Trong khi, các nước láng giềng ở khu vực lại cạnh tranh với Trung Quốc trong một số ngành công nghiệp. Hơn nữa, để bảo đảm ngành công nghiệp trong nước, Trung Quốc tiếp tục phải duy trì mức thuế cao và các rào cản khác – những rào cản này phải được giảm nếu Bắc Kinh ký hợp đồng với các nước khác.
Xung đột kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến hệ thống thương mại thế giới mất thăng bằng. Trung Quốc có thặng dư thương mại 1.000 tỷ USD hàng hóa sản xuất mỗi năm, điều đó có nghĩa là nước này xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu và gần một nửa số thặng dư đến từ thương mại với Mỹ.
Trong nửa đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 8,5%. Xuất khẩu của Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới chỉ tăng 2,1%. Khi cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington bước sang năm thứ hai, xuất hiện vấn đề hiện tại chính là: Nếu Mỹ không mua thì nước nào có thể nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc?
Trong lĩnh vực sản xuất xe ô tô, thép và các sản phẩm thương mại toàn cầu lớn khác của nước này xuất hiện tình trạng dư thừa. Càng nhiều nhà máy sản xuất suy yếu và đóng cửa có thể sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Trước áp lực kinh tế tiềm tàng hơn nữa, Bắc Kinh đang tìm cách mở ra các thị trường khác. Hành động chính là thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào mùa hè này.
“Chúng tôi đang tiếp tục thảo luận, hy vọng sẽ đẩy nhanh quá trình đàm phán và cố gắng hoàn thành đàm phán thỏa thuận hợp tác kinh tế toàn diện khu vực trong năm nay”, ông Ngô Giang Hạo, Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Trong khi ông Takeshi Niinami, Giám đốc điều hành của công ty nước giải khát Nhật Bản Suntory và là thành viên của Ủy ban cố vấn kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe lại cho rằng: “Tôi không hoàn toàn lạc quan các bên sẽ đạt được thỏa thuận vào tháng 11 tới”.
Nhưng không tìm được thị trường thay thế Mỹ
Một trong những trở ngại chính là thuế quan cao của riêng Trung Quốc. Trong thời gian dài, Bắc Kinh đã lo lắng rằng nếu cắt giảm thuế quan, các nhà sản xuất sẽ tìm đến các thị trường giá rẻ như Bangladesh để tránh ảnh hưởng.
Kể từ tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc bắt đầu giảm thuế. Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ hiện vẫn đang leo thang. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng ngày càng sẵn sàng hạ thấp hàng rào bảo hộ của các ngành công nghiệp công nghệ thấp, thu hút lao động, tập trung vào các ngành nghề sản xuất phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, các sản phẩm giảm thuế của Trung Quốc bao gồm nhiều hàng hóa sản xuất công nghệ thấp, như túi xách và quần áo giá rẻ đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước láng giềng.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục giảm mức thuế trung bình, nỗ lực loại bỏ các hàng rào phi thuế quan, tích cực mở rộng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, tăng mức độ thuận lợi cho nhập khẩu”, Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Đại Liên ngày 2/7 vừa qua.
Nhận được sự ủng hộ từ các nước láng giềng có thể là một nhiệm vụ khó khăn của Bắc Kinh. Ví dụ, quy mô và tăng trưởng nhanh chóng của Ấn Độ có thể trở thành khách hàng tiềm năng lớn của hàng hóa Trung Quốc. Nhưng Ấn Độ bảo vệ thị trường của mình với mức thuế trung bình cao nhất trong các nền kinh tế lớn trên thế giới và lo ngại sẽ có những mặt hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Ông Gaurav Dalmia, Chủ tịch tập đoàn công nghiệp và tài chính Ấn Độ Dalmia Group Holdings cho biết, một số ngành công nghiệp có thể dễ bị tổn thương nhưng một số ngành khác chắc chắn sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn thận trọng khi mở cửa cho các công ty dược phẩm Ấn Độ và công nhân Ấn Độ.
Cựu Bộ trưởng Thương mại Indonesia Mari Pangestu cho biết, có khả năng các cuộc đàm phán tháng 11 tới sẽ đạt được thỏa thuận ban đầu mà không có Ấn Độ. Nhưng điều này sẽ hạn chế lợi ích của các quốc gia khác trong các cuộc đàm phán.
Ngay cả khi đạt được thỏa thuận, Trung Quốc hưởng lợi bao nhiêu cũng là vấn đề khó dự đoán. Nhiều quốc gia thành viên tiềm năng như Nhật Bản và Hàn Quốc là những nhà sản xuất rất cạnh tranh và có thể không nhập quá nhiều sản phẩm.
Theo NYT, Trung Quốc cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán dài hạn với Nhật Bản và Hàn Quốc về việc thiết lập quan hệ đối tác thương mại ba bên. Nhưng triển vọng của bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã rất có vấn đề do tranh chấp thương mại ngày càng tăng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Brad Setser, cựu quan chức của Bộ tài chính dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, hiện là thành viên Hội đồng Quan hệ đối ngoại New York, nhận định ngay cả khi đạt được thỏa thuận thương mại mới, Trung Quốc vẫn sẽ phải đối mặt áp lực tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm của mình.
“Hiện nay, tuyệt đối không có quốc gia nào trên thế giới sẵn sàng thay thế Mỹ, bởi thâm hụt thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã đạt gần 400 tỷ USD mỗi năm”, ông nói.
(Theo Soha News)